Kết luận của UBTVQH về Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024

04/10/2024

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký ban hành Kết luận số 973/KL-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.

UBTVQH cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính năm 2024

Kết luận nêu rõ, sáng ngày 26/9/2024, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024 và kết luận như sau:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước đã nghiêm túc thực hiện yêu cầu trong Nghị quyết của Quốc hội để xây dựng Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024; thực hiện thời gian tổng hợp số liệu từ ngày 01/10 của năm trước đến hết ngày 30/9 của năm báo cáo để trình Quốc hội theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, số liệu tổng hợp chưa đầy đủ, còn thiếu của 18/63 địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các đánh giá, nhận định về kết quả đạt được trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các giải pháp được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật; đồng thời nhận thấy, trong năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trung ương, địa phương và đặc biệt là thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 giám sát chuyên đề năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính tiếp tục có những chuyển biến quan trọng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Những kết quả tích cực đạt được trong công tác này đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường niềm tin, sự gắn bó của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục phát huy kết quả này, khắc phục các tồn tại, hạn chế, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật để hoàn thiện Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024 trình Quốc hội, trong đó lưu ý bổ sung, làm rõ một số nội dung sau đây:

- Chỉ đạo rà soát, cập nhật đầy đủ, chính xác tình hình, số liệu về kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước (nhất là của 18 địa phương còn thiếu) đến hết ngày 30/9/2024.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp.

- Đánh giá, làm rõ thêm đặc điểm, tình hình công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2024; xác định rõ nguyên nhân của tỷ lệ tăng/giảm số lượt, số người, số vụ việc và số đoàn đông người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; phân loại, làm rõ những vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, những vụ việc tồn đọng từ những năm trước; đánh giá đầy đủ thực trạng khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài; bổ sung đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Tiếp tục rà soát, bổ sung các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các nội dung cần tập trung chỉ đạo, các giải pháp, lộ trình cụ thể để giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, hạn chế tối đa việc phát sinh vụ việc mới gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội; chú trọng công tác hướng dẫn, đôn đốc thanh tra và kiểm tra bảo đảm giải quyết hiệu quả các khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở. Trong đó, làm rõ những giải pháp trọng tâm, then chốt, mang tính đột phá cần thực hiện ngay, những giải pháp cơ bản, lâu dài; việc tăng cường đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm kết nối liên thông từ trung ương đến cơ sở, kết nối giữa các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, đoàn thể để thống kê, theo dõi, xử lý hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Bổ sung trong Báo cáo đầy đủ hơn thông tin về các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị làm tốt, chưa tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những nơi có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, chậm giải quyết và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để phát huy, nêu gương đối với những điển hình và yêu cầu chấn chỉnh, xem xét trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với những cơ quan, cá nhân có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên họp.

Các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát thường xuyên đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm chính trong chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương. Tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và động viên người dân tuân thủ pháp luật tại địa phương.

Trên cơ sở Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện Báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước ngày 10/10/2024.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra chính thức Báo cáo của Chính phủ để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 8 bố trí, kết hợp thảo luận tại Hội trường trong cùng một ngày các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tội phạm, về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7 và kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2024./.

Trọng Quỳnh