Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 28 (lần 2)

24/10/2024

Chiều 24/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức họp phiên toàn thể lần thứ 28 (lần 2). Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

Ủy ban Pháp luật thẩm tra các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã 21 tỉnh, thành phố

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Nguyễn Phương Thủy, Nguyễn Trường Giang, Trần Hồng Nguyên, Nguyễn Thị Mai Phương; các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội.

Cùng dự phiên họp còn có: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy; đại diện các bộ, ngành có liên quan;…

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Tại Phiên họp thứ 28 (lần 2), Ủy ban Pháp luật thẩm tra 03 nội dung, bao gồm: Thẩm tra đề nghị của Chính phủ bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; bổ sung dự án Luật Tình trạng khẩn cấp và dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Đồng thời, thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết, khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh, việc xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội “thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất” là cần thiết.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh báo cáo tại phiên họp

Về nội dung chính sách, Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị quyết với chính sách thí điểm cho phép doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, với nội dung cụ thể sau: Làm rõ điều kiện để thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất phải đảm bảo nguyên tắc sử dụng đất phù hợp với quy hoạch (đã được quy định trong Luật Đất đai) và phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; Quy định chi tiết tiêu chí lựa chọn dự án thực hiện thí điểm đảm bảo hài hòa, bình đẳng giữa các hình thức tiếp cận đất đai để thực hiện dự án nhà ở thương mại;…

Về thủ tục soạn thảo, thời hạn trình, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép bổ sung Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội khóa XV quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết tại kỳ họp thứ 8, theo quy trình một kỳ họp.

Thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cũng cho biết, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đề nghị bổ sung: Dự án Luật Tình trạng khẩn cấp; dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Theo đó, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung 02 dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025)

Cho ý kiến tại phiên họp, các thành viên Uỷ ban Pháp luật cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành 02 dự án Luật, 01 dự thảo Nghị quyết thí điểm. Hồ sơ cơ bản bảo đảm đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, một số nội dung trong các tài liệu cụ thể cần được rà soát, hoàn thiện thêm, nhất là đối với hồ sơ dự thảo Nghị quyết thí điểm.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung

Nội dung chính sách cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến. Tuy nhiên, đề nghị cần bố sung đánh giá việc đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW về “kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai” và “có cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững” của dự thảo Nghị quyết thí điểm.

Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, đề nghị, rà soát, bổ sung, làm rõ một số nội dung cụ thể như: Về loại đất được thỏa thuận và điều kiện được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà không phải là đất ở; Về tiêu chí lựa chọn dự án thực hiện thí điểm; Về cơ chế thực hiện thí điểm;…

Về dự án Luật Tình trạng khẩn cấp, đề nghị xác định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật, phân định với phạm vi điều chỉnh của các luật khác có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật;…

Liên quan tới Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đề nghị cần làm rõ nội hàm của khái niệm “Đổi mới sáng tạo” và sự khác biệt giữa đổi mới sáng tạo với ứng dụng KH&CN, thương mại hóa kết quả KH&CN;  làm rõ Quy định về các Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, vùng, ngành có dẫn đến việc thành lập tổ chức mới hay không, để bảo đảm các yêu cầu trong các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, UBTVQH;…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Kết luận nội dung nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, các nội dung trình đều là nội dung quan trọng, cần thiết, khắc phục vướng mắc qua tổng kết thực tiễn vừa để thí điểm nội dung mới, thực hiện chủ trương đường lối của Đảng.

Đối với đề nghị bổ sung các dự án Luật Tình trạng khẩn cấp và Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các ý kiến tán thành bổ sung vào Chương trình năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

Đối với đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, đề nghị các cơ quan bổ sung làm rõ các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện hồ sơ đảm bảo chất lượng tốt nhất;…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật khẩn trương tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại phiên họp để hoàn thiện dự thảo Báo cáo thẩm tra theo đúng quy định.

***Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng  

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự phiên họp

Thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang

Thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung

Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy

Ủy ban Pháp luật tổ chức họp phiên toàn thể lần thứ 28 (lần 2)./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác