Tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

07/11/2024

Sáng 7/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Bám sát thực tiễn, giải phóng nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn

Đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia được xây dựng nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, kế toán, kiểm toán độc lập, ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công, quản lý thuế và dự trữ quốc gia, qua đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát; thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xóa bỏ cơ chế xin – cho; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác.

Toàn cảnh phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến bày tỏ quan điểm nhất trí về sự cần thiết sửa đổi dự án Luật để tháo gỡ các điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực tài chính, ngân sách và trong việc thi hành pháp luật thời gian qua.

Đóng góp ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, theo dự thảo Luật thì Chính phủ chỉ quy định về thẩm quyền cho các cơ quan cấp dưới cũng như các chính quyền địa phương trong việc quản lý các nội dung liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, nội dung này không được thể hiện rõ ràng ở các điều luật sau đó. Trên cơ sở quy định thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành, hội đồng nhân dân các cấp quy định thẩm quyền quản lý sử dụng tài sản công cho các cơ quan cấp dưới. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ xảy ra sự chồng lấn, thiếu rõ ràng về phạm vi, cần rà soát, nghiên cứu, làm rõ nội dung, phạm vi quy định của Chính phủ và các cơ quan cấp dưới để tránh mâu thuẫn hoặc chồng chéo trong ngay chính luật này và cũng như luật khác của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu

Đối với quy định về khấu hao, hao mòn tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo luật sẽ gây thêm khó khăn cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động tự chủ. Đại biểu cho biết, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đã có quy định về tính khấu hao trong kết cấu giá thành sản phẩm dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, Nghị định này nêu rõ, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá, định mức kinh tế-kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Trong đó, trích khấu hao tài sản cố định theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và lộ trình kết cấu chi phí khấu hao vào giá dịch vụ sự nghiệp công do cấp có thẩm quyền quy định.

Tuy nhiên, trên thực tế đến thời điểm hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên thì giá cung cấp dịch vụ không có yếu tố khấu hao tài sản và cũng không có quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp nên chưa được tính đầy đủ như giá dịch vụ khám chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập. Đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ nội dung này để có quy định bám sát điều kiện thực tế, tháo gỡ được những vướng mắc hiện tại.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu

Góp ý về việc sửa đổi Luật ngân sách nhà nước, đại biểu Đinh Thị Phương Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong hồ sơ, Chính phủ trình kèm theo các dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết, tuy nhiên đây là một trong những nội dung quan trọng liên quan đến quản lý, điều hành ngân sách, nên Chính phủ cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, không luật hoá nghị định, thông tư. Đồng thời, cần cân nhắc việc quy định quá linh hoạt có thể dẫn đến những hệ lụy không mong muốn trong quản lý tài chính, ngân sách, có thể rủi ro cho cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ trong điều kiện hệ thống chính sách chưa thực sự đồng bộ, thống nhất như hiện nay.

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các luật liên quan, sửa toàn diện Luật Ngân sách nhà nước, nghiên cứu nội hàm để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương không mang tính dàn đều mà ưu tiên đặc biệt cho lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, lĩnh vực kinh tế ngành trọng yếu của quốc gia, lĩnh vực kinh tế có thể khai thác hiệu quả nguồn lực cho ngân sách nhà nước, phát huy tối đa nguồn lực của địa phương và khu vực ngoài nhà nước, đồng thời tạo điều kiện chủ động cho việc điều hành ngân sách của địa phương. Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu các nội dung về chuyển nguồn ngân sách, hệ thống các chính sách đặc thù đã ban hành liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tài chính, đầu tư, các quy định về vay vốn nước ngoài, quỹ tài chính trong và ngoài ngân sách để làm cơ sở sửa đổi toàn diện luật, hoàn thiện các chính sách đặc thù.

Chú trọng tính khả thi, không gây ra xung đột pháp lý

Tham gia ý kiến về Luật Kiểm toán độc lập, đại biểu Thái Thị An Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cơ bản đồng tình với các đề xuất tăng cường các đối tượng cần kiểm toán bằng việc bổ sung khoản 5 và khoản 6 vào Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập nội dung: “Doanh nghiệp, tổ chức khác có quy mô lớn phải kiểm toán báo cáo tài chính theo quy định của chính phủ; Doanh nghiệp, tổ chức khác theo quy định của luật có liên quan”. Đại biểu cho rằng, Luật hiện hành không quy định điều này dẫn tới một số doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn hay các công ty bất động sản không niêm yết, không đại chúng cũng không cần kiểm toán gây ảnh hưởng nặng nề tới xã hội trong thời gian qua.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phát biểu

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị làm rõ mục đích kiểm toán theo diện rộng, khi việc kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm của các doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây tốn kém chi phí và nguồn lực lớn cho xã hội. Bên cạnh đó, đơn vị được kiểm toán quy định tại Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập hiện hành hiện đang quy định theo ngành và lĩnh vực hoạt động. Nếu như bổ sung đối tượng kiểm toán theo quy mô sẽ dẫn đến hiện tượng không thống nhất các đối tượng kiểm toán trong cùng một điều luật. Vì vậy, đại biểu đề xuất cần xác định phạm vi đối tượng kiểm toán theo ngành, lĩnh vực để cho tương đồng với các quy định tại Điều 37 luật Kiểm toán độc lập hiện hành.

Đóng góp ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý Thuế, đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 84 Luật Quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế tiếp tục theo dõi các khoản tiền thuế nợ được khoanh và phối hợp với cơ quan có liên quan để thu hồi tiền thuế nợ khi người nộp thuế có khả năng nộp thuế hoặc thực hiện xóa nợ. Tuy nhiên, tại khoản 5 Điều 124 Luật Quản lý thuế, quy định: “Chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp người nộp thuế được cơ quan quản lý thuế khoanh tiền thuế nợ trong thời hạn khoanh nợ; không tính tiền chậm nộp theo quy định của Luật này; được nộp dần tiền thuế nợ trong thời hạn nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế”.

Đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu

Đại biểu cho biết, trường hợp người nộp thuế đã được khoanh nợ (áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) có khả năng nộp thuế, cơ quan thuế chỉ được phối hợp thu mà không được áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để thu thì không thể thu được tiền thuế nợ khi đã áp dụng đến biện pháp cưỡng chế cuối cùng. Tại điểm b khoản 9 Điều 6 Dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 3 Điều 125 Luật Quản lý thuế với nội dung sau: “Trường hợp các khoản tiền thuế nợ được khoanh mà cơ quan quản lý thuế có đủ thông tin người nộp thuế có khả năng nộp thuế thì áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để thu hồi nợ thuế đã khoanh.”

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Phát biểu giải trình ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật và trình Quốc hội để ban hành. Về Luật Ngân sách nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Luật Ngân sách nhà nước được sửa đổi, bổ sung để giải quyết những điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc trong thời hạn ngắn, còn trong nhiệm kỳ tới sẽ sửa Luật Ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường phân cấp quản lý ngân sách để tăng tính chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương. Việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công đã được các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo sự thống nhất và tính khả thi trong thực tiễn. Luật Đầu tư công (sửa đổi) đặt mục tiêu tăng cường tính khoa học và hiệu quả trong quản lý đầu tư công, đồng thời bảo đảm cân đối tài khóa. Việc quy định chặt chẽ kế hoạch đầu tư công trung hạn và tạo cơ chế linh hoạt cho việc bố trí vốn bổ sung sẽ giúp tránh tình trạng lãng phí, thất thoát vốn và đảm bảo các dự án đầu tư được thực hiện đúng tiến độ, chất lượng.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia để thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cấp thiết cần sửa đổi ngay trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, ngân sách nhà nước và các nguồn lực ngoài Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kế toán, kiểm toán độc lập, quản lý thuế, quản lý thị trường chứng khoán.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, các đại biểu đã tham gia ý kiến về phạm vi sửa đổi luật, việc thông qua dự án luật tại Kỳ họp này, sự cần thiết, cấp bách phải sửa đổi một số điều khoản trong dự thảo luật, tính thống nhất của các điều khoản sửa đổi so với các luật khác để đảm bảo tính khả thi của các quy định, không gây ra xung đột pháp lý, không phát sinh vướng mắc, bất cập mới gây khó khăn, bất lợi cho người dân, doanh nghiệp và gây lãng phí, thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Quang cảnh phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh và Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần tại phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng phát biểu

Đại biểu Triệu Quang Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu

Đại biểu Nguyễn Trí Thức, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh phát biểu

Đại biểu Thái Thị An Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc lắng nghe ý kiến các đại biểu Quốc hội

Đại biểu Đỗ Đức Hiển, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh phát biểu

Đại biểu Nguyễn Công Long, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu

Đại biểu Đoàn Thị Lê An, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng phát biểu

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh phát biểu

Đại biểu Phạm Đức Ấn, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội phát biểu

Đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa phát biểu

Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội phát biểu

Đại biểu Nguyễn Hải Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương phát biểu

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận./.

Hồ Hương - Phạm Thắng - Nghĩa Đức

Các bài viết khác