Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm thực hiện cam kết quốc tế về chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam

15/11/2024

Thực hiện chức năng nhiệm vụ theo Luật định, sáng 15/11 tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đồng chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức cuộc làm việc để góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm thực hiện cam kết quốc tế về chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

Quang cảnh cuộc làm việc.

Cuộc làm việc nhằm mục tiêu tăng cường đối thoại, trao đổi giữa các ĐBQH, các Bộ, ngành Trung ương và các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp về chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách đột phá nhằm phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo; đề xuất, góp ý đối với dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi và Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz đồng chủ trì cuộc làm việc.

Dự cuộc làm việc có Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung; Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Trần Việt Anh; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển; đại diện đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội, Hưng Yên, An Giang cùng đại diện các Bộ, ngành Trung ương và các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến phát biểu mở đầu cuộc làm việc.

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, Việt Nam đang trong quá trình phát triển rất nhanh, nhu cầu sử dụng điện ngày càng lớn. Trong khi đó, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm chuyển dịch năng lượng xanh thông qua việc tham gia các cam kết quốc tế mạnh mẽ như: Cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) năm 2021; Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam (JETP) năm 2022. Trong bối cảnh nêu trên, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) là đảm bảo hiện thực hóa các cam kết quốc tế của Việt Nam, từ đó tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng xanh, đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở đảm bảo an ninh và phát triển bền vững ngành năng lượng trong tương lai.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng vừa cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này, do đó cuộc làm việc là dịp để các bên trao đổi, đối thoại, chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng và đầu tư vào năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi của các quốc gia trên thế giới, đồng thời, đề xuất những nội dung cần bổ sung vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch năng lượng xanh của Việt Nam.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz. 

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz nhấn mạnh, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về chuyển đổi xanh, điều này rất tích cực và cần thiết để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và thịnh vượng trong tương lai. Việc này không chỉ để đáp ứng các cam kết quốc tế của Việt Nam, mà còn rất quan trọng để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới và duy trì FDI hiện tại.

Chính phủ Đan Mạch và Việt Nam đã hợp tác trong lĩnh vực năng lượng thông qua Chương trình Hợp tác đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch. Và tháng 11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã có cuộc hội đàm trực tuyến, thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh giữa hai nước.

Đại sứ Nicolai Prytz cho biết, hành trình chuyển đổi xanh của Đan Mạch bắt đầu từ những năm 1970, đã chứng minh rằng có thể tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi tiêu thụ năng lượng và phát thải CO2 tăng. Kể từ năm 1990, GDP của Đan Mạch đã tăng trưởng 75% trong khi tiêu thụ năng lượng giảm 11%, lượng phát thải CO2 giảm 41% và việc làm xanh tăng 31%. Chuyển đổi sang năng lượng tái tạo cũng mang lại lợi ích kinh tế cho Đan Mạch.

“Việc Việt Nam sửa đổi Luật Điện lực là rất quan trọng để thúc đẩy các chính sách năng lượng và đầu tư vào năng lượng tái tạo. Chính phủ Đan Mạch sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này”, đại sứ Nicolai Prytz khẳng định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi thông tin thêm về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Thông tin thêm về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật lần này tập trung vào các nội dung: quy hoạch phát triển điện lực; đầu tư phát triển điện; chính sách giá điện; công tác vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia; các chính sách về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, đặc biệt quy định về phát triển điện gió ngoài khơi), năng lượng mới…

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã cắt giảm, đơn giản hóa 19 thủ tục hành chính trong lĩnh vực điện lực và giao Chính phủ quy định chi tiết các thủ tục. Cùng với đó, dự thảo Luật đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quyết định chủ trương đầu tư phát triển điện nhằm bảo đảm tiến độ của các dự án phát triển điện, đáp ứng nhu cầu về điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Một nội dung được các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là chính sách về phát năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời. Nêu vấn đề này,  Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, Chính phủ dự kiến sẽ xây dựng dự án luật riêng về năng lượng tái tạo. Song, trước yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, dự thảo Luật đã thiết kế một chương riêng về năng lượng tái tạo, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trên thực tế. Cùng với đó, do các quy định liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo như đàm phán giá điện, cam kết sản phẩm tối thiểu, giải phóng mặt để thực hiện dự án phát triển điện… được quy định trong nhiều luật khác nên cần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại diện Cơ quan năng lượng Đan Mạch chia sẻ inh nghiệm của Đan Mạch trong chuyển dịch năng lượng.

Tại cuộc làm việc, các đại biểu, các chuyên gia quốc tế và đại diện các Bộ ngành, cơ quan liên quan đã chia sẻ kinh nghiệm của Đan Mạch trong chuyển dịch năng lượng; một số thách thức trong phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam; cơ chế phát triển năng lượng tái tạo tại một số quốc gia trên thế giới và đóng góp nhiều ý kiến, khuyến nghị để sửa đổi Luật Điện lực.

Ghi nhận và đánh giá cáo kinh nghiệm của Đan Mạch trong chuyển dịch năng lượng và các ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại khẳng định sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến và nghiên cứu tiếp thu nhằm hoàn thiện dự thảo Luật. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của cá nhân Đại sứ Đan Mạch, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp Đan Mạch trong quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách tại Việt Nam thời gian tới./.

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Quang cảnh cuộc làm việc.

Các đại biểu dự cuộc làm việc.

Các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng... dự cuộc làm việc.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến phát biểu tại cuộc làm việc.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu tại cuộc làm việc.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung phát biểu tại cuộc làm việc.

Các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, chuyên gia trao đổi tại cuộc làm việc.

Ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương phát biểu tại cuộc làm việc.

Các đại biểu dự cuộc làm việc chụp ảnh chung.

Trọng Quỳnh - Minh Thành

Các bài viết khác