Hoàn thiện hệ thống pháp luật để xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV gồm 09 chương, 50 điều, quy định về hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà giáo. Đối tượng áp dụng của dự án Luật gồm: Nhà giáo được tuyển dụng, làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
So với quy định hiện hành tại các Luật liên quan, dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới về: Đối tượng, phạm vi áp dụng; quy định việc tuyển dụng nhà giáo; chính sách tiền lương của nhà giáo; tuổi nghỉ hưu của nhà giáo; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo...
Dự thảo Luật được xây dựng với mục tiêu thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” nhận được sự tâm lớn từ xã hội.
Đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật
Dưới góc độ khoa học cũng như từ hoạt động thực tiễn, TS. Nguyễn Thị Thủy, Phó Trưởng Khoa Pháp luật Hành Chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, chính sách pháp luật về nhà giáo là cần thiết và cần thiết hơn nữa là chính sách về nhà giáo phải đảm bảo thống nhất, đồng bộ ở tất cả các quy định pháp luật trong hệ thống pháp luật (Luật Viên chức, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục đại học,...) nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc xác lập trật tự quản lý nhà nước về nhà giáo, thúc đẩy phát triển đội ngũ nhà giáo chất lượng và hiệu quả.
TS. Nguyễn Thị Thủy, Phó Trưởng Khoa Pháp luật Hành Chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tính thống nhất, đồng bộ của chính sách, pháp luật hiện hành đối với nhà giáo cho thấy cần tiếp tục đánh giá, rà soát và hoàn thiện quy định tại dự thảo Luật nhà giáo. Bởi hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có những đặc điểm đặc thù cần được điều chỉnh bằng Luật riêng biệt thống nhất chung đối với mọi nhà giáo nhưng không chồng chéo và mâu thuẫn với các luật khác. Dự thảo Luật Nhà giáo cần phải bảo đảm: giáo dục, lao động sư phạm của nhà giáo là lao động đặc biệt, từ đối tượng, công cụ, quy trình cho đến sản phẩm đều do con người thực hiện và trực tiếp tác động đến con người, góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho đất nước;...
“Cần phải có một luật riêng điều chỉnh về nhà giáo với những quy định phù hợp, các quy định có tính chất mở đường cho việc xây dựng đội ngũ nhà giáo trước mắt và lâu dài. Qua đó, tạo vị thế vững chắc của nhà giáo trong xã hội, đồng thời là cơ hội để phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước...”, TS. Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.
TS. Bùi Xuân Phái – Trường Đại học Luật Hà Nội
Cùng quan điểm, TS. Bùi Xuân Phái – Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, việc ban hành Luật Nhà giáo là cần thiết, nhất là trong xã hội hiện đại, khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới của sự phát triển, đòi hỏi một nguồn nhân lực chất lượng cao. Để đảm bảo cho luật này phát huy hiệu quả, việc xác định đúng đối tượng và phạm vi điều chỉnh cho dự thảo Luật có ý nghĩa rất quan trọng.
Theo TS. Bùi Xuân Phái hiện nay, dự thảo Luật Nhà giáo đã được chỉnh sửa nhiều lần sau những góp ý trách nhiệm của nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người trong cuộc là các nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục, các nhà khoa học hay chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý. Có thể nói, về cơ bản dự luật đã xác định tương đối rõ, đầy đủ về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng với những cơ sở lý luận và thực tiễn xác đáng trên cơ sở có sự đối chiếu với kinh nghiệm trong xây dựng pháp luật của nhiều quốc gia với những đặc thù khác nhau. Với cách nhìn khách quan, đa dạng, nhiều chiều cạnh khác nhau, quy định trong dự thảo về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đã được cân nhắc khá kỹ lưỡng.
Bổ sung làm rõ, nổi bật hơn chính sách đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập
Tán thành cao sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo, TS. Đoàn Thị Tố Uyên – Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, dự thảo Luật đã cụ thể hóa cơ bản nội dung tinh thần của các chế độ, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo.
TS. Đoàn Thị Tố Uyên – Trường Đại học Luật Hà Nội
Trong đó, về chính sách đãi ngộ, đây là nội dung thể hiện sự ưu việt của chính sách thông qua chế độ tiền lương và phụ cấp nghề nghiệp nhà giáo. Dự thảo Luật đã thể hiện được khá đầy đủ, chi tiết về nội dung này tại Chương V từ Điều 25 đến Điều 29 (tiền lương, phụ cấp; chính sách hỗ trợ nhà giáo; chính sách thu hút nhà giáo; chế độ nghỉ hưu; chế độ kéo dài thời gian làm việc), trong đó luôn có sự nhấn mạnh chế độ, chính sách ưu đãi hơn cho nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Nội dung này hoàn toàn phù hợp với chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, theo TS. Đoàn Thị Tố Uyên cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc về tính khả thi nhất là điều kiện bảo đảm cho các quy định về phụ cấp, chế độ hỗ trợ cho nhà giáo.
PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến – Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội
Quan tâm tới dự luật, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến – Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, đây là một dự luật khó, nhạy cảm liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đặt trong bối cảnh lĩnh vực này đã có các đạo luật chuyên ngành quy chiếu, điều chỉnh bao gồm: Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014... có các quy định về nhà giáo.
Theo PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến các chính sách liên quan đến nhà giáo thể hiện trong dự thảo Luật phải thể hiện rõ quan điểm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng; không có sự phân biệt, đối xử đối với nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập, các cơ sở giáo dục ngoài công lập; các cơ sở giáo dục do thành phần kinh tế có vốn đầu tưu nước ngoài được phép thành lập tại Việt Nam mà không phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư cơ sở giáo dục; chế độ quản lý giữa các cơ sở giáo dục ở nước ta. “Nội dung này cần được thể hiện rõ nét hơn. Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung làm rõ, nổi bật hơn về chính sách đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập đảm bảo sự công bằng, bình đẳng đặt trong mối quan hệ tương quan, đối chiếu với các cơ sở giáo dục công lập”, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến kiến nghị./.