Nhiều kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền các bộ, ngành chưa được giải quyết

26/11/2024

Ngày 26/11, cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2024, các đại biểu đã truyền tải các kiến nghị của cử tri đến nghị trường Quốc hội, trong đó có nhiều kiến nghị đã được phản ánh nhiều lần, kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết; mong muốn được các bộ, ngành sớm giải quyết.

Quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong tiếp nhận, xử lý và giám sát khiếu nại tố cáo

Làm rõ lý do người đứng đầu chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân

Toàn cảnh Phiên thảo luận

Bày tỏ sự thống nhất với Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, một số đại biểu đánh giá, thời gian qua hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, đặc biệt là hoạt động giám sát tiếp tục tập trung, có trọng tâm, trọng điểm vào những vấn đề bức xúc trong đời sống được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương cũng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực tập trung giải quyết các kiến nghị của cử tri, vì vậy số kiến nghị của cử tri được tiếp thu, giải quyết xong ngay giữa 2 kỳ họp đã tăng so với các kỳ họp trước. Theo thống kê cho thấy kỳ họp thứ 6 chỉ có 95 ý kiến nghị được giải quyết xong, nhưng đến kỳ họp thứ 7 đã có đến 140 kiến nghị của các bộ, ngành đã giải quyết xong và nhiều kiến nghị đã được trả lời trước thời hạn.

Qua đó cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết kiến nghị của cử tri, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội,  tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân cả nước.

Nhiều kiến nghị thuộc thầm quyền của ngành y tế chưa được giải quyết

Tại phiên họp, các đại biểu cũng truyền tải nhiều kiến nghị, phản ánh của cử tri và Nhân dân đến nghị trường Quốc hội, đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành chỉ đạo giải quyết. Trong đó, cử tri phản ánh tình trạng thiếu vaccine, thiếu thuốc chữa bệnh vẫn tiếp tục diễn ra tại một số bệnh viện công lập, chủ yếu là do hạn chế trong công tác tổ chức đấu thầu, đặc biệt việc thiếu vaccine đã diễn ra từ cuối năm 2022 nhưng đến tháng 9/2024 vẫn chưa được khắc phục triệt để. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều trẻ em không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi và có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Một số bệnh trước đây đã được kiểm soát như là sởi, bạch hầu thì nay có nguy cơ bùng phát tại một số địa phương.

Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng tiếp tục không đạt mục tiêu trên 90%. Theo thống kê trong 5 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm chủng hầu hết các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều chưa đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra, tỷ lệ tiêm vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván đạt cao nhất cũng chỉ được 40,6% còn lại 8 loại vaccine chưa đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra, trong đó thấp nhất là tỷ lệ tiêm và uống vaccine bại liệt chỉ triển khai được dưới 30%.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, việc ban hành văn bản hướng dẫn giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán các nguồn lực phòng, chống COVID-19 đối với phần vay mượn tạm ứng đã được cử tri Bình Dương phản ánh rất nhiều lần đến Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương và được Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị từ Kỳ họp thứ 4 đến Kỳ họp thứ 7. Tuy nhiên, đến nay một số nội dung chưa có cơ chế để tháo gỡ khó khăn này cho địa phương. Vì vậy, tại kỳ họp này, đại biểu, cử tri mong muốn nghe được phương hướng, lộ trình giải quyết, đồng thời trân trọng kiến nghị UBTVQH, Chính phủ xem xét, chỉ đạo giải quyết vấn đề thật thấu tình, đạt lý để có căn cứ triển khai thực hiện và giải quyết triệt để vấn đề này. Nội dung này cũng được đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phản ánh đến nghị trường Quốc hội trong phiên thảo luận hôm nay.

Quan tâm hơn nữa đến chính sách an sinh xã hội

Liên quan đến thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người dân, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về chính sách hỗ trợ xã ATK, vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Theo đó, giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ BHYT cho người dân các xã ATK cách mạng. Năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT. Theo đó, đã bổ sung đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT là người dân các xã ATK, vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có nội dung là luật hóa đưa vào quy định trong dự thảo Luật tất cả các đối tượng được NSNN đóng BHYT đã được quy định tại Nghị định 146, Nghị định 75, tuy nhiên lại loại trừ đối tượng người dân xã ATK. Vì vậy, đại biểu kiến nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội để bổ sung đối tượng người dân xã ATK cách mạng vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vì chính sách này thể hiện tính nhân văn rất cao và đã được áp dụng thống nhất từ năm 2023.

“Trong trường hợp không đưa đối tượng này vào quy định cứng tại dự thảo Luật mà có điều khoản giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định, tôi kiến nghị Chính phủ trong quá trình ban hành nghị định để tổ chức thực hiện Luật, cần tiếp tục quy định người dân xã ATK cách mạng thuộc nhóm đối tượng NSNN đóng BHYT như đã quy định tại Nghị định 75. Điều này thể hiện tính nhân văn rất cao, sự tri ân, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa mà thời gian qua Chính phủ đã thực hiện rất tốt và người dân rất đồng tình ủng hộ, đánh giá cao”, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận 

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, cử tri cả nước nói chung và cử tri Bình Thuận nói riêng, nhất là những người có công với cách mạng rất vui mừng khi được nhà nước quan tâm nâng mức hưởng trợ cấp, phụ cấp theo Nghị định 77. Theo đó, mức chuẩn từ 2.055.000 đồng tăng lên 2.789.000 đồng và được hưởng từ ngày 01/7/2024, nhưng đến nay, đối tượng người có công với cách mạng vẫn chưa nhận được theo mức tăng mới. Theo phản ánh của ngành lao động, thương binh và xã hội thì được biết nguồn kinh phí trên chưa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chuyển về cho các địa phương để thực hiện việc chi truy lĩnh và tăng chợ cấp, phụ cấp cho đối tượng người có công; đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sớm phân khai kinh phí trên về cho các địa phương để các địa phương chi trả cho các đối tượng người có công theo quy định tại nghị định 77 của chính phủ.

Thông qua đại biểu dân cử, cử tri nhiều địa phương cũng kiến nghị Chính phủ sớm giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho chủ hộ kinh doanh cá thể đã thực hiện đóng bảo hiểm xã hội. Tại Nghị quyết số 142 ngày 29/6/2024 của Quốc hội tại Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV giao Chính phủ trình UBTVQH ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã tham gia trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực thi hành để làm căn cứ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 100/2023 của Quốc hội. Như vậy, nội dung này đã được Quốc hội đưa vào nghị quyết và giao nhiệm vụ thực hiện; cử tri cũng đã nhiều lần kiến nghị và mong chờ được xem xét giải quyết, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Ngoài các vấn đề trên, đại diện cho cử tri tỉnh Quảng Nam, đại biểu Dương Văn Phước cho biết, Quốc lộ 14D đi qua địa bàn huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, đoạn từ Bến Giằng đến cửa khẩu quốc tế Nam Giang rất chật, hẹp, đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng lưu lượng xe tăng đột biến trong thời gian gần đây, không đảm bảo an toàn giao thông cũng như năng lực vận tải. Đây cũng là một trong những tuyến đường huyết mạch, một phần trong tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây 2, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế động lực khu vực miền trung với Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào và là tuyến đường độc đạo lên vùng miền núi cao, biên giới phía Tây tỉnh Quảng Nam; rất cần được ưu tiên đầu tư nâng cấp, khắc phục ngay để thông thương tuyến đường độc đạo này.

Đại biểu tham gia Phiên họp

Đối với Quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Quảng Nam, cử tri phản ánh việc không thiết kế làn đường dành cho xe thô sơ và người đi bộ là vô cùng nguy hiểm; người dân đi xe máy, xe đạp qua đây không khác gì đánh đu cùng tử thần. “Không biết bao nhiêu lần người dân, chính quyền và Đoàn ĐBQH bức xúc kiến nghị nhưng chưa được đầu tư. Do vậy, kính đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm ưu tiên nguồn lực để sớm đầu tư mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua Quảng Nam để giảm thiểu những cái chết oan uổn của người dân”, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị.

Tại các kỳ họp trước đây, trong các buổi thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường, đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đã nhiều lần truyền tải ý kiến, kiến nghị của cử tri và vẫn tiếp tục kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền của trung ương về việc di dời đường dây 500 kV ra khỏi trung tâm thành phố Gia Nghĩa để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân; Đồng thời cũng tạo không gian phát triển về kinh tế - xã hội cho địa phương.

“Kiến nghị này địa phương đã kiến nghị từ Quốc hội khóa XIII, 8 lần trong Quốc hội XIV và Quốc hội XV. Bản thân tôi cũng đã chất vấn gửi đến Thủ tướng, đến nay vẫn chưa được quan tâm thực hiện”, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết.

Lan Hương - Phạm Thắng