Giao dịch tài sản số phải đảm bảo việc bảo vệ người tiêu dùng
Thủ tướng Chính phủ: Muốn đi trước đón đầu, phải đi bằng công nghệ mới
Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo được đánh giá sẽ mang lại các lợi ích to lớn cho con người và cho sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ mới này có những hạn chế, rủi ro. Vì vậy, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số là Việt Nam phải có cơ sở pháp lý điều chỉnh, quản lý về Trí tuệ nhân tạo để phát triển thế mạnh, lợi thế của công nghệ mới này; đồng thời hạn chế tác động bất lợi, rủi ro trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ Trí tuệ nhân tạo.
Tạo thuận lợi cho phát triển nhưng cũng phải giảm thiểu tác động bất lợi, rủi ro
Tại Phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số diễn ra sáng 30/11, đại biểu Hoàng Minh Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: "Hiện nay, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang diễn ra với tốc độ rất nhanh chóng và có những lợi ích nhưng cũng tồn tại nhiều vấn đề. Vì vậy, các quy định trong dự thảo Luật cần bảo đảm nguyên tắc vừa khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển trí tuệ nhân tạo nhưng cũng vừa phải có những quy định để bảo đảm việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đúng định hướng".
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An
Việc thúc đẩy phát triển của trí tuệ nhân tạo tại Điều 65 dự thảo luật đã phân loại hệ thống trí tuệ nhân tạo thành 3 loại là rủi ro cao, tác động cao và rủi ro thấp. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa làm rõ mục đích của việc phân loại này. Đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị cần bổ sung nguyên tắc quản lý rủi ro theo mức độ phân tầng này. Cụ thể, có thể nghiên cứu để quy định đối với hệ thống rủi ro thấp thì chỉ cần yêu cầu nhà phát triển và cung cấp dịch vụ tự công bố tuân thủ các quy định về xây dựng và phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo mà không áp dụng cơ chế tiền kiểm, để tạo không gian cho sự phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo. Đối với hệ thống rủi ro cao, trước khi được triển khai, cần phải qua hệ thống kiểm tra độc lập và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để bổ sung quy định về việc thiết lập cơ chế giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý cho nhà phát triển và cung cấp nếu họ đã tuân thủ đầy đủ các quy định nhưng vẫn phát sinh sự cố ngoài ý muốn.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước
Đóng góp ý kiến về quản lý rủi ro đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể các tiêu chí để xác định hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao, giới hạn cụ thể về khả năng tác động cũng như phạm vi tác động, số lượng người dùng và lượng tính toán tích lũy để được xem là có rủi ro cao, nhằm cụ thể hóa trong quá trình thực hiện, đảm bảo tính minh bạch, thống nhất và khi triển khai sẽ có tính thực thi.
Quản lý trí tuệ nhân tạo phải dựa trên mức độ rủi ro với con người và tài sản của cá nhân, quốc gia
Khẳng định trí tuệ nhân tạo là xu thế phát triển trong thời gian tới nhưng đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh lại băn khoăn về sự bùng nổ của nhận thức về trí tuệ nhân tạo có thể ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống kinh tế - xã hội cũng như đạo đức xã hội. Do vậy, đòi hỏi các cơ quan phải có các giải pháp để hạn chế rủi ro cũng như tác động của trí tuệ nhân tạo.
Theo đại biểu Trần Thị Vân, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng 17 tiêu chuẩn giải quyết các vấn đề của trí tuệ nhân tạo. Việc xây dựng tiêu chuẩn cho công nghệ này là hết sức cần thiết, hướng tới việc chúng ta loại bỏ bớt rủi ro cũng như nguy cơ gây mất an toàn hệ thống, tăng cường nhân lực, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo.
Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị gộp các tiêu chuẩn quốc gia thay vì 17 tiêu chuẩn để quy định các tiêu chuẩn theo chuỗi, theo lĩnh vực và theo nhóm vấn đề. Việc này sẽ giúp cho các đối tượng chịu sự tác động dễ thực hiện, tiết giảm chi phí cũng như thời gian xây dựng tiêu chuẩn.
Trí tuệ nhân tạo phát triển có mặt tích cực là sẽ giúp cho Việt Nam chuyển đổi số nhanh và thay thế nhiều công việc cho con người. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Minh Đức - TP Hồ Chí Minh, trí tuệ nhân tạo cũng mang lại những rủi ro nên cần có quy định quản lý. Theo đó, Chính phủ nên có hướng dẫn các quy định thật cụ thể hơn về vấn đề quản lý rủi ro này.
Mặc dù trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều lợi ích trong hầu hết các lĩnh vực nhưng vẫn còn một số ngành việc áp dụng trí tuệ nhân tạo có thể không phù hợp hoặc cẩn thận khi áp dụng. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, việc quản lý trí tuệ nhân tạo phải dựa trên mức độ rủi ro đối với sức khỏe của người dùng, cộng đồng, tài sản của cá nhân, tổ chức, quốc gia. Đánh giá trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực mới đang được thế giới quan tâm nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, Việt Nam có thể tiếp thu, học tập từ các tổ chức, các nước trên thế giới để sớm "đi cùng" thế giới trong xu thế phát triển trí tuệ nhân tạo.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định
Thế giới chia rủi ro do trí tuệ nhân tạo làm 4 mức độ, còn hiện nay Luật Công nghiệp công nghệ số đang để 3 mức độ. Rủi ro không thể chấp nhận được là khi sử dụng trí tuệ nhân tạo bị coi là mối đe dọa rõ ràng đối với an ninh, sinh kế và quyền của con người. Rủi ro cao là đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của người dân như giao thông, phẫu thuật trong y tế, phân loại hồ sơ ứng viên trong quản lý nhân sự, các chương trình giám sát cộng đồng. Rủi ro hạn chế là như chat GPT có khả năng tạo ra văn bản, hình ảnh, mã hóa âm thanh và các sản phẩm truyền thông khác, có thông báo tới người dùng là sản phẩm do máy móc tạo ra không phải con người để người dùng có thể đưa ra quyết định sáng suốt. Rủi ro tối thiểu hoặc không có rủi ro như trò chơi điện tử có trí tuệ nhân tạo hỗ trợ hoặc bộ lọc thư rác, hỗ trợ đọc, dịch giọng nói văn bản. Riêng hỗ trợ học tập, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị ngành giáo dục phân biệt rủi ro trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào dạy các môn học Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ phải khác với dạy Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cơ quan soạn thảo cần quan tâm để hoàn thiện Điều 65 trong luật này. Theo đó, cần làm rõ một số khái niệm sâu hơn của trí tuệ nhân tạo trí tuệ nhân tạo; phân biệt rõ 3 khái niệm để dễ đánh giá được mức độ rủi ro khi đưa trí tuệ nhân tạo vào các ngành, lĩnh vực hay sản phẩm.