Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc tại Nghệ An

06/03/2012

Ngày 1 - 2.3, Đoàn giám sát của UBTVQH đã làm việc tại Nghệ An về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, trong giai đoạn 2006 - 2011, bên cạnh các chính sách hỗ trợ đầu tư của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Việc ban hành chính sách là phù hợp và cơ bản đáp ứng yêu cầu cấp thiết cho sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn, giúp bà con nông dân giảm bớt khó khăn, có điều kiện thâm canh tăng năng suất, chất lượng, giá trị nông sản, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn. Thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư đã góp phần tích cực đưa nông nghiệp, nông dân và nông thôn Nghệ An có bước phát triển khá: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp bình quân 5 năm đạt trên 5,12% so với mục tiêu quy hoạch đề ra là 5,3% - 5,5%; giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích tăng cao; cơ cấu kinh tế nội ngành và cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn có bước chuyển dịch theo hướng tích cực. Đạt mục tiêu sản lượång lương thực ổn định ở mức trên 1 triệu tấn/năm. Nhiều mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi tập trung, bán công nghiệp được đầu tư và phát triển có hiệu quả. Tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong ngành nông nghiệp thuần tăng từ 36% năm 2005 lên 41,4% năm 2010.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cũng còn một số vướng mắc. Hệ thống văn bản của Trung ương để thực hiện chương trình còn chậm. Một số tiêu chí quy định tại Quyết định số 491 của Thủ tướng chưa hợp lý, khó thực hiện như: tiêu chí thu nhập bình quân đạt gấp 1,4 lần so với bình quân chung của tỉnh; cơ cấu, tỷ lệ lao động nông nghiệp tại địa phương... Ngoài ra, tiến độ các công trình đầu tư còn chậm so với yêu cầu, đặc biệt là về giao thông nông thôn do thiếu vốn. Việc phối hợp lồng ghép các nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn chưa thật nhuần nhuyễn giữa các chương trình, dự án, giữa các ngành... Tỉnh đề xuất, nên quy định thống nhất về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tránh chồng chéo giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Các bộ sớm ban hành thông tư hướng dẫn công tác lập kế hoạch, cơ chế sử dụng vốn của Chương trình xây dựng nông thôn mới, gồm định mức, tiêu chuẩn, tiêu chí phân bổ nguồn vốn sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển để các địa phương có căn cứ phân bổ nguồn vốn.

Cơ bản thống nhất với báo cáo của địa phương, song Đoàn giám sát cho rằng, báo cáo của tỉnh không nên chỉ nêu khó khăn, vướng mắc mà còn cần đề ra giải pháp cụ thể để kiến nghị, giải quyết vấn đề. Ví như, tại sao tiêu chí theo Quyết định 141 về thu nhập bình quân đạt gấp 1,4 lần so với bình quân chung của tỉnh, cơ cấu, tỷ lệ lao động nông nghiệp tại địa phương lại khó thực hiện. Nếu khó thực hiện, thì tiêu chí phấn đấu của tỉnh về thu nhập bình quân của tỉnh sẽ là bao nhiêu? Đối với đầu tư công về các công trình văn hóa - xã hội như nhà văn hóa thôn, nhà văn hóa xã, liệu đầu tư của tỉnh có đem lại hiệu quả không? Riêng nguồn vốn đầu tư về công trình dân sinh, cùng với việc thực hiện cắt giảm đầu tư, tỉnh sẽ ưu tiên tập trung đầu tư ở những công trình nào, công trình nào thực hiện cắt giảm...

Tại Nghệ An, Đoàn giám sát của UBTVQH đã làm việc, khảo sát thực tế tại huyện Nghi Lộc và huyện Nghĩa Đàn; thăm Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn và Trường tiểu học Nghĩa Bình.

Hoàng Ngọc

(http://daibieunhandan.vn/)