Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc tại Sóc Trăng, Bắc Ninh và Thanh Hóa

02/08/2012

Ngày 1.8, Đoàn giám sát của UBTVQH do Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, trước tình trạng khiếu nại liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh có chiều hướng diễn biến phức tạp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp tích cực giải quyết. Đến nay, tỉnh đã cơ bản giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại tố cáo quyết định hành chính và các vụ khiếu kiện đông người. Về khiếu nại quyết định hành chính trong giải quyết tranh chấp đất đai, tỉnh tiếp nhận 12.468 vụ việc, trong đó có 5.106 vụ thuộc thẩm quyền, đã giải quyết 4.944 vụ, đạt 96,8%. Về khiếu nại tố cáo quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tỉnh đã ban hành 235 quyết định, không có trường hợp phát sinh khiếu nại.

Thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi về những thuận lợi, khó khăn của Sóc Trăng trong giải quyết khiếu nại tố cáo đối với quyết định hành chính về đất đai; phân tích và làm rõ nguyên nhân phát sinh khiếu nại tố cáo: quản lý nhà nước về đất đai còn lỏng lẻo; quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh trong khi việc tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất không đồng bộ; chính sách bồi thường hỗ trợ, giá đất thay đổi từng năm; hồ sơ địa chính và dữ liệu quản lý đất đai đã lạc hậu, bất cập; việc phối hợp giữa chính quyền với Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể khác chưa thật tốt... Đoàn giám sát cũng ghi nhận kiến nghị của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc sớm sửa đổi Luật Đất đai, trong đó, thống nhất về thời gian sử dụng đất, giao cho người sử dụng đất ổn định, lâu dài, ban hành phương pháp xác định giá đất theo giá thị trường...

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng hoàn thiện báo cáo theo hướng bổ sung những đặc thù KT – XH của tỉnh; đánh giá chính sách, pháp luật của Trung ương và địa phương về giải quyết khiếu nại tố cáo đối với các quyết định hành chính về đất đai; làm rõ thực trạng khiếu nại tố cáo và nêu cụ thể việc xử lý cán bộ có sai phạm trong lĩnh vực này... Đồng thời yêu cầu Sóc Trăng tập trung giải quyết các vụ khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài; đẩy nhanh hoàn thành cấp chứng nhận Quyền sử dụng đất.

+ Cùng ngày, Đoàn giám sát của UBTVQH cũng đã làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND tỉnh Thanh Hóa về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

Từ năm 2003 – 2011, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai, tập trung vào công tác quản lý nhà nước về đất đai như giao, cho, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất... Tỉnh đã tập trung chỉ đạo công tác giải quyết các khiếu nại của người dân; thực hiện tốt việc tiếp dân, phân loại và thường xuyên kiểm tra, rà soát đơn thư khiếu nại của người dân. Trong thời gian tới, Bắc Ninh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục, pháp luật về đất đai và khiếu nại, tố cáo để người dân hiểu và tự giác chấp hành pháp luật. Cùng với đó là, nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm của cán bộ các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân có đất thu hồi.

Đoàn giám sát đánh giá cao những nỗ lực của Bắc Ninh trong công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân trong lĩnh vực đất đai. Đoàn giám sát cũng đã yêu cầu tỉnh làm rõ diện tích đất hoang hóa đã được thu hồi và hiệu quả sử dụng như thế nào; kết quả và những tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi, nhất là nông dân. Trong số 7.336 đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh, Đoàn giám sát cũng đã yêu cầu phân tích rõ có bao nhiêu đơn khiếu nại và bao nhiêu đơn tố cáo, chất lượng giải quyết các đơn thư này như thế nào, từ đó có cái nhìn sát thực tế hơn về thực trạng khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai của tỉnh.

Trước đó, Đoàn giám sát đã làm việc với UBND thành phố Bắc Ninh về tình hình thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

Ghi nhận của Đoàn giám sát tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa cho thấy: tình hình khiếu kiện về đất đai của Thanh Hóa gần đây tuy có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, nổi lên các khiếu nại đòi đất, quyền lợi trên đất và tố cáo hành vi vi phạm Luật Đất đai. Kể từ khi Luật đất đai năm 2003 có hiệu lực đến nay, Thanh Hóa có 4.384 vụ khiếu kiện về đất đai; 785 quyết định hành chính của các cơ quan hành chính của tỉnh bị khiếu nại. Đến nay, các cơ quan hành chính của Thanh Hóa đã thụ lý và giải quyết 4.246/4.384 vụ khiếu nại, tranh chấp, tố cáo về đất đai. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai đã kiến nghị thu về cho Nhà nước, tập thể hơn 3,6 tỷ đồng, 353,8 ha đất, trả lại cho công dân hơn 1,8 tỷ đồng, xử lý hành chính 158 cá nhân sai phạm. Thanh Hóa còn một số vụ khiếu kiện dai dẳng, phức tạp; trong đó, có vụ việc đã được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện; có vụ việc đã có quyết định xử lý, giải quyết nhưng khâu tổ chức thực hiện chậm hoặc thực hiện chưa đúng...

Đoàn giám sát đã tập trung trao đổi, làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến những tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai và giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đoàn giám sát đã ghi nhận một số kiến nghị của địa phương về việc hoàn thiện chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất; hướng dẫn cụ thể về trình tự giải quyết tranh chấp về đất đai, về việc công nhận, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đang sử dụng đất; quy định rõ các trường hợp không giải quyết việc đòi lại đất cũ; xây dựng phương án xác định giá đất, bồi thường về đất linh hoạt, phù hợp với giá thị trường cùng thời điểm bồi thường theo hướng giữ ổn định giá đất từ 3 - 5 năm, thay vì quy định theo từng năm như luật hiện hành.

Đoàn giám sát cũng đã làm việc với UBND huyện Hoằng Hóa về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai trên địa bàn huyện.

 

H. Loan - H. Ngọc – T. Cường

(http://daibieunhandan.vn/)