Giám sát để mang lại cơ hội bình đẳng hơn cho người nghèo trong tiếp cận và hưởng thụ các chính sách phúc lợi xã hội

08/04/2014

Xóa đói, giảm nghèo là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài cần huy động mọi nguồn lực và sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Trong đó, không thể thiếu vai trò của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, nhất là vai trò giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo.

Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân hưởng thụ phúc lợi xã hội... - cơ sở Hiến định để tiếp tục xây dựng chính sách, pháp luật giảm nghèo bền vững

Thực hiện chính sách giảm nghèo là nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các nhóm dân cư. Đồng thời, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc mà nước ta đã cam kết. Khoản 2, Điều 59 Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh: Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân hưởng thụ phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người nghèo… Đây là cơ sở cho việc tiếp tục xây dựng các chính sách, pháp luật giảm nghèo bền vững. Trước đó, tại các nhiệm kỳ QH gần đây đều đề ra chỉ tiêu giảm nghèo cho các năm và từng năm, làm cơ sở pháp lý để phân bổ ngân sách, huy động các nguồn lực và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo. Và hàng năm, QH đều đánh giá kết quả thực hiện và ban hành các nghị quyết về kinh tế - xã hội, trong đó có mục tiêu giảm nghèo. Từ thực tế kết quả giảm nghèo, liên tiếp trong những năm gần đây (năm 2011, 2012, 2013) mức giảm tỷ lệ hộ nghèo được QH thông qua hàng năm là 2%/năm, trong đó đối với các huyện, xã nghèo giảm ở mức 4%/năm. QH cũng đã thông Nghị quyết 13/2011/QH để xác định danh mục các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 gồm 16 chương trình, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững đứng ở vị trí thứ hai.

Thời gian qua, công tác giảm nghèo đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, mạnh mẽ và ấn tượng, tính theo cả chuẩn quốc gia và chuẩn quốc tế. Việc tập trung hoàn thành các chương trình hỗ trợ giảm nghèo đã tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản, đồng thời góp phần củng cố và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các xã, huyện trong diện nghèo. Theo chuẩn nghèo quốc tế, với mức thu nhập bình quân 2 USD/người/ngày, năm 1993, cả nước ta có khoảng 62,1 triệu người nghèo. Đến năm 2012, con số này chỉ còn 11,5 triệu người, giảm 81,5%, tương đương khoảng 50,6 triệu người đã thoát nghèo. Nếu theo chuẩn nghèo quốc gia mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh, còn 9,6% năm 2012 và 7,6% năm 2013. Đánh giá về tỷ lệ giảm nghèo với các chỉ tiêu trong Nghị quyết của QH, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo các giai đoạn và hàng năm cho thấy, trong giai đoạn 2005 - 2012, giai đoạn UBTVQH đang tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, tỷ lệ giảm nghèo cả nước ta đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững 3 năm (2011 -2013), tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 14,2% xuống còn 11,76% năm 2011 và đến cuối năm 2012 còn 9,6%, bình quân giảm được 2,3% mỗi năm, đạt cao hơn so với mục tiêu giảm 2%/năm chương trình đề ra.

Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012 cũng cho thấy, giảm nghèo diễn ra với quy mô rộng ở tất cả các vùng, miền, thành thị và nông thôn. Nếu năm 2010, cả nước có 4 vùng có tỷ lệ nghèo trên 20% (gồm miền núi Đông Bắc, miền núi Tây Bắc, Khu IV cũ, nay là Bắc Trung bộ, và Tây Nguyên), thì đến năm 2012, chỉ còn miền núi Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo trên 20% (28,55%). So sánh theo khu vực thành thị và nông thôn cho thấy, tốc độ giảm nghèo khu vực thành thị nhanh hơn khu vực nông thôn. Cụ thể, từ năm 1993 đến năm 2012, tỷ lệ nghèo thành thị giảm 4,6 lần trong khi khu vực nông thôn chỉ giảm được 3 lần. Theo chuẩn nghèo từng giai đoạn, tỷ lệ nghèo khu vực thành thị từ năm 1998 đến 2012 luôn ở mức dưới 10%, trong khi tỷ lệ nghèo khu vực nông thôn luôn ở mức trên 20%. Mặc dù vậy, xu hướng giảm nghèo ở cả thành thị và nông thôn tiếp tục duy trì đều trong suốt giai đoạn vừa qua.

Xét về mặt chính sách, pháp luật, có lẽ không nhiều chủ trương được ban hành nhiều văn bản với hệ thống chính sách lớn như với chính sách giảm nghèo. Tính riêng ở Trung ương, hiện có 16 chương trình và 70 loại chính sách liên quan đến giảm nghèo đã được xây dựng và đang thực hiện. Điều này một mặt thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực giảm nghèo. Nhưng mặt khác cho thấy, bên cạnh thuận lợi thì cũng có những khó khăn nhất định cho việc theo dõi, quán triệt, nắm bắt, triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát. Tại Hội nghị Tập huấn Vai trò của đại biểu dân cử trong việc giám sát tình hình thực hiện chính sách giảm nghèo tổ chức tại Thừa Thiên Huế cuối tháng 3 đầu tháng 4 vừa qua, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung cho rằng, qua nghiên cứu cụ thể nội dung và cấu trúc của hệ thống chính sách giảm nghèo hiện nay có thể thấy các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến giảm nghèo còn thiếu tính định hướng hoàn chỉnh, chưa được đề cập nhiều trong các văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai, thi hành các chính sách trên thực tế. Trong khi đó, khối lượng các văn bản chính sách cho tổ chức thực hiện quá đồ sộ, thiếu một chỗ dựa, một đầu mối, dẫn tới tình trạng chồng chéo, phân tán, phức tạp cho quá trình thực hiện. Cho nên, sau nhiều năm thực hiện, cần tổng kết việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, có sự đánh giá, tập hợp, hệ thống lại để tổ chức một cách mạch lạc hơn, thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cũng như giám sát.

Nên thay đổi phương thức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo

Với kết quả giảm nhanh và mạnh tỷ lệ hộ nghèo, có ý kiến cho rằng nước ta đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ giảm nghèo. Song, từ góc nhìn bản chất hơn, cũng tại Hội nghị tập huấn, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới Nguyễn Nguyệt Nga cho rằng, giảm nghèo chưa thể hoàn tất và đây là nhiệm vụ thường xuyên cần tiếp tục được chú trọng ở nước ta trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, các chuẩn mực đánh giá nghèo đói hiện đã và đang thay đổi. So với hệ thống đo lường và theo dõi nghèo trên thế giới, hệ thống này ở nước ta dường như đã không còn phù hợp, không còn phản ánh đầy đủ nhu cầu tiêu dùng hay nguyện vọng chung của người dân trong giai đoạn mới hiện nay. Mặt khác, đất nước càng phát triển và hội nhập sâu rộng với thế giới thì mức độ dễ bị tổn thương trước nghèo đói trong dân cư dường như càng cao. Thảm họa thiên nhiên cùng với những tác động xấu từ hiện tượng biến đổi khí hậu có xu hướng ngày càng rõ rệt đã và đang tạo ra ngày càng nhiều những cú sốc về thu nhập, đe dọa nhiều người. Và nguy cơ này đang tăng lên ở một số khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do chính sách hỗ trợ người nghèo và trợ giúp xã hội ở nước ta tuy nhiều nhưng manh mún, chồng chéo, làm giảm hiệu quả và khả năng thích nghi với những thách thức mới nảy sinh. Mức độ bảo vệ của chính sách còn nhỏ. Chưa có nhiều giải pháp và công cụ để hỗ trợ người dân chủ động đối mặt với các cú sốc, thảm họa hay khủng hoảng. Tốc độ giảm nghèo tuy nhanh so với giai đoạn trước, nhưng ngày càng ít tương hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nghèo đói đang ngày càng tập trung nhiều hơn ở các nhóm dân cư có trình độ học vấn, kỹ năng thấp; cư trú tại các vùng địa hình xa xôi, hẻo lánh và nguy cơ tái nghèo, nghèo truyền kiếp khá cao...

Chia sẻ quan điểm chưa có lĩnh vực nào nhận được sự tập trung nguồn lực cao của cả hệ thống chính trị như công tác giảm nghèo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, đây là hoạt động thường xuyên liên tục, cần sự tham gia của mọi nguồn lực và cả hệ thống chính trị, trong đó không thể thiếu vai trò của các đại biểu dân cử. Từ thực tế theo dõi và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, Phó chủ nhiệm Đỗ Mạnh Hùng đề nghị, hoạt động giám sát về giảm nghèo cần được tiến hành hàng năm, thay vì từng giai đoạn như hiện nay, nhằm bảo đảm tính cập nhật của thông tin và phù hợp với sự phát triển liên tục của nền kinh tế.

Và khi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, các đại biểu dân cử nên thay đổi phương thức từ kiểu truyền thống chỉ chú ý đến các chỉ tiêu đầu vào (các nguồn lực tài chính, vật chất, nhân lực đầu tư vào) và đầu ra (hàng hóa, dịch vụ do các chương trình, chính sách tạo ra) sang hình thức giám sát, quản lý mới dựa trên kết quả, chú trọng vào chỉ tiêu kết quả cuối cùng (các kết quả ngắn và trung hạn mà chương trình, chính sách kỳ vọng đạt được về lợi ích cung cấp cho các nhóm đối tượng) và mục tiêu dài hạn (kết quả phát triển dài hạn hay mục tiêu chính của chính sách) cũng như đánh giá tác động của chính sách – khuyến nghị của chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới. Đồng thời cần chú ý xem xét nguồn gốc số liệu để có thể đo chính xác hơn các chỉ tiêu, tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn và tiến hành kiểm tra, giám sát định kỳ cũng như đột xuất để bảo đảm tính khách quan hơn trong đánh giá. Xây dựng, phát triển hệ thống giám sát đa ngành thông qua khuyến khích và đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành khi ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật cùng tham gia phân tích tác động (nếu có) đến nhóm người nghèo, bảo đảm việc xây dựng chính sách của mỗi ngành đều thực sự mang lại lợi ích cho người nghèo. Muốn vậy, các chính sách cần được thiết kế theo hướng dễ tiếp cận hơn, mang tính tổng hợp và thống nhất hơn nhằm mang lại cơ hội bình đẳng hơn đối với người nghèo trong tiếp cận các chính sách phúc lợi xã hội. Trên cơ sở đó, sau đánh giá, giám sát, các đại biểu dân cử có thể đề xuất giải pháp cải thiện chính sách phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động của công tác giảm nghèo. Cải thiện chính sách giảm nghèo cần gắn với phân bổ nguồn lực thực hiện, khuyến khích sử dụng kinh phí địa phương cho công tác giảm nghèo. Khâu tổ chức thực hiện cần dựa trên sự phối hợp giữa các ngành, đơn vị nhưng phải có quy chế phân công chức năng, nhiệm vụ cụ thể, tránh manh mún, phân tán, chồng chéo, tiết kiệm hơn nữa các nguồn lực xã hội.

Chính sách xã hội, trong đó có giảm nghèo được xác định nhất quán là mục tiêu, là động lực để phát triển nhanh và bền vững trong mọi giai đoạn phát triển. Nghị quyết số 15-NQ/TW năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 đã xác định: chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ... Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, trong đó chú trọng các chính sách giảm nghèo đối với các huyện nghèo... Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo để giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng trên 3,5 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,5-2%/năm, các huyện, xã có tỷ lệ nghèo cao giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo từng giai đoạn.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, sau nhiều năm thực hiện với những thành tựu to lớn và ấn tượng, công tác giảm nghèo và các chính sách liên quan đến giảm nghèo cần được tổng kết, đánh giá, giám sát một cách toàn diện. Trong đó, một trong những vướng mắc cần được tháo gỡ là rà soát, kiện toàn hệ thống chính sách giảm nghèo, tạo thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực dành cho công tác giảm nghèo. Tin rằng thông qua việc QH tiến hành giám sát tối cao Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 tại Kỳ họp thứ Bảy tới, các vướng mắc, hạn chế trong ban hành cũng như thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo sẽ được tháo gỡ.

Thiết thực hơn cả là cụ thể hóa kịp thời tư tưởng vừa ghi trong Hiến pháp năm 2013 là: tạo sự bình đẳng về cơ hội để công dân hưởng thụ phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, trong đó có chính sách trợ giúp người nghèo.

 

Nguyễn Giang

(http://daibieunhandan.vn)