BỘ TƯ PHÁP CẦN LÀM RÕ HƯỚNG KHẮC PHỤC VIỆC CHẬM SỬA ĐỔI VĂN BẢN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

12/04/2022

Đánh giá bước đầu vào Báo cáo của Bộ Tư pháp về việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổ trưởng Tổ Công tác thuộc Đoàn giám sát của UBTVQH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành đề nghị Bộ Tư pháp cần làm rõ việc chậm sửa đổi văn bản có tác động như thế nào đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Toàn cảnh Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Bộ Tư pháp về việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đánh giá bước đầu vào Báo cáo của Bộ Tư pháp về chuyên đề giám sát “việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/07/2016 đến ngày 01/07/2021”, Tổ trưởng Tổ Công tác thuộc Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết, về cơ bản các nội dung báo cáo đã bám sát đề cương, phụ lục, bảng biểu theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Báo cáo cũng phản ánh khá toàn diện tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Tư pháp trong giai đoạn 5 năm 2016-2021. Tuy nhiên một số nội dung trong Báo cáo còn nêu chung chung chưa cụ thể, chưa phân tích đánh giá sâu, đầy đủ.

Tổ trưởng Tổ Công tác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho rằng, mặc dù Báo cáo của Bộ Tư pháp đề cập sâu đến tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của hệ thống thi hành án dân sự, đây là mảng công tác chủ yếu phát sinh khiếu nại, tố cáo của Bộ Tư pháp, nhưng Báo cáo chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung của Bộ Tư pháp. Trong khi đó, một số mảng công tác khác của Bộ Tư pháp cũng có những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm, chẳng hạn như bán đấu giá tài sản, vấn đề luật sư, công chứng… Vì vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành đề nghị Bộ Tư pháp bổ sung nội dung này để đảm bảo tính toàn diện của Báo cáo.

Liên quan đến việc ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Tổ Công tác đề nghị làm rõ lí do, nguyên nhân chậm sửa đổi Thông tư 02/2016/TT-BTP và Quyết định số 3961/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp. Việc chậm sửa đổi như vậy có tác động tiêu cực gì đến công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo hay không, hướng khắc phục và dự kiến tiến độ sửa đổi 02 văn bản này?

Về bộ phận tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổ trưởng Tổ Công tác Ngô Trung Thành đề nghị Bộ Tư pháp bổ sung, làm rõ thêm cơ cấu tổ chức, số biên chế được giao, số biên chế hiện có, trình độ, số lượng thanh tra viên, thẩm tra viên… của các cơ quan như Phòng Tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thanh tra Bộ Tư pháp và Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, đánh giá thêm việc bố trí biên chế như hiện nay đã phù hợp chưa, có cần bổ sung hoặc tinh giản không, đề xuất, kiến nghị về vấn đề này.

Tổ trưởng Tổ Công tác thuộc Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành đánh giá bước đầu vào Báo cáo của Bộ Tư pháp về việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bên cạnh đó, Tổ Công tác cũng đề nghị Bộ Tư pháp làm rõ thêm về việc bố trí công chức thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp cơ sở có nơi nào còn tồn tại, hạn chế không, những tồn tại, hạn chế cụ thể là gì, lí do và đề xuất hướng khắc phục tình trạng này.

Cho rằng Báo cáo, Phụ lục nêu kết quả về tiếp công dân của Bộ Tư pháp, trong đó có kết quả tiếp công dân của người đứng đầu, tuy nhiên số liệu chưa phân tích, làm rõ, Tổ trưởng Tổ Công tác đề nghị Báo cáo cần bổ sung phân tích, làm rõ kết quả chấp hành quy định của pháp luật về tiếp công dân của người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị (Bộ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự, Chi Cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự); đồng thời làm rõ có phát sinh khó khăn, vướng mắc nào không trong tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu, đưa ra đề xuất, kiến nghị.

Tổ trưởng Tổ Công tác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cũng đề nghị Bộ Tư pháp làm rõ lí do, nguyên nhân của việc tăng đơn thư tố cáo trong hệ thống cơ quan thi hành án dân sự; nguyên nhân nào từ vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật, nguyên nhân nào là do công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Liên quan đến kết quả rà soát đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đông người, Tổ Công tác đề nghị Bộ Tư pháp báo cáo bổ sung về nội dung này, bởi Báo cáo mới tập trung nêu về kết quả rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đông người của hệ thống thi hành án dân sự, chưa phản ánh kết quả rà soát các vụ việc thuộc tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp. Đồng thời đánh giá chất lượng, hiệu quả của công tác rà soát, có gặp khó khăn, vướng mắc gì không và đề xuất giải pháp khắc phục.

Ngoài ra, Báo cáo của Bộ Tư pháp cần bổ sung, phản ánh kết quả thanh tra đối với việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, bởi Báo cáo hiện mới chỉ nêu kết quả thanh tra đối với việc thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Để có cơ sở cho Đoàn Giám sát tổng hợp, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, Tổ Công tác đề nghị Báo cáo cần chỉ rõ những quy định nào còn thiếu đồng bộ, mâu thuẫn, chồng chéo và hướng xử lý. Đồng thời làm rõ thêm việc thiếu chế tài xử lý các hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền khiếu nại, tố cáo để khiếu nại, tố cáo sai sự thật, vượt cấp ở đâu (Luật Xử lý vi phạm hành chính hay Bộ luật Hình sự hay ở văn bản khác) và hướng đề xuất để xử lý vấn đề này./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác