Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH, CN&MT Tạ Đình Thi: Cần đánh giá đầy đủ việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng
Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương Trịnh Anh Tuấn
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một chủ trương quan trọng được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng nhằm hoàn thiện thể chế, đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội và đáp ứng yêu cầu của công tác hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Ngày 17 tháng 11 năm 2010, Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 8 thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Có thể nói, việc ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là kết quả cu the, quan trọng và nổi bật của việc bám sát và thể chế hóa những mục tiêu, định hướng đã được xác định trong các văn kiện của Đảng.
Theo ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết: Trong giai đoạn 2011 - 2021, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và giám sát tổng số 171 vụ việc thu hồi sản phẩm khuyết tật liên quan đến hàng trăm triệu sản phẩm ô tô, xe máy, máy tính, điện thoại, pin, quạt, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em… Số lượng vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng gửi tới Bộ tăng từ 26 vụ trong năm 2011 lên 263 vụ vào năm 2012, 450 vụ vào năm 2013 và duy trì trung bình gần 1.500 vụ/năm trong giai đoạn 2014-2020. Tỷ lệ giải quyết thành công các vụ việc tại Bộ trung bình năm là trên 90%.
Cùng với đó, một số đơn vị chức năng của Bộ cũng đẩy mạnh công tác tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, như thông qua Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử được xây dựng và vận hành từ năm 2013 tại địa chỉ www.online.gov.vn và số hotline 024.22205512, Bộ đã tiếp nhận và xử lý khoảng 200 khiếu nại của người tiêu dùng mỗi năm về các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử; lực lượng quản lý thị trường các tỉnh cũng thường xuyên tiếp nhận các phản ánh của người tiêu dùng qua đường dây nóng đối với các vấn đề liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp xăng dầu, xăng giả, hàng nhập lậu, hàng giả...
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, để chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các vấn đề vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong môi trường trực tuyến, các đơn vị chức năng của Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp, bao gồm: Tăng cường công tác phối hợp và thực thi giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan về công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu các website thương mại điện tử trong việc bảo vệ người tiêu dùng; cam kết hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trong năm 2021 đã yêu cầu các sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ 7.561 gian hàng với 18.725 sản phẩm vi phạm. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ đã có văn bản yêu cầu các sàn thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ 13.796 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19 như: Kit test Covid-19, thiết bị đo SPO2,.. có dấu hiệu vi phạm trên 4.216 gian hàng.
Dù đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2011 - 2022, song ông Trịnh Anh Tuấn cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác này cũng còn một số bất cập, hạn chế: Một số quy định pháp luật hiện hành chưa phù hợp, chưa điều chỉnh kịp sự thay đổi của thực tiễn sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng; một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định pháp luật có liên quan, dẫn tới khó theo dõi, thực hiện không thống nhất.
Bên cạnh đó, hiện nguồn lực triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội còn nhiều khó khăn, hạn chế. Công tác triển khai chính sách, pháp luật chưa tạo nên chuyển biến mạnh mẽ, chưa có các giải pháp mang tính đổi mới đột phá; một số địa phương, một số bộ ngành còn chưa quan tâm tới công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, tại thời điểm ban hành năm 2010 và qua quá trình thực hiện, nhiều nội dung quy định của Luật đã thể hiện được tính thống nhất, phù hợp đảm bảo hiệu quả trong quá trình triển khai. Đồng thời, ngay trong quá trình triển khai, Bộ Công Thương đã chủ động thực hiện tổng kết, đánh giá định kỳ theo năm, theo giai đoạn năm và 10 năm đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, đặc biệt các vấn đề liên quan đến quy định pháp luật.
Tuy nhiên, sau gần 12 năm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực thi, các vấn đề bảo vệ người tiêu dùng đã có những diễn biến mới, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Bản chất bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không thay đổi, nhưng phạm vi quá rộng, bao trùm hết các lĩnh vực, do vậy đòi hỏi cần có trách nhiệm, sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội.
Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương đã thực hiện xây dựng dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi và đang được các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng chỉ ra một số bất cập, hạn chế, như: Một số quy định pháp luật hiện hành chưa phù hợp, chưa điều chỉnh kịp sự thay đổi của thực tiễn sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng; một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định pháp luật có liên quan, dẫn tới khó theo dõi, thực hiện không thống nhất; công tác triển khai chính sách, pháp luật chưa tạo nên chuyển biến mạnh mẽ, chưa có các giải pháp mang tính đổi mới đột phá; một số địa phương, một số bộ ngành còn chưa quan tâm tới công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... Các đại biểu cho rằng, trước bối cảnh trên, việc hoàn thiện quy định pháp luật và tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là việc làm cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Pháp luật của Nhà nước góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước./.