HOÀN THIỆN BÁO CÁO GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

23/08/2022

Chiều 23/8, tại Nhà Quốc hội, ngay sau khi kết thúc cuộc làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Đoàn Giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” đã họp cho ý kiến về tổng hợp kết quả giám sát và những vấn đề cần quan tâm trước khi làm việc với Chính phủ. Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn Giám sát chủ trì cuộc họp.

Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp

Toàn cảnh cuộc họp

Tham gia cuộc họp có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường; các thành viên Đoàn giám sát; các chuyên gia, khách mời tham gia Đoàn giám sát.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, hiện Đoàn giám sát đã cơ bản hoàn thiện dự thảo báo cáo giám sát, dự thảo Nghị quyết về chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cơ bản đồng tình với báo cáo chung của Đoàn giám sát, đồng thời đưa ra một số đề nghị bổ sung, sửa đổi báo cáo tóm tắt theo tinh thần thoát ly đề cương của báo cáo chung, tập trung được những vấn đề trọng tâm trọng điểm, đánh giá khái quát những kết quả đã làm được, nhìn nhận rõ những tồn tại hạn chế lớn nhất để thấy được bức tranh toàn cảnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc họp

Về bảy nội dung cụ thể trong báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Chủ tịch Quốc hội cùng các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cần nêu rõ những ưu điểm nổi bật, biểu dương những mô hình tốt, cách làm hay, địa phương đạt kết quả ấn tượng; đồng thời cũng nêu được những khuyết điểm, những tồn tại bất cập lớn, cụ thể; nêu được những lĩnh vực, khu vực, bộ, ngành, địa phương lãng phí nhiều, chưa làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Báo cáo giám sát cần đánh giá kỹ nguyên nhân, đưa ra kiến nghị với Chính phủ về vấn đề ban hành văn bản pháp luật, về tổ chức thực hiện…

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về hình thức trình bày, cách thức thể hiện các báo cáo để đáp ứng yêu cầu Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặt ra, cùng với đó, báo cáo phải thể hiện rõ cách tiếp cận, quan điểm, đánh giá của Đoàn giám sát. Về cách tiếp cận, có ý kiến đề xuất nội dung trọng tâm của báo cáo không phải chỉ là nêu rõ những sai phạm, mà cần cần chú trọng vào việc đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách. Qua cách tiếp cận này, có thể đưa ra các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, tác động đến những điểm nút thắt về cơ chế.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh đây là những dự thảo quan trọng, cần nghiên cứu rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo gọn, rõ, khái quát, toàn diện. Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, phần phụ lục của báo cáo, nếu chỉ thống kê các vụ việc nổi cộm ở một số địa phương đã giám sát thì không đảm bảo đầy đủ, toàn diện, cần bổ sung để đảm bảo tính khái quát của chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị cần có phụ lục riêng để đưa các thông tin chi tiết, cụ thể, rõ ràng về các kiến nghị sửa đổi hệ thống pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các địa phương, bộ, ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ, các cách làm hay, mô hình tốt để có cách thức ghi nhận phù hợp, nhân rộng với các đơn vị khác, thống kê đầy đủ về các vụ việc nổi bật gây thất thoát, lãng phí.

Các đại biểu tham gia ý kiến thảo luận tại cuộc họp

Một số ý kiến cho rằng, đối với các đề xuất, kiến nghị, cần cô đọng thành đầu mục cụ thể để phục vụ việc triển khai thực hiện được thuận lợi nhất. Đối với dự thảo Nghị quyết, các đại biểu cho rằng những kiến nghị, đề xuất nêu trong Nghị quyết cần dựa trên những căn cứ từ báo cáo tóm tắt, đảm bảo công tác hậu giám sát đươc thực hiện chặt chẽ và hiệu quả. Có ý kiến cho rằng Tổ giúp việc của Đoàn công tác cần tổng hợp tất cả các nội dung trong báo cáo của các tỉnh, thành phố trong quá trình giám sát, qua đó làm cơ sở đối chiếu lại số liệu trình trong báo cáo của Chínhh phủ.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị ban soạn thảo tiếp thu toàn diện ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các dự thảo báo cáo, dự thảo Nghị quyết, lưu ý về bố cục, cách trình bày tóm tắt để tập trung vào các vấn đề lớn và quan trọng, nêu bật các vấn đề cụ thể và đánh giá, kiến nghị các giải pháp trọng tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận cuộc họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, cần khẩn trương hoàn thiện báo cáo, làm nổi bật, cụ thể hơn về kết quả cũng như các bất cập, hạn chế; những việc làm được, chưa làm được, bổ sung thực trạng, số liệu về nhiều lĩnh vực để đảm bảo dự thảo báo cáo, dự thảo Nghị quyết đạt chất lượng cao. 

Hồ Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác