ĐOÀN CÔNG TÁC CỦA ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH LAI CHÂU

21/03/2023

Chiều 20/3, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội làm Trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh phục vụ thẩm tra Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

ĐOÀN CÔNG TÁC ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG KHẢO SÁT TẠI BÌNH THUẬN

Làm việc với đoàn công tác, về phía tỉnh Lai Châu có đồng chí Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các đơn vị lực lượng vũ trang, một số sở, ngành và đại diện doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh...

Quang cảnh buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu khẳng định: Sau hơn 10 năm áp dụng Luật Viễn thông 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND tỉnh Lai Châu ban hành nhiều văn bản triển khai các chương trình, quy hoạch, kế hoạch nhằm thúc đẩy cạnh tranh, phát triển cơ sở hạ tầng mạng viễn thông hiện đại, phát triển thị trường viễn thông với đa dạng các dịch vụ.

Từ đó, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Lai Châu cũng như của Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh thông tin và hội nhập kinh tế quốc tế.

Hiện, trạm hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh (số liệu đến ngày 5/1/2023) có 1.842 trạm thu phát sóng thông tin di động; 8.828km cáp thông tin; tỷ lệ phủ băng rộng cố định, phủ sóng di động 2G/3G/4G đạt 100% xã, phường, thị trấn; 97% số thôn/bản trên địa bàn tỉnh phủ sóng di động 2G/3G/4G.

Đồng chí Tống Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu phát biểu tại buổi làm việc.

Đối với thị trường viễn thông, trên địa bàn tỉnh có 4 doanh nghiệp sở hữu hạ tầng và kinh doanh dịch vụ viễn thông là: VNPT Lai Châu, Viettel Lai Châu, Mobifone Lai Châu, Vietnammobile. Tổng doanh thu của các đơn vị năm 2022 đạt trên 361 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 41 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu cũng nhấn mạnh: Luật Viễn thông năm 2009 bộc lộ một số điểm không còn phù hợp thực tế, cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác thực thi cũng như đáp ứng xu thế phát triển mới. Do đó, Luật Viễn thông cũng cần được xem xét, điều chỉnh để phù hợp với thực tế phát triển viễn thông hiện nay và đồng bộ, thống nhất với quy định của các luật khác.

Trên cơ sở khảo sát thực tế tại một số đơn vị viễn thông và báo cáo nhanh của UBND tỉnh về các nội dung liên quan, thành viên Đoàn công tác trao đổi, đề nghị các sở, ngành, đơn vị của Lai Châu thông tin làm rõ thêm vấn đề: Việc tắt sóng 2G, 3G để chuyển đổi sang sử dụng mạng di động 4G, 5G theo chủ trương của Chính phủ, đối với Lai Châu có những khó khăn, vướng mắc gì? Chia sẻ hạ tầng viễn thông dùng chung chưa phù hợp, quan điểm của Lai Châu và giải pháp tháo gỡ? Làm rõ tình hình xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động viễn thông? Cung cấp thêm các phương thức quản lý thuê bao, sim, thẻ; cần thiết duy trì Quỹ dịch vụ viễn thông công ích?...

Thành viên đoàn công tác phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, đơn vị viễn thông, lực lượng vũ trang tỉnh và cơ quan liên quan trả lời, làm rõ những nội dung đoàn công tác yêu cầu thuộc phạm vi thẩm quyền. Đồng thời đề nghị, trong dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) tiếp cận tới các địa bàn đặc biệt khó khăn, địa bàn biên giới nhằm phủ sóng viễn thông toàn diện.

Đồng thời, các nhà mạng phối hợp chặt chẽ hơn trong thực hiện dịch vụ viễn thông, tuân thủ nghiêm quy định cạnh tranh kinh doanh; nâng cao hiệu quả quản lý của công tác quản lý thông tin thuê bao, xử lý triệt để tình trạng sim thuê bao di động có thông tin đăng ký không đúng quy định, hạn chế tối đa việc các đối tượng lợi dụng công nghệ để có hành vi vi phạm pháp luật. Cần duy trì Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, tuy nhiên việc xây dựng, quản lý, triển khai quỹ phân cấp mạnh cho tỉnh…

Đồng chí Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội kết luận buổi làm việc.

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội, Trưởng Đoàn công tác đề nghị: Các sở, ngành, đơn vị liên quan có sự phối hợp chặt chẽ và triển khai đồng bộ hơn trong công tác thanh, kiểm tra, hoạt động quản lý viễn thông. Sau khi làm việc với các địa phương sẽ bổ sung một số nguyên tắc, quy định đảm bảo đối với tỉnh vùng biên, vấn đề lõm sóng hoặc hỗ trợ cho đồng bào, lực lượng bảo vệ tuyến đầu thông tin liên lạc thông suốt ở mức cao nhất. Những nội dung UBND tỉnh đề cập trong báo cáo, đoàn nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu phục vụ công tác thẩm tra Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)…

(Theo Báo điện tử Lai Châu)