ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI SÓC TRĂNG

28/03/2023

Sáng 28/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát, làm Trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng.

ĐOÀN GIÁM SÁT UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI TRƯỞNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC BÁN TRÚ TÂY SƠN, TỈNH BÌNH THUẬN

Tham dự cuộc làm việc có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn; các thành viên Đoàn giám sát; đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan; Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại cuộc làm việc

Sóc Trăng là tỉnh nằm cuối hạ lưu sông Hậu, với dân số là 1.195.741 người, trong đó có 30, 71% đồng bào dân tộc Khmer và 5,02% đồng bào dân tộc Hoa. Giai đoạn 2014 - 2022, ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng tập trung đổi mới, sáng tạo gắn với Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ ban hành, phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế. Đồng thời, đổi mới chương trình sách giáo khoa, nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục; tăng cường giáo dục kỹ năng, tư duy sáng tạo; đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn lực phát triển giáo dục.

Tính đến cuối năm học 2021 - 2022 toàn tỉnh có 481 trường, trong đó có 372/463 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 80,35%. Chất lượng đội ngũ nhà giáo từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, hiện nay toàn ngành có 17.855 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên.

Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng đã triển khai hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế, phân bổ thời lượng phù hợp với nội dung dạy học 2 buổi/ngày. Việc đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá, công tác quản trị nhà trường cũng được thực hiện đồng bộ với việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tập trung đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh; đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường cho học sinh trải nghiệm ngoài lớp học. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc thực hiện chương trình; khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện các phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

Quang cảnh buổi làm việc

Bộ sách giáo khoa lớp 1, 2, 3, 6, 7 và lớp 10 được Sóc Trăng lựa chọn có nội dung, hình thức thân thuộc với học sinh, nhiều nội dung có tính trải nghiệm, gắn với thực tiễn giúp học sinh tiếp cận tri thức một cách nhẹ nhàng; hình thức và nội dung được biên tập sinh động, hấp dẫn, khoa học và bảo đảm tính tích hợp, phân hóa và liên thông.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng đã thành lập Ban biên soạn, Hội đồng thẩm định nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông, tiến độ biên soạn, thẩm định và tập huấn giáo viên phù hợp với tiến độ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo từng lớp học.

Hiện nay, trên địa bàn Sóc Trăng, vẫn còn tình trạng thừa - thiếu giáo viên phổ thông cục bộ, nhất là ở các bộ môn đặc thù, như ngoại ngữ, âm nhạc, mỹ thuật. Ngành giáo dục tỉnh đã triển khai thực hiện kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ, nhất là giáo viên dạy các môn tích hợp, các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cơ sở vật chất hiện có cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học, và tổ chức các hoạt động giáo dục khác của các đơn vị, tuy nhiên, để thực hiện đầy đủ yêu cầu đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì vẫn còn khó khăn, nhiều phòng học, phòng bộ môn, bàn ghế học sinh và thiết bị dạy học chưa đạt chuẩn, xuống cấp.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại cuộc làm việc

Để bảo đảm đủ ngân sách cho việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn, Sóc Trăng hướng dẫn cụ thể, chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai đồng bộ, huy động mọi nguồn lực của địa phương, bảo đảm bố trí đầy đủ vốn đối ứng để tổ chức thực hiện các chương trình, dự án đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, thực hiện tốt công tác báo cáo, thường xuyên cập nhật thông tin phản hồi để kịp thời điều chỉnh, rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tích cực và chủ động trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng Sóc Trăng vẫn gặp nhiều khó khăn. Với đặc thù có đông đồng bào dân tộc thiểu số, công tác xã hội hóa trong giáo dục gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư chưa đồng bộ, việc khai thác, sử dụng, bảo quản các trang thiết bị dạy và học một vài nơi chưa tốt, chưa khai thác hết công năng của các thiết bị...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, ban hành chính sách về tuyển dụng đội ngũ nhà giáo, bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động về công tác tại các cơ quan quản lý giáo dục. Chỉ đạo các bộ, ngành trung ương ban hành khung giá thiết bị dạy học theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu để làm cơ sở lập dự án mua sắm thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục. Tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp học để giúp các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn bảo đảm cơ sở vật chất thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện các đợt bồi dưỡng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Ban hành các văn bản điều chỉnh giảm số lượng học sinh trên lớp, hướng dẫn thực hiện chính sách cho giáo viên dạy liên trường, giáo viên được điều chuyển cũn như văn bản quy định tiêu chuẩn, định mức, nội dung chi tiết và phương pháp xác định chi phí làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư dự án mua sắm thiết bị giáo dục theo quy định.

Ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của thầy cô giáo cũng như ngành giáo dục địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh biểu dương ngành giáo dục Sóc Trăng, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các thầy cô giáo đã hết sức cố gắng vượt qua, bước đầu thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời nêu rõ, các ý kiến, kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của địa phương sẽ được tổng hợp đầy đủ, phục vụ cho công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan trong thời gian tới. 

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)