Y TẾ TRƯỜNG HỌC LÀ BỘ PHẬN KHÔNG THỂ THIẾU CỦA Y TẾ CƠ SỞ

11/04/2023

Y tế học đường có trách nhiệm bảo vệ, chăm lo sức khỏe và tư vấn tâm lý cho học sinh, nhưng qua giám sát thực tế tại một số địa phương, thành viên Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” đã chỉ ra một số bất cập về cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, bố trí nguồn lực..

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 11/4: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI XEM XÉT BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG: RÀ SOÁT TOÀN DIỆN, KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

Y tế trường học góp phần nâng cao sức khỏe, thay đổi hành vi lối sống cho thế hệ tương lai của đất nước.

Hoạt động của y tế trường học đang bị cắt khúc, phân tán

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang, thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” cho rằng, y tế trường học thực hiện rất nhiều hoạt động vì liên quan đến sức khỏe của các học sinh, nhưng cách thức tổ chức hiện nay đang bị cắt khúc.

Qua giám sát thực tế tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, trạm y tế đặt cạnh trường học, nhưng cách thức tổ chức lại phân tán. Theo đó, mỗi trường học có ít nhất một định biên về y tế trường học thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có nhiều hoạt động trùng với nhiệm vụ của trạm y tế, trong đó có cả y tế dự phòng. Đại biểu cho rằng, với cách thức tổ chức như hiện nay làm phân tán nguồn lực, vì vậy trong điều kiện biên chế ngày càng giảm, cần có sự liên thông giữa mạng lưới y tế trường học với các trạm y tế xã và y tế dự phòng để có mô hình tổ chức phù hợp thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân ở cơ sở, trong đó có học sinh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn về mô hình tổ chức của hệ thống y tế trường học hiện nay; đại biểu đặt câu hỏi y tế trường học, y tế của các cơ quan có được coi là y tế cơ sở hay chỉ các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã, y tế thôn bản mới thuộc hệ thống y tế cơ sở?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội.

Nêu quan điểm y tế trường học là bộ phận không thể thiểu của y tế cơ sở, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, thành viên Đoàn giám sát đề nghị quan tâm đúng mức đến y tế học đường, bố trí kinh phí cho y tế trường học, chi trả bảo hiểm y tế học đường phù hợp. Đại biểu đề xuất chuyển kinh phí cho y tế học đường sang lĩnh vực y tế dự phòng; đồng thời mong muốn Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo về y tế học đường để đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và kiến nghị cơ chế, chính sách.

Y tế trường học gắn với y tế cơ sở: Chưa có đầu mối phụ trách thống nhất theo Quyết định số 85/QĐ-TTg

Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế trường học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục về chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên; Thông tư 48/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hoạt động thể thao trong nhà trường.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định 41/QĐ-TTg năm 2019 về phê duyệt Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018-2025”; Quyết định số 1660/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện Chương trình y tế trường học trong cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, gắn với y tế cơ sở.

Tuy nhiên, Nghị định 146 năm 2018 Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập, đặc biệt là Điều 34 gây nhiều khó khăn cho cơ sở, đặc biệt việc trích nguồn bảo hiểm y tế cho học sinh để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu trong các trường học. Cũng tại Điều 34 của Luật Bảo hiểm y tế, nhân viên phụ trách công tác y tế trường học phải có chứng chỉ nghề trung cấp y khoa trở lên, nhưng thực tế nhiều cơ sở giáo dục không đáp ứng được yêu cầu này.

Hơn nữa, quy định về nhân lực, cơ sở vật chất y tế trường học (tại Thông tư liên tịch số 13) có chức năng như cơ sở khám chữa bệnh là chưa phù hợp, nhất là ở những địa phương vị trí của trạm y tế và trường học cách xa 7-8 km. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh kiến nghị Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội ghi nhận, đề xuất các giải pháp trong báo cáo kết quả giám sát trình Quốc hội cho ý kiến.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh.

Quyết định số 85/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021 – 2025 đã nêu mục tiêu 100% cơ sở giáo dục có nhân viên phục trách công tác y tế trường học hoặc ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế địa phương; 100% trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã có phân công cán bộ phụ trách công tác y tế trường học…

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc gắn y tế trường học với y tế cơ sở đang được thực hiện mỗi nơi một kiểu. Hiện nay cơ cấu, mô hình tổ chức y tế trường học tại một số cơ sở giáo dục chưa đồng bộ, chưa có đầu mối phụ trách thống nhất theo đúng Quyết định số 85/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; có một số địa phương chuyển y tế trường học về trạm y tế.

Theo thống kê, cả nước có trên 40.400 cơ sở mầm non và phổ thông, tổng số nhân viên y tế trường học thiếu, còn hơn 25% cơ sở mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông không có nhân viên y tế - đây là con số rất lớn, ảnh hưởng đến việc giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Trong khi đó, các bệnh trong lứa tuổi học đường đang gia tăng, nhất là cong vẹo cột sống, cận thị, bệnh răng miệng, giun sán, bệnh cúm, chân tay miệng, sởi, sốt xuất huyết…

“Ngân sách chi cho y tế trường học còn hạn chế, hầu hết cơ sở giáo dục không được bố trí ngân sách chi thường xuyên, vì vậy ngành giáo dục mong muốn bố trí ngân sách dành cho y tế trường học; có chế độ phụ cấp cho cán bộ, công chức làm công tác y tế trường học”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh kiến nghị.

Kiện toàn tổ chức của y tế cơ sở bao gồm cả y tế trường học

Báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng Đoàn giám sát trình bày tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 11/4) cũng nêu những tồn tại, bất cập liên quan đến y tế trường học.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội trình bày báo cáo kết quả giám sát về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong đó, theo quy định hiện hành, hệ thống y tế cơ sở chưa bao gồm y tế tư nhân, y tế trường học, y tế cơ quan, tổ chức. Trên thực tế, các loại hình tổ chức này cũng thực hiện nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Chưa có cơ chế để thu hút tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu của các cơ sở y tế tư nhân, y tế trường học, y tế cơ quan, tổ chức và cơ chế kết nối thông tin về y tế của các cơ sở này.

Vì vậy, Đoàn giám sát đề xuất kiện toàn tổ chức của y tế cơ sở theo hướng mạng lưới y tế cơ sở gồm các cơ sở y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh; bệnh xá, trạm y tế quân dân y; y tế xã, phường, thị trấn; y tế thôn, bản, làng, buôn, ấp, phum, sóc, tổ dân phố; y tế trường học. Quan tâm đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ y tế cơ sở, phấn đấu mỗi cơ sở giáo dục có 01 người làm công tác y tế trường học..

Đối với Chính phủ, cần quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ và điều kiện đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của tuyến y tế cơ sở; Mở rộng phạm vi thành phần thuộc y tế cơ sở bao gồm cả y tế trường học. Bộ Nội vụ phối hợp thực hiện các quy định về định mức biên chế, cơ cấu vị trí việc làm, chính sách cho cán bộ, nhân viên y tế trường học theo tinh thần Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 139/NQ-CP và Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với y tế ở cơ sở giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 85/QĐ-TTg.

Chính quyền các địa phương tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên làm công tác y tế trường học; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên hằng năm cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, cơ sở y tế về công tác y tế trường học. Quan tâm đầu tư, hỗ trợ, bố trí ngân sách nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và huy động xã hội hóa về y tế trường học trong các cơ sở giáo dục./.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác