ĐẠI BIỀU QUỐC HỘI CHẤT VẤN VỀ NHỮNG BẤT CẬP, CHỒNG CHÉO TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

06/06/2023

Các chính sách thu hút học sinh vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp chưa được quan tâm tương xứng; Quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề nghiệp còn bất cập, chồng chéo; Nút thắt về đào tạo văn hóa cho học sinh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp... Đây là những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 6/6: QUỐC HỘI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn bất cập, chồng chéo.

Chất lượng, quy hoạch, chính sách thu hút học sinh vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp…nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung sáng ngày 6/6.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang nêu thực tế thời gian gần đây, số lượng người lựa chọn học nghề có chiều hướng gia tăng nhưng số lượng lao động được đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu. Mặc dù, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp bước đầu đã được rà soát, sắp xếp nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Nếu không chấn chỉnh tình trạng này sẽ là một sự lãng phí. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, ngành lao động cần làm gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc phân luồng học sinh và chủ động dự báo nhu cầu đào tạo nghề theo từng lĩnh vực, trình độ làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp với xu hướng chuyển dịch lao động hiện nay. Bên cạnh đó, những bất hợp lý trong việc chồng chéo, phân tán, trùng lắp trong ngành nghề đào tao sẽ được chấn chỉnh như thế nào để giúp công tác giáo dục nghề nghiệp gắn chặt hơn với thị trường lao động và nhu cầu nguồn nhân lực trong thời gian tới?

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Trong khi đó, đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa gắn với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, với quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành với địa phương cũng như giải pháp trong thời gian tới?

Về chính sách thu hút học sinh vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho biết, theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, giải pháp của Bộ về giáo dục nghề nghiệp là có chính sách để thu hút học sinh khá giỏi vào giáo dục nghề nghiệp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết cụ thể những chính sách trên, khi nào được thực hiện? Bao giờ giáo dục nghề nghiệp mới là bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân được học sinh lựa chọn?...

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho biết, Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2023 đạt, thu hút được 50/55% học sinh trung học, học sinh vào học các trường nghề, nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây là mục tiêu khó, nhưng sẽ dễ hơn rất nhiều nếu thống nhất được hệ thống giáo dục nghề nghiệp với hệ thống giáo dục phổ thông và cùng một bộ quản lý nhà nước. Đơn cử hiện nay, trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có tên các trường nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và trong tổng kết năm học của các trường THPT không nêu tỷ lệ, chỉ nêu học sinh đã đỗ vào các trường đại học như một sự vinh danh, chứ không nêu tỷ lệ bao nhiêu em đỗ vào các trường nghề.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội Đào Ngọc Dung

Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, giáo dục nghề nghiệp là một bậc trong hệ thống giáo dục quốc dân; thời gian qua Chính phủ cũng hoàn thiện toàn bộ cơ cấu hệ thống giáo dục và đây là một bậc cũng như là một sự liên thông giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và cũng là giáo dục đại học. Quốc hội gần đây cũng đã thông qua 3 luật, trong đó có liên quan đến lĩnh vực này, đó là Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề.

Hiện nay quy mô tuyển sinh khoảng 2 triệu sinh viên, học sinh, nếu như so với cách đây 5 năm, bình quân mỗi năm có khoảng 500.000, có thể thấy một sự tiến bộ rất rõ rệt. Bộ trưởng cũng thẳng thắng nhìn nhận, giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng còn nhiều điều cần quan tâm, đổi mới và cải thiện về chính sách pháp luật, chế độ chính sách ưu đãi cho học sinh vào trường nghề chưa nhiều. Bộ trưởng nhấn mạnh, muốn đổi mới giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức trong xã hội.

Về công tác tuyển sinh, công tác giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận thu hút học sinh vào trường nghề không dễ dàng. Bộ trưởng cho biết công tác này đã có nhiều bước tiến. Bộ đã có báo cáo với Ban Bí thư về vấn đề này, trong đó có báo cáo, đề cập đến quy mô, chất lượng đào tạo, từ đó cho thấy bên cạnh những bước tiến bộ, nhưng quy hoạch mạng lưới đào tạo còn nhiều bất cập.

Về các giải pháp thu hút học sinh học nghề, trong đó điều quan trọng nhất là có sự ủng hộ của các bậc cha mẹ, bản thân người học; ra trường có việc làm, có thu nhập ổn định, có cuộc sống tương đối tốt; sau khi ra trường có nhu cầu học lên được học liên thông. Từ định hướng này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ thiết kế chính sách cho sinh viên học nghề theo hướng này.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay, cùng trên một địa bàn có nhiều trường nghề khác nhau, có nhiều ngành nghề khác nhau, trùng nhau, dẫn đến số học viên không đáp ứng được yêu cầu, khó tìm việc sau khi đào tạo xong. Chính vì vậy, thời gian tới, đào tạo cần gắn với nhu cầu thị trường, cần làm quyết liệt hơn việc dự báo cung cầu, chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu. Bên cạnh đó, các trường cần liên kết, hợp tác chặt chẽ, đặt hàng được các doanh nghiệp, để học viên đào tạo ra có việc làm, có nghề nghiệp ổn định.

Bộ trưởng cho rằng, hiện nay có tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong ngành nghề đào tạo, các trường nghề về bản đang thực hiện theo tinh thần, việc đào tạo được tự chủ, trừ một số ngành nghề đào tạo chất lượng cao, nhà nước đặt hàng thì đào tạo theo yêu cầu. Tình trạng chung của các trường nghề là tuyển sinh được thì đào tạo, chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường.

Thời gian qua, 63 tỉnh thành đã cùng với Bộ tiến hành quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, sáp nhập các trường trung cấp, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, một trường cao đẳng ở một địa phương có thể dạy nhiều hệ khác nhau, nhiều chương trình khác nhau theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương. Cùng với đó, hệ thống trường nghề của các bộ, ngành, đoàn thể cũng được sắp xếp lại theo tinh thần quy về một đầu mối, theo đúng Chiến lược giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045, để tránh trùng lặp về chức năng, về ngành nghề đào tạo như hiện nay.

Thời gian qua đã giảm 279 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hầu hết các địa phương chỉ còn 1 đến 2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa ngành, đa cấp. Thời gian tới tiếp tục quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các địa phương theo hướng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng, quy hoạch địa bàn và quy hoạch ngành nghề, lĩnh vực và lãnh thổ. Đồng thời, sắp xếp lại toàn bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp của các bộ, ngành, các cơ sở, các đoàn thể.

Đại biểu Dương Minh Ánh – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đồng tình với thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại biểu Dương Minh Ánh – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho biết, qua giám sát, cử tri cho rằng việc sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các địa phương còn nhiều khiên cưỡng và mang tính cơ học, còn chưa tính đến yếu tố đặc thù của ngành nghề đào tạo, đặc biệt là các lĩnh vực nghệ thuật.

Hiện nay, nhiều địa phương thực hiện sáp nhập các trường đào tạo nghệ thuật với các trường đào tạo về kỹ thuật, dẫn đến nhiều bất cập trong tuyển sinh, đào tạo và thực hành. Các trường chỉ tập trung vào các ngành nghề có thể tuyển sinh được, bỏ rơi đối với các ngành nghề nghệ thuật, không đầu tư cho cơ sở vật chất, cơ sở thực hành đối với các lĩnh vực này. Ngoài ra, vấn đề về sử dụng đội ngũ nhà giáo đào tạo, bồi dưỡng chế độ, chính sách đặc thù của nhà giáo giảng dạy lĩnh vực này được thực hiện còn nhiều bất cập, dẫn đến bức xúc của đội ngũ nhà giáo. Tất cả những vấn đề nêu trên dẫn đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho đội ngũ văn, nghệ sĩ đã khó thì nay càng khó khăn hơn, thậm chí có thể còn dẫn đến triệt tiêu một số ngành nghề đào tạo không thể tuyển sinh được.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xem xét thấu đáo lại vấn đề này, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá lại hiệu quả việc thực hiện sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian vừa qua, cần tính toán đến yếu tố đặc thù của các ngành nghề đào tạo gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực ngành văn hóa nghệ thuật trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung 

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa nhận tình trạng đại biểu nêu. Bộ trưởng cho biết, thời gian vừa qua các địa phương, nhất là khi triển khai Nghị quyết 19 của Trung ương về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập đều tổ chức lại việc sắp xếp hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Về cơ bản, việc sắp xếp này đúng nhưng cá biệt có một số địa phương sắp xếp khiên cưỡng. Ví dụ, nghề y sắp xếp vào trường trung cấp y hoặc cao đẳng y nhưng lại sắp xếp vào công nghiệp và cơ khí. Hoặc văn hóa nghệ thuật cũng sắp xếp vào các trường khác, theo phương châm địa phương các đồng chí giảm đầu mối chỉ còn 1 trường cao đẳng nghề, dẫn đến có khó khăn với những ngành nghề có tính chất đặc thù.

Bộ trưởng nêu quan điểm, đối với những trường văn hóa nghệ thuật và trường có tính chất chuyên biệt cần phải bố trí cho phù hợp. Trong Nghị quyết 19 của Trung ương có nêu: chỉ sắp xếp đối với những trường này khi 3 năm liền hoạt động không có hiệu quả. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các địa phương xem xét việc sắp xếp cho phù hợp, bởi việc sắp xếp các trường trung cấp ở địa phương do địa phương quyết định.

Tháo gỡ nút thắt về đào tạo văn hóa cho học sinh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trước đó, cũng tại Kỳ họp thứ 5, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đã nêu lên những nút thắt về đào tạo văn hóa cho học sinh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đại biểu cho biết, Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút từ 50-55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Là một người đang công tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nhận định, mục tiêu này có nguy cơ khó thực hiện nếu những nút thắt trong việc quy định về đào tạo văn hóa trung học phổ thông cho học sinh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được tháo gỡ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc hướng nghiệp, phân luồng, liên thông và phát triển giáo dục nghề nghiệp. Một trong những chính sách đó là tổ chức cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vừa học nghề, vừa học văn hóa trung học phổ thông theo hình thức giáo dục thường xuyên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Vấn đề này cũng được quy định cụ thể trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho biết, từ năm 2019 trở về trước đã có gần 300 trường trung cấp, cao đẳng vừa tổ chức dạy nghề, vừa dạy chương trình văn hóa THPT theo hình thức giáo dục thường xuyên cho học sinh học nghề ngay tại trường. Mỗi năm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp giảng dạy cho khoảng 350.000 học sinh, góp phần đẩy mạnh phân luồng người học sau THCS vào giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, từ năm 2020, hoạt động này tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã bị dừng lại, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đã có ý kiến gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo và gửi tới Thủ tướng Chính phủ để giải quyết dứt điểm việc này và vấn đề này cũng đã được đưa vào Nghị quyết chất vấn tại Quốc hội khóa XIV, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho biết, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BGDĐT Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó hướng dẫn việc dạy khối lượng văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên cũng chưa giải quyết được vấn đề, chưa tháo gỡ được nút thắt này. Đại biểu phân tích, thông tư này chỉ quy định cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy 4 môn văn hóa mà không phải là dạy 7 môn để học sinh học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể tham gia vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, cũng như có điều kiện thi tiếp lên đại học sau khi học chương trình trung cấp và cao đẳng. Vì vậy, rất nhiều học sinh không chọn vừa học nghề vừa học THPT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đại biểu nêu thực tế, với chính sách hiện nay, sáng học sinh đi học nghề, chiều học kiến thức của phổ thông nên cũng rất khó khăn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, tỷ lệ tuyển sinh của khối cơ sở giáo dục nghề nghiệp giảm đáng kể sau khi tốt nghiệp THCS.

Lan Hương