TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 7/6: QUỐC HỘI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Hơn 2 triệu người không tiếp tục được hỗ trợ chính sách bảo hiểm.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nêu thực tế, đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long sống đan xen với dân tộc khác nên số lượng xã, ấp đạt tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên là rất ít. Điều này địa phương khó triển khai những chính sách thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong khi nhiều hộ dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về tiêu chí phân định đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long; giải pháp gì để đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn nơi đây được thụ hưởng những chính sách như chương trình đã ban hành để đạt tới mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
Chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Bộ trưởng cho biết những khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định xã, thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và đánh giá tác động của Quyết định 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực 3, khu vực 2, khu vực 1 thuộc đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, nhất là hơn 2 triệu người dân không còn là đối tượng được Nhà nước mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang
Giải trình vấn đề đại biểu Dương Tấn Quân nêu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, việc phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện qua 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất thực hiện theo Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị năm 1999, thực hiện phân định theo miền núi và vùng cao. Từ năm 1996 thực hiện phân định theo trình độ phát triển, nhằm xác định các thôn, xã đặc biệt khó khăn để xác định địa bàn trọng tâm, trọng điểm đầu tư.
Trong quá trình phân định của hai giai đoạn này, Ủy ban Dân tộc đều được giao làm nhiệm vụ chủ trì, cơ quan tham mưu cho Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành xác định các tiêu chí. Giai đoạn từ năm 1996 đến nay tất cả hệ thống chính sách đầu tư của vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng trên tinh thần đầu tư ở vùng đặc biệt khó khăn nhất theo tiêu chí phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển.
Sau khi có Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giao Chính phủ xây dựng tiêu chí cụ thể để xác định địa bàn trọng tâm, trọng điểm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn
Trên tinh thần đó, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 – 2025 để xác định tiêu chí phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển. Theo Quyết định 33, Ủy ban Dân tộc đã trình Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền ban hành Quyết định 612/QĐ-UBDT 2021 Danh sách thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 – 2025.
Bộ trưởng cũng cho biết, việc phân định dựa trên tiêu chí là những xã, thôn nào có 15% người dân tộc thiểu số trở lên được xác định là xã hoặc thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xã nghèo hoặc thôn nghèo là những xã có 15% tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là hộ nghèo trở lên thì thuộc xã nghèo. Việc phân định này phát sinh vấn đề bất cập, đó là khi xác định được xã nghèo, thôn nghèo còn những xã, thôn có tỷ lệ hộ nghèo dưới 15% không còn là xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn nữa.
Ngoài ra, sau khi có Quyết định 861 phê duyệt các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xã đặc biệt khó khăn của Thủ tướng Chính phủ, các xã đã không còn là vùng đồng bào dân tộc khó khăn của giai đoạn trước, còn hơn 1.800 xã đã thoát khỏi diện hộ nghèo, không nằm trong vùng đặc biệt khó khăn nữa. Như vậy, các xã này không được hưởng các chính sách đang đầu tư của giai đoạn 2016-2020 cho các địa bàn nghèo và các hộ nghèo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tác động ảnh hưởng đến 12 chính sách.
Tháng 9/2021, Ủy ban Dân tộc đã đánh giá tác động và đề xuất với Chính phủ, ngày 30/9 Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao cho các bộ, ngành điều chỉnh, sửa đổi một số quy định, thông tư, chính sách có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số để sửa đổi. Trong đó, có chính sách bảo hiểm đối với người dân tộc thiểu số và có 2,1 triệu người trong giai đoạn 2016-2021 vẫn còn nằm trong vùng đặc biệt khó khăn nhưng đã bị ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, có hơn 2 triệu người không tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ chính sách bảo hiểm.
Bộ trưởng khẳng định, đây là vấn đề rất lớn. Ủy ban Dân tộc cũng báo cáo Chính phủ và Chính phủ giao cho Bộ Y tế để sửa đổi Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế. Theo đó, dự thảo Nghị định sửa đổi này đã bổ sung đưa các đối tượng thuộc diện không nằm ở các xã đặc biệt khó khăn, nhưng là các hộ dân tộc thiểu số có khó khăn vào trong diện được tiếp tục hưởng chính sách. Hiện nay Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang soạn thảo thông tư này, đang xin ý kiến của các cơ quan bộ, ngành liên quan và sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới.
Đại biểu Lâm Văn Đoan – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Chưa đồng tình với trả lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, đại biểu Lâm Văn Đoan – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng bản chất Quyết định 861 của Thủ tướng và 62 không phải là căn nguyên tạo ra vấn đề này. Vướng mắc trong việc bảo hiểm y tế thuộc Luật Bảo hiểm y tế, đó là quy định tại Điều 1 khoản 6 của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 quy định những người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng điều kiện đặc biệt khó khăn, người sinh sống tại vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn thuộc đối tượng Nhà nước hỗ trợ. Đại biểu cho rằng, nếu luật đã quy định, nếu Chính phủ chỉ sửa đổi Nghị định 146 mà không sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế rõ ràng sẽ tạo ra sự mâu thuẫn về mặt pháp luật.
Phân định miền núi vùng cao trong thời gian qua chưa phản ánh chính xác sự khác biệt giữa các vùng miền, địa phương.
Cũng quan tâm đến việc phân định miền núi vùng cao, đại biểu Nguyễn Phương Thủy – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội khẳng định, việc phân định miền núi vùng cao theo các quyết định công nhận của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc qua các thời kỳ chủ yếu mới căn cứ theo độ cao so với mặt nước biển, chưa phản ánh chính xác sự khác biệt giữa các vùng miền, địa phương cả về điều kiện địa lý, địa hình và trình độ phát triển kinh tế - xã hội.
Chính vì vậy, từ năm 2018 đến nay Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều nghị quyết, kết luận giao Chính phủ, cụ thể là Ủy ban Dân tộc rà soát, đánh giá, nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phân định miền núi, vùng cao làm cơ sở cho việc thực hiện các chính sách, yêu cầu quản lý nhà nước, trong đó có việc xác định tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính, phân loại đô thị và trực tiếp phục vụ cho việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn sắp tới.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Mặc dù, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã thông tin đến tháng 9/2023 sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị Bộ trưởng cho biết việc chậm ban hành tiêu chí phân định miền núi, vùng cao thuộc trách nhiệm của cơ quan nào, của Chính phủ, của Ủy ban Dân tộc hay của cơ quan, tổ chức nào khác và tiêu chí về địa bàn có còn phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước nữa hay không?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Phương Thủy – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội về việc chậm ban hành tiêu chí phân định miền núi, tiêu chí về địa bàn có còn phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Hầu A Lềnh khẳng định, phân định miền núi, vùng cao đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 1 vào năm 2018, giao Hội đồng Dân tộc chủ trì đánh giá việc phân định miền núi, vùng cao. Trên tinh thần đó, Ủy ban Dân tộc cùng phối hợp với Hội đồng Dân tộc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đến năm 2020 khi báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau quá trình thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, báo cáo này chưa đủ điều kiện do chưa đủ dữ liệu cần chỉnh sửa lại.Tháng 8/2021, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Chính phủ báo cáo lần thứ hai nhưng qua thẩm định của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị chưa trình việc này với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giao Ủy ban Dân tộc chủ trì cùng với các bộ, ngành của Chính phủ tổng kết, phân định miền núi, vùng cao.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, hiện đang có 2 hệ thống phân định: phân định miền núi, vùng cao và phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển. Cả 2 tiêu chí phân định này đều có các tiêu chí cụ thể quy định để xác định đối tượng, địa bàn để đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại song song 2 tiêu chí, theo đó một số chính sách được ban hành, có chính sách ban hành cho cả 2 tiêu chí; có chính sách ban hành theo một tiêu chí nên cần rà soát, đánh giá lại.
Hiện, Ủy ban Dân tộc đang chủ trì tổng kết việc phân định miền núi, vùng cao, đồng thời đánh giá lại tiêu chí phân định 3 khu vực để xác định xây dựng và đề xuất một tiêu chí mới đảm bảo phù hợp hơn, đảm bảo các yếu tố về mặt địa hình, địa giới hành chính, về trình độ phát triển để đầu tư trọng tâm, trọng điểm và phù hợp hơn trong giai đoạn tới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị việc phân định miền núi, vùng cao, đảm bảo chất lượng và tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tháng 9/2023.
Kết luận nội dung chất vấn đối với nhóm vấn đề dân tộc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan sớm hoàn thành việc rà soát, tổng hợp, sửa đổi, bổ sung danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực 3, khu vực 2, khu vực 1 giai đoạn 2021-2025. Lập danh sách các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã, thôn chia tách, sáp nhập hoặc đề nghị điều chỉnh tên gọi, trên cơ sở đó nghiên cứu đề xuất giải pháp cụ thể đối với việc phân định vùng dân tộc và miền núi theo trình độ phát triển phù hợp với thực tiễn và các quy định hiện hành.
Trước mắt, khẩn trương chuẩn bị các nội dung theo yêu cầu tại kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 2 tháng 8/2021 về phân định miền núi, vùng cao, đảm bảo chất lượng và tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tháng 9/2023.