Hiện Việt Nam có 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ quản trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tại Kỳ họp thứ 5, chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh về tiến độ triển khai thực hiện, đại biểu Dương Văn Phước - đoàn Quảng Nam đề nghị Bộ trưởng cho biết tiến độ triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Sau 3 năm triển khai chương trình vẫn rất chậm, nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới như thế nào?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Hầu A Lềnh thừa nhận, việc giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia chậm. “Chúng tôi cũng thấy tiến độ trong 3 năm qua đúng là chậm, trong đó có quy trình pháp luật, các vấn đề vướng mắc cần phải tháo gỡ, phải sửa chữa nhưng cơ bản hệ thống văn bản đã ban hành xong trong năm 2022, chỉ còn có 2 văn bản chưa ban hành, hiện cơ bản đã hoàn thành”, Bộ trưởng cho biết.
Chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngày 23/2/2023 Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 71 gửi các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với vai trò là cơ quan thường trực của chương trình này, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào Bộ thực hiện xong theo yêu cầu của Công điện 71 để các địa phương triển khai thực hiện.
Đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang
Để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều văn bản theo thẩm quyền, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Bộ trưởng Hầu A Lềnh đánh giá về chất lượng và tiến độ việc ban hành các văn bản để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Theo báo cáo, việc thực hiện một số nội dung chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số và miền núi gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như giải quyết đất ở, đất sản xuất, việc huy động và giải ngân vốn đầu tư… Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết tính khả thi của việc huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình và đánh giá khả năng giải ngân vốn đầu tư và kết quả thực hiện các mục tiêu chương trình đến năm 2025.
Trả lời câu hỏi đại biểu nêu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, các địa phương, tính đến hết quý I/2023 tổng hợp cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia có 339 ý kiến, trong đó riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 100 ý kiến. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 71, giao các bộ, ngành xử lý các vướng mắc của địa phương. Theo đó, có 3 nhóm vấn đề cần phải xử lý.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn
Nhóm vấn đề thứ nhất, những khó khăn, vướng mắc cần phải giải đáp trong các thông tư, văn bản hướng dẫn, các bộ, ngành phải giải đáp xong trước ngày 30/3. Đối với những vấn đề này, tính đến ngày 30/3, 15/15 bộ, ngành được giao nhiệm vụ đã giải quyết và có văn bản giải đáp cũng như hướng dẫn cho các địa phương giải quyết được 121 khó khăn, vướng mắc.
Nhóm vấn đề thứ hai là các văn bản thông tư chưa được ban hành, hiện chỉ còn 2 văn bản, đến ngày 30/5 các văn bản này đã được ban hành. Nhóm thứ ba là nhóm các văn bản thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành nhưng có những bất cập hoặc chồng chéo cần phải điều chỉnh, sửa đổi, trong đó có Nghị định 27, Quyết định 39 và một số thông tư, văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành. Đến thời điểm hiện nay, các bộ, ngành đã sửa xong tất cả các nội dung chồng chéo. Riêng Nghị định 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì sửa đổi hiện đã hoàn thiện toàn bộ hồ sơ, lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp hoàn thiện nghị định trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Đối với Quyết định 39 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 do Ủy ban Dân tộc chủ trì, chỉ có một nội dung sửa đổi và đã hoàn thành toàn bộ nội dung. Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Ủy ban Dân tộc sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng sửa đổi, bổ sung Quyết định 39. Như vậy, đến thời điểm này tất cả các nội dung theo Công điện 71 của Thủ tướng Chính phủ cơ bản hoàn thành nhiệm vụ để các địa phương có cơ sở triển khai.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang
Với trách nhiệm được phân công, là người chỉ huy việc tổ chức thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhận khuyết điểm trước Quốc hội, nhận khuyết điểm trước bà con đang sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vì việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia rất chậm.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, tính đến ngày 31/5/2023, phần vốn của năm 2022 cho Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chỉ đạt 58,49% vốn đầu tư phát triển và riêng vốn của năm 2023 thì chỉ đạt 17,01% vốn đầu tư phát triển. Chỉ còn 2,5 năm nữa để thực hiện giai đoạn 1 của dự án này, trong khi ở nhiều khu vực, đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng chương trình này đang sống ở vùng biên cương, vùng phên giậu của đất nước đang gặp nhiều khó khăn để giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, nên Chính phủ nhận thấy trách nhiệm của mình rất nặng nề.
Phó Thủ tướng đã chỉ ra những vướng mắc cụ thể trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 nói riêng và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung.
Vướng mắc thứ nhất là văn bản của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia rất nhiều, lên tới 73 văn bản. Đơn cử Chương trình triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tích hợp từ 118 chính sách, 10 dự án, 22 tiểu dự án và 55 nội dung thành phần và chịu sự quản lý của 23 bộ, ngành trung ương, vì vậy việc còn chồng chéo và thậm chí xung đột với nhau là điều khó tránh khỏi. Qua đợt khảo sát ở 4 khu vực và tổ chức các hội nghị trực tuyến đã ghi nhận 339 thắc mắc của cơ sở, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 71, trong khoảng hơn 2 tháng, 18/18 bộ, ngành đã có 59 văn bản trả lời, giải quyết được 261/339 thắc mắc, chiếm khoảng 70%; 78 nội dung còn lại đang thực hiện thông qua việc sửa đổi Nghị định 27, dự kiến sẽ ban hành trước ngày 15/6. Trên cơ sở 339 ý kiến phản hồi nhận được và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn chỉnh, hoàn thiện để Chương trình giải ngân được đúng như yêu cầu.
Vướng mắc thứ hai được Phó Thủ tướng chỉ rõ là sự quan tâm của các địa phương không như nhau. Đến thời điểm này vẫn còn 6 địa phương là Bình Thuận, Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu và Bến Tre còn nợ văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền địa phương theo phân cấp của Chương trình.
Vướng mắc thứ ba là trình độ của cán bộ trực tiếp triển khai Chương trình triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở địa phương, đặc biệt vùng sâu, vùng xa còn rất hạn chế.
Qua khảo sát thực tế đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định: “Các dự án triển khai ở nhiều nơi rất manh mún, dàn trải, do nguồn lực không nhiều, không thể đáp ứng được tất cả yêu cầu mong muốn của mọi người, chia ra mỗi người một ít. Thứ hai là cán bộ ở địa phương thấy chỗ nào cũng khó nên có tâm lý là "hoa thơm mỗi người hưởng một chút". Thứ ba là có một số quy định bắt buộc gây ra sự dàn trải này”.
Phó Thủ tướng lấy ví dụ tại một huyện của một tỉnh khu vực Tây Nguyên, cả nhiệm kỳ địa phương này được phân bổ 200 tỷ nhưng có đến 400 dự án, mỗi dự án khoảng 500 triệu. Đối với vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một dự án hạ tầng 500 triệu chỉ triển khai được một đoạn đường ngắn, như vậy khó có thể kết nối và khó phát huy giá trị. Bên cạnh đó, còn có hệ lụy là khối lượng hồ sơ rất nhiều, thời gian để thẩm định, phê duyệt các hồ sơ cũng mất vài ba tháng, thậm chí một năm.
Báo cáo với Quốc hội về việc sửa đổi Nghị định 27, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu rõ, lần sửa đổi này sẽ giúp các địa phương thực hiện lồng ghép các nguồn vốn hiệu quả, gia tăng nguồn lực, tránh dàn trải, manh mún. Quy định chi tiết quy trình, thủ tục hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho các hộ gia đình có đất ở, nhà ở theo tiêu chuẩn. Đẩy mạnh phân cấp cho địa phương chủ động thực hiện tùy tình hình thực tế để có sự linh hoạt, đảm bảo tiến độ đề ra….
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận nội dung chất vấn đối với nhóm vấn đề dân tộc
Phát biểu kết luận nội dung chất vấn đối với nhóm vấn đề dân tộc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 ngày 18/11/2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 120 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là chương trình mục tiêu quốc gia thứ ba, sau Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, tích hợp gần 200 chính sách của đồng bào dân tộc vào chương trình này. Quốc hội cũng đã ban hành các luật, nghị quyết khác nhằm tạo cơ chế thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế, trong đó các chính sách dân tộc còn phân tán, dàn trải, hiệu quả còn chưa cao, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi còn rất chậm. Kết quả đạt được đến nay còn hạn chế, các văn bản hướng dẫn ban hành chậm hoặc thiếu đồng bộ, chưa rõ ràng, chưa có định mức cụ thể; thủ tục tiếp nhận, phê duyệt các chương trình, dự án còn phức tạp; sự phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền các cấp còn bất cập, lúng túng; việc phân định các xã, thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được giải quyết dứt điểm; việc huy động các nguồn lực cho chương trình và phân bổ sử dụng các nguồn lực còn khó khăn…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ ngành liên quan tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ, tăng tốc, tạo đột phá và chuyển biến căn bản trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để bù lại thời gian chậm trễ vừa qua, nhất là việc phân bổ, quản lý, sử dụng vốn thực hiện chương trình. Chỉ đạo, đôn đốc triển khai các dự án, tiểu dự án, nội dung trong chương trình bảo đảm hiệu quả thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm 2023 và giai đoạn 2021-2025. Đồng thời. nghiên cứu thí điểm việc phân cấp khoán gọn kinh phí của 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn một huyện, báo cáo Quốc hội tại kỳ giám sát tối cao của Quốc hội đối với 3 Chương trình mục tiêu của quốc gia vào kỳ họp thứ 6 tới.