TỔ CÔNG TÁC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỀ CHƯƠNG TRÌNH MTQG VỚI CÁC SỞ, NGÀNH TỈNH ĐẮK LẮK

13/06/2023

Tiếp tục nội dung chương trình làm việc, ngày 13/6, Tổ công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội do đồng chí Phạm Phú Bình – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, thành viên Đoàn giám sát làm tổ trưởng đã làm việc với một số sở, ngành tỉnh Đắk Lắk về việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Quang cảnh buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc có các thành viên tổ công tác, đại diện các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk và một số đơn vị có liên quan.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành đã báo cáo kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tính đến tháng 12/2022, các địa phương của tỉnh Đắk Lắk không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; lũy kế toàn tỉnh có: 79 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới (trong đó: 71 xã đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 08 xã đang lập hồ sơ trình xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022); toàn tỉnh đạt 2.422 tiêu chí/2.888 tiêu chí (đạt tỷ lệ 83,9%), tăng 63 tiêu chí so với tháng 7/2021; bình quân toàn tỉnh đạt 15,93 tiêu chí/xã, tăng 0,41 tiêu chí so với tháng 7/2021...

Các sở ngành của tỉnh Đắk Lắk tham gia ý kiến tại buổi làm việc.

Năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đã chủ động bố trí kinh phí ngân sách đối ứng của địa phương và chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương bám sát các quy định, hướng dẫn của Trung ương, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, kết quả triển khai một số dự án, tiểu dự án còn chưa đạt mục tiêu theo tiến độ kế hoạch đề ra.

Đối với việc thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, hiện tỉnh Đắk Lắk có 130 xã/15 huyện, thị xã, thành phố thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 54 xã khu vực III, 5 xã khu vực II, 71 xã khu vực I; 519 thôn, buôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thụ hưởng Chương trình. Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã tích cực, chủ động tham mưu, triển khai thực hiện Chương trình nhằm bảo đảm tiến độ đề ra. Về nguồn vốn thực hiện: Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2022 của tỉnh Đắk Lắk là 884.214 triệu đồng.

Đồng chí Phạm Phú Bình – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Tổ trưởng Tổ công tác tham gia ý kiến.

Các sở, ngành có liên quan của tỉnh Đắk Lắk kiến nghị một số vấn đề như: Việc ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương còn chậm và chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến công tác triển khai thực hiện các chương trình; Đề nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét tham mưu Thủ tướng Chính phủ tăng cường nguồn vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho tỉnh Đắk Lắk (tương đương hoặc cao hơn so với giai đoạn 2016 - 2020), để tỉnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, một số quy định chồng chéo, vướng mắc gây khó khăn cho việc triển khai các chương trình tại địa phương…

Tại buổi làm việc, tổ công tác đã ghi nhận và trao đổi về những khó khăn, vướng mắc của các sở ngành của tỉnh Đắk Lắk trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Những kiến nghị, khó khăn của địa phương sẽ được tổ công tác tổng hợp, kiến nghị Trung ương điều chỉnh kịp thời./.

Kim Liên

Các bài viết khác