GIÁM SÁT NHẰM TẠO RA BƯỚC TIẾN LỚN HƠN VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI

21/07/2023

Tại kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố Hà Nội, đã thông qua Nghị quyết giám sát “việc thực hiện công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội”. Đây được đánh giá là chuyên đề quan trọng nhằm tiếp tục đưa Hà Nội là địa phương tăng cả về điểm số và thứ hạng về cải cách hành chính trên cả nước.

Đột phá từ phân cấp, ủy quyền

Hơn hai năm qua, với sự quyết liệt và khát khao đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, Hà Nội đã có bước tiến lớn về cải cách hành chính. Sự bứt phá của thành phố từ vị trí thứ 10 (năm 2021) lên vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2022 là minh chứng rõ nét về điều này. Cải cách hành chính là một nội dung chính trong Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025” - chương trình cốt lõi, xương sống trong 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy Hà Nội khóa XVII.

Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội chủ trì Hội nghị chuyên đề về thực hiện chương trình 01 -Ctr/TU

Từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, trong đó, cùng với phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, đã tập trung ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính. Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khẳng định quyết tâm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền của thành phố xuất phát từ thực tế công tác cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu, quy trình giải quyết thủ tục hành chính còn cản trở sự phát huy các nguồn lực đầu tư phát triển.

Sau hơn một năm triển khai, thành phố đã điều chỉnh, bổ sung quy định phân cấp cho cấp huyện đối với 9 lĩnh vực, với 210 nhiệm vụ chính. Đặc biệt, thành phố đã thực hiện phân cấp, ủy quyền đối với 708/1.910 thủ tục hành chính, chiếm 45,6% tổng số thủ tục hành chính cấp thành phố. Kết quả này tăng 6 lần so với trước đó (trước đó, có 91 thủ tục hành chính, chiếm 5,31% trên tổng số thủ tục hành chính cấp thành phố và cấp huyện được phân cấp, ủy quyền).

Tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính 

Điểm lại kết quả thực hiện cải cách hành chính theo Chương trình số 01-CTr/TU từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Hà Nội đã thực hiện vượt 5/10 chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra; 14/18 nhiệm vụ đã hoàn thành; 4 nhiệm vụ đang được thực hiện bảo đảm tiến độ. Các nội dung cải cách hành chính chủ yếu như cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được triển khai đồng bộ, có nhiều đổi mới và đều ghi nhận những kết quả tích cực. Trong đó, nổi bật là kết quả cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể, thành phố đã chú trọng xây dựng cơ chế liên thông trong thực hiện thủ tục hành chính và đổi mới thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" theo hướng hiện đại. Hà Nội đã công bố danh mục 1.606 thủ tục hành chính, thay thế 204 thủ tục hành chính, bãi bỏ 1.505 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực; ban hành 18 quyết định phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, toàn thành phố đã tiếp nhận giải quyết xong 1.050.339 hồ sơ, trong đó, số hồ sơ giải quyết đúng hạn là 1.045.875 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,58%. 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông". Thành phố cũng đã chỉ đạo, đổi mới cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" theo hướng điện tử thống nhất trên toàn thành phố, đáp ứng yêu cầu theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về  “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố về cơ bản đã thực hiện đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

Đáng chú ý, Hà Nội đã tiến hành thực hiện tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, phục vụ việc xây dựng dịch cụ công trực tuyến, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia để kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia và dân cư; triển khai thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông "đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí''. Kết quả cải cách hành chính tích cực cùng với năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố đã duy trì sức bền của kinh tế Thủ đô cũng như vị trí đầu tàu ngay trong bối cảnh khó khăn nhất. Quý I-2023, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP thành phố đạt 5,86%. Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2023 đã đạt 185.000 tỷ đồng, bằng 57% dự toán, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua. Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc về thu hút FDI với trên 7.000 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đạt 61,7 tỷ USD.

Giám sát để làm tiếp và mạnh hơn nữa

Vấn đề đặt ra là chỉ số cải cách hành chính của thành phố Hà Nội dù tăng đáng kể nhưng lại có dấu hiệu suy giảm về thứ bậc so với một số địa phương. Cũng chính từ đó, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội  đã tiến hành giám sát chuyên đề “việc thực hiện công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội”, để chỉ rõ những hạn chế, cản trở công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính của thành phố Hà Nội. Nghị quyết giám sát chỉ rõ nguyên nhân chính vẫn là do kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện về CCHC còn nằm rải rác ở các văn bản khác nhau, còn chồng chéo về nhiệm vụ giữa các cơ quan, chưa có tính hệ thống theo nhóm lĩnh vực, chưa cụ thể hoá nhiệm vụ tại các quận huyện, xã, phường. Việc xác định đầu mối các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm còn chưa chính xác. Vì vậy một số nhiệm vụ về CCHC và chuyển đổi số chưa có căn cứ để xác định việc hoàn thành. Từ đó dẫn đến một số chỉ số như Sipas, Papi đều giảm thứ bậc.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó trưởng đoàn Đại biểu QH TP Hà Nội phát biểu tại Kỳ họp 12, HĐND thành phố HN

Với những vấn đề qua giám sát tại các sở, ngành, quận huyện, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số và cải cách hành chính của Hà Nội còn chậm là do kết quả tiến độ của việc xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống phân tích xử lý dữ liệu, xây dựng trung tâm điều hành thông minh còn chậm do dữ liệu còn phân tán các cấp chưa đồng bộ hoá triệt để.

Từ đó Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng đưa ra kiến nghị hết sức cụ thể với Quốc hội, Chính phủ, và những việc cần làm với chính quyền thành phố Hà Nội. Trước những vướng mắc trong cải cách hành chính và chuyển đổi số, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật thủ đô, Luật Quản lý sử dụng tài sản công và Luật Cán bộ công chức, viên chức, quy định thống nhất chế độ công chức, công vụ; Xem xét cải tiêu chí đánh giá chỉ số CCHC, Các bộ, ngành liên quan sớm ban hành thông tư hướng dẫn về các vị trí, việc làm,chuyển đổi vụ trí công tác tại nghị định 59/2019 của Chính phủ về phòng chống tham nhũng để thực hiện thống nhất đúng quy định

Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn và quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là “thước đo”, thành phố đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại trong công tác cải cách hành chính. Đó là, việc thực hiện số hóa tại bộ phận một cửa các sở, ngành và bộ phận "một cửa" của UBND cấp huyện đang bị chậm so với lộ trình đề ra. Một số cơ quan, đơn vị chưa bảo đảm hoàn thành tiến độ thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính đặt ra. Một số sở, ngành chưa chủ động, tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính...

Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố HN, Đại biểu Quốc hội thành phố HN phát biểu tại kỳ họp 12,HĐND thành phố Hà Nội

Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh: tới đây, thành phố sẽ phải làm tiếp, làm mạnh hơn nữa gắn thực hiện tốt chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển theo hướng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của thành phố; thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số. Phát huy đoàn kết, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; sâu sát cơ sở; chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho cơ sở”. Đáng chú ý, thành phố sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả trong công tác cải cách hành chính gắn với việc thực hiện chủ đề công tác hằng năm; thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện chỉ số PAPI, SIPAS, PAR Index; tiếp tục triển khai kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố.

Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các quy định hành chính, thủ tục hành chính nội bộ, trọng tâm là các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, tư pháp, y tế, giáo dục, giao thông vận tải... Đặc biệt, thành phố cũng sẽ rà soát, đánh giá hiệu quả để tiếp tục đề xuất phương án thực hiện phân cấp, phân quyền trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các nhóm có thủ tục hồ sơ hành chính được giao dịch nhiều như: Tư pháp, đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội, bảo hiểm, thuế... Hà Nội cũng sẽ thực hiện số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo yêu cầu chỉ tiêu và thời hạn của Trung ương và thành phố; gắn với tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin cho cấp xã, đặc biệt là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính.

Tiếp tục giám sát lời hứa của lãnh đạo sở ngành về cải cách cách thủ tục hành chính

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp 12 HĐND thành phố Hà Nội về công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, nhiều lãnh đạo nhiều sở, ngành đã nêu cụ thể lộ trình hoàn thành các quy trình nội bộ, hầu hết là ngay trong tháng 7, muộn nhất là trong năm 2023.

Với ý kiến chất vấn của 6 đại biểu về việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá các dịch vụ công. Đây là nội dung quan trọng trong xây dựng thể chế; nhưng đến nay kết quả triển khai chậm, không đạt kế hoạch. Cho rằng, tổng số định mức kinh tế kỹ thuật mà thành phố phải xây dựng là 250, nhưng đến nay mới ban hành được khoảng 10%, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Tổ Tây Hồ) đề nghị làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân và lộ trình khắc phục thời gian tới.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội

Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết, sở có 38 định mức kinh tế kỹ thuật phải xây dựng. Thực tế, Ban Chỉ đạo Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế thành phố đã chỉ đạo xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để triển khai ngay từ năm 2021-2022. UBND thành phố cũng đã thành lập tổ công tác để tổ chức thực hiện. Nhưng, đây là lĩnh vực rất khó; nên ngay tại kỳ họp lần này, HĐND thành phố mới chỉ thông qua Nghị quyết quy định về giá dịch vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông để áp dụng tạm thời trong thời hạn 1 năm trong khi chờ ban hành được định mức kinh tế kỹ thuật.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng thì cho biết, đến nay, Sở đã trình ban hành được định mức kinh tế kỹ thuật truyền hình, đang trình định mức kinh tế kỹ thuật phát thanh. Về định mức kinh tế kỹ thuật báo in, thành phố có 5 cơ quan báo chí in đến nay đều cam kết sẽ xây dựng xong trong năm 2023. Đối với các định mức kinh tế kỹ thuật khác thuộc trách nhiệm, Sở sẽ báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố tại kỳ họp tháng 9 tới.

Cùng chủ đề, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng cho biết, Sở có 72 định mức kinh tế kỹ thuật cần xây dựng; vừa qua đã hoàn thành trình Sở Tư pháp thẩm định. Nhưng khi trình xin ý kiến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thì được yêu cầu bổ sung danh mục. Hiện nay, Sở đang hoàn thiện để trình UBND thành phố, phấn đấu xong trong tháng 7 để kịp thời trình ra kỳ họp chuyên đề HĐND thành phố vào tháng 9 tới.

Theo Giám đốc Sở Tài chính, để khắc phục và đẩy nhanh tiến độ xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, thời gian tới, Sở đề xuất tập trung thực hiện một số giải pháp mạnh như: Đề xuất đơn vị nào không xây dựng được định mức, đơn giá thì thành phố không giao dự toán ngân sách cả năm mà chỉ giao dự toán quý I để thực hiện; đưa nội dung này vào họp tập thể UBND thành phố hằng tháng; tập trung hoàn thành định mức, đơn giá những lĩnh vực cấp thiết như vận chuyển rác, xử lý rác thải, vận tải hành khách công cộng (xe buýt) ngay trong năm 2023. Đồng thời, tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ này. Cuối cùng, đối với những nơi chưa thể ban hành đơn giá, thì Sở kiến nghị cho phép ban hành đơn giá tạm thời để áp dụng như lĩnh vực giáo dục đã thông qua tại kỳ họp lần này.

Chất vấn về việc chậm trễ ban hành quy trình nội bộ của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Chánh Văn phòng UBND thành phố Trương Việt Dũng cho biết, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính là điểm sáng, nổi bật của Hà Nội thời gian qua, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là đơn vị đi đầu cả nước. Theo kế hoạch ủy quyền mà UBND thành phố đề ra là 617 thủ tục, đến thời điểm giám sát của HĐND thành phố, đã công bố quyết định ủy quyền và danh mục thủ tục hành chính ủy quyền đã làm được 531 thủ tục, đạt tỷ lệ 86,06%. Về quy trình nội bộ, đến thời điểm HĐND thành phố giám sát cũng đã ban hành được 485/617, nhưng cập nhật mới nhất đã đạt 531/617 thủ tục có quy trình nội bộ được thông qua.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường cho biết, thực tế là UBND thành phố đã ban hành 6 quyết định về quy trình nội bộ của sở; trong đó thực hiện 5 quyết định, Sở đã ban hành xong 89/108 quy trình giải quyết thủ tục hành chính nội bộ; còn lại 19 quy trình theo 1 quyết định thứ 6 của UBND thành phố, Sở phấn đấu sẽ hoàn thành trong quý III-2023.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, ngoài 11 quy trình như đại biểu nêu, đến nay, Sở đã ban hành thêm được 20 quy trình khác; số còn lại sẽ làm xong trong năm 2023. Còn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân khẳng định, phấn đấu trong tháng 7-2023 sẽ ban hành đầy đủ; các nội dung, quy trình liên thông sẽ làm xong trong năm 2023.

Với những câu trả lời rõ ràng về tiến độ thực hiện cải cách hành chính, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng đây là cơ sở để Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục giám sát và tái giám sát công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước thuộc Thành phố, tạo chuyển biến rõ nét hơn trong công tác này của thành phố Hà Nội.

Khẳng định vị thế Hội đồng Nhân dân trong hệ thống chính trị địa phương

Đánh giá về hoạt động 6 tháng đầu năm của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tại kỳ họp thứ 12, Phó Chủ tịch Thường trực Phùng Thị Hồng Hà nhận định: Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã hoạt động "Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội được duy trì, để lại những dấu ấn tốt đẹp trong cử tri và Nhân dân Thủ đô cũng như của cả nước", bám sát tinh thần chủ đề năm của thành phố là "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển". Qua đó, đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách sát thực tiễn và yêu cầu phát triển của Thủ đô với 124 nội dung trọng tâm được rà soát, tổng hợp cụ thể, chi tiết theo hướng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp đặc điểm tình hình để tránh trùng lặp, dàn trải, thuận lợi cho kiểm tra tiến độ và bảo đảm phát huy được hiệu lực, hiệu quả, thực chất.

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện 63/64 nội dung theo chương trình đề ra, 1 nội dung điều chỉnh tiến độ cho phù hợp thực tiễn và 38 nội dung công việc phát sinh theo chỉ đạo của Trung ương và yêu cầu thực tiễn của thành phố. Ngoài việc tổ chức thành công kỳ họp chuyên đề để quyết định các nhiệm vụ cấp bách theo thẩm quyền, từ đầu năm đến nay, HĐND đã thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát, khảo sát với những vấn đề được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm. Hoạt động tiếp công dân được thực hiện đúng quy định; công tác tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới; việc đánh giá, rà soát và giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri được tăng cường, phát huy hiệu quả theo đúng tính thần Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 (ngày 12.9.2022) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND.

Hải Yến

Các bài viết khác