NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT THÍ ĐIỂM PHÂN CẤP CHO CẤP HUYỆN CHỦ ĐỘNG QUYẾT ĐỊNH, ĐIỀU CHỈNH CƠ CẤU NGUỒN VỐN, DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TƯ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

21/07/2023

Lồng ghép nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia là bài toán khó, tiếp tục là vướng mắc được Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” ghi nhận khi thực địa tại các địa phương. Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất thực hiện thí điểm phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia với mong muốn sẽ giải được bài toán nêu trên.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND HUYỆN PHƯỚC SƠN, QUẢNG NAM VỀ 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

QUẢNG NAM CẦN NỖ LỰC HƠN TRONG TRIỂN KHAI CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Thiếu hướng dẫn trong ban hành cơ chế về lồng ghép

Lồng ghép vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia rất khó khăn là thực tế Đoàn giám sát của Quốc hội ghi nhận tại Hòa Bình. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới không cùng địa bàn với hai Chương trình còn lại nên không thể lồng ghép được, chỉ có thể lồng ghép hai Chương trình về giảm nghèo bền vững với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

                                                                           Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khảo sát thực tế tại huyện Đà Bắc, Hòa Bình

UBND tỉnh Hòa Bình cũng chỉ ra nguyên nhân không lồng ghép được nguồn vốn của 3 Chương trình là do các bộ, ngành còn thiếu hướng dẫn trong việc ban hành cơ chế về lồng ghép các nguồn ngân sách Trung ương của hai Chương trình giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Dẫn  ví dụ thực tế mà Đoàn giám sát đến khảo sát là huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đang không thực hiện được việc lồng ghép vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai - Thành viên Đoàn giám sát, nêu rõ, trên cùng một đoạn đường, nhưng đoạn này thuộc nguồn vốn của Chương trình này, đoạn khác lại thuộc nguồn vốn của Chương trình khác, với tiêu chí và định mức cũng rất khác nhau. Từ thực tế này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng, Hòa Bình cần có kiến nghị cụ thể để có thể lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Cũng từ thực tế khảo sát, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Xuân Hùng - Thành viên Đoàn giám sát, nhận thấy có tình trạng một số văn bản khó, các bộ, ngành Trung ương chưa hướng dẫn được thì giao cho địa phương. Điển hình là Nghị định số 27/2022/NĐ - CP, ngày 19/4/2022, của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và Thông tư số 02/2022/TT - UBDT của Ủy ban Dân tộc, hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: 2021 - 2025.

Cũng theo ông Vũ Xuân Hùng, vốn sự nghiệp để triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn Hòa Bình cũng như nhiều địa phương khác không giải ngân được, vì Trung ương thực hiện phân bổ chi tiết đến từng dự án, mà chưa tính toán đầy đủ đến đặc thù của từng địa phương. Một số dự án không có định mức chi, không có đối tượng để hướng dẫn, dẫn tới địa phương gặp khó khi triển khai.

Chuyên đề giám sát tối cao “Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” là giám sát giữa kỳ. Đây là cơ hội để các địa phương báo cáo, làm rõ những vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện, từ đó Trung ương kịp thời có sự điều chỉnh, cả bằng văn bản hướng dẫn và cơ chế, chính sách.

Nhấn mạnh điều này, Ông Vũ Xuân Hùng đề nghị, Hòa Bình đánh giá khả năng hoàn thành các Chương trình mục tiêu quốc gia, cụ thể việc có nội dung nào cần điều chỉnh và nội dung nào không khả thi, không phù hợp, tránh tình trạng triển khai thực hiện không hiệu quả, và vốn cứ kéo dài, chuyển nguồn từ năm này sang năm khác, dẫn tới chậm trễ tổng thể trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Việc ban hành Nghị định 38/2023/NĐ - CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27/2022/NĐ vẫn chưa gỡ được vướng mắc   

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long, cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đều được giao vốn vào năm 2022 và địa phương mất gần 6 tháng để tập trung xây dựng văn bản hướng dẫn, dẫn tới giải ngân ở địa phương bị chậm. Mặt khác, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đều không phê duyệt cùng thời điểm, chưa kể mỗi Chương trình lại có phạm vi, địa bàn, đối tượng áp dụng khác nhau. Do đó, việc lồng ghép được vốn các dự án của các Chương trình này là hoàn toàn có tính khả thi. Nhưng khó khăn là thời gian không có nên xảy ra thực tế, tại cùng một địa bàn, trường hợp muốn triển khai một dự án với nguồn vốn từ cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, yêu cầu đầu tiên là phải có 3 bộ hồ sơ, nên mới có chuyện, xây dựng một trường học, nhưng cổng trường thuộc nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia này, còn lớp học lại thuộc vốn Chương trình mục tiêu quốc gia khác. Nói cách khác là không thể thực hiện đồng bộ cùng một lúc các nội dung của dự án mà được lồng ghép từ nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Chính từ những vướng mắc, bất cập nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện như vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2023/NĐ - CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27/2022/NĐ - CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.Tuy nhiên, với Nghị định 38 , thì địa phương cũng vẫn loay hoay chưa biết tham mưu và thực hiện lồng ghép như thế nào vì chưa có hướng dẫn. Chưa có hướng dẫn thì địa phương khó thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh cũng cho biết, do mỗi Chương trình mục tiêu quốc gia lại có hướng tiếp cận khác nhau, nên nếu không có hướng dẫn cụ thể hơn, thì "địa phương nào cũng vướng mắc". Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh kiến nghị: Nên chăng cần xét đến mục đích cuối cùng của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đều nhằm cải thiện và nâng cao đời sống của người dân, còn chi tiết việc thực hiện thì cần linh hoạt hơn và có tính đến đặc thù của từng vùng, miền, địa phương, không  nên quy định quá "cứng" như hiện nay?

Một vấn đề nữa được chỉ ra, đó là trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, chúng ta chưa đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, vì "cứ sợ làm sai". Nhưng nếu không đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, thì không thể đẩy nhanh được tiến độ và không bảo đảm tính đặc thù của từng địa phương. “Quan trọng nhất với Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc là giao thông, thế nhưng nội dung này lại không được đầu tư nhiều. Nếu các Chương trình mục tiêu quốc gia có nguồn vốn cho việc hoàn thành kết cấu hạ tầng giao thông chiếm tới 50% thì rất tốt, vì có ô tô đến bản, thì bà con mới bán được sản phẩm nông nghiệp, cải thiện sinh kế”, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chia sẻ

Qua lắng nghe ý kiến của địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Phó Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội cũng nhận định: Qủa thật, lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia là “bài toán khó”.

Khẳng định điều này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng nêu rõ, vừa qua trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất thực hiện thí điểm việc phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Quy định mới này kỳ vọng sẽ giải quyết được vướng mắc đặt ra, tạo sự chủ động cho cấp huyện trong triển khai thực hiện, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đặc thù của từng địa bàn. Có như vậy, tiến độ các Chương trình mới có thể tăng tốc, đẩy nhanh, bù lại thời gian đã chậm trễ vừa qua.

Chưa tạo sự chủ động cho địa phương

Ghi nhận của Đoàn giám sát của Quốc hội qua cuộc làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên, một vấn đề đặt ra là cần có cơ chế riêng về giải ngân vốn sự nghiệp các Chương trình mục tiêu quốc gia và địa phương được điều chỉnh dự án phù hợp với khả năng giải ngân, nhu cầu thực tế. bởi theo ghi nhận của Đoàn giám sát “Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, Điện Biên đã hoàn thành phân bổ đầu tư trung hạn 2021 - 2025 và cơ bản phân bổ ngân sách Trung ương trong hai năm 2022 (đạt 98,43%) và 2023 (đạt 97,22%). Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn giao còn thấp. Cụ thể, kết quả giải ngân nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 đạt 798 tỷ đồng (54%), phần vốn còn lại của năm 2022 được chuyển sang kế hoạch của năm 2023. Số liệu giải ngân cập nhật đến 30.4.2023 đạt 172 tỷ  đồng (8,8%).

                                                          Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô phát biểu tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry, dù tỷ lệ giải ngân nguồn vốn của Điện Biên thấp, nhưng số liệu giảm nghèo, tỷ lệ xã đạt nông thôn mới lại khá tốt. Báo cáo cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh đến năm 2022 còn 30,35%, giảm 4,55% so với năm 2021. Đến hết năm 2022, Điện Biên có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 30 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, có 120 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 26 triệu đồng/ người/ năm. Vậy tác động thực sự từ nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia đối với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như thế nào - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đặt vấn đề.

Đại biểu Lò Thị Luyến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên - thành viên Đoàn giám sát, cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đã sớm triển khai giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng "vốn sự nghiệp đang là nội dung vướng mắc nhất". Dù việc phân bổ vốn sự nghiệp đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được giao thẩm quyền cho HĐND tỉnh, nhưng vẫn chậm giải ngân vì chưa có hướng dẫn và cơ chế thực hiện. Dù mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu cũng chỉ ra một số vướng mắc: Thứ nhất là giao vốn sự nghiệp của các Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn theo từng nội dung nhỏ của dự án, làm giảm tính chủ động của địa phương. Dù nội dung này thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành, nhưng từ thực tiễn giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên mong muốn có cơ chế riêng về giải ngân vốn sự nghiệp các Chương trình mục tiêu quốc gia và địa phương được điều chỉnh dự án phù hợp với khả năng giải ngân, nhu cầu thực tế.

Thứ hai, các địa phương đã phản ánh nhiều về vướng mắc trong việc mua cây, con giống, nhưng trong Nghị định 38/2023/NĐ-CP quy định: Ưu tiên sử dụng con giống, cây trồng vật nuôi và hàng hóa dịch vụ khác do người dân trực tiếp sản xuất tại địa phương. Thực tế quy định này đang "thắt chặt hơn", đơn cử, nếu dự án triển khai tại địa bàn a, nhưng địa bàn a không có đủ cây con cung ứng thì có được mua cây con từ địa bàn khác hay không? Hay phải làm thủ tục đấu thầu? - Đại biểu Lò Thị Luyến chỉ rõ

Vướng nghị định 38 nên giải ngân vốn sự nghiệp vẫn chậm

Nêu rõ thực tế việc giải ngân vốn sự nghiệp, nhất là đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi "chắc chắn chậm", Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô phân tích: Nghị định số 38/2023/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chứcchú thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, tuy nhiên, tỉnh vẫn phải chờ thông tư hướng dẫn, rồi mới triển khai thực hiện được.

                                                                        Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Điện Biên. 

Từ thực tế triển khai Dự án 8 - “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: 2021 - 2025, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Điện Biên cho biết thêm, dự án này có 8 chỉ tiêu và 12 hoạt động đang được Hội triển khai, nhưng tỷ lệ giải ngân cũng thấp. Nguyên nhân là một số chỉ tiêu chưa có cơ chế rõ ràng, hoặc có chỉ tiêu phải chờ hướng dẫn mới thực hiện được.

Khẳng định, giải ngân vốn sự nghiệp hiện “ở đâu cũng vướng”, “ở đâu cũng khó”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Đoàn giám sát sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính để xem xét cách xử lý vấn đề này, tránh tình trạng “đồng mua mắm thì mua cơm”, đề nghị Bộ Tài chính thông báo vốn sự nghiệp cho cả giai đoạn 2021 - 2025 để các địa phương chủ động trong triển khai thực hiện. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có nội dung về vốn sự nghiệp.

Hải Yến

Các bài viết khác