QUỐC HỘI THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NĂM 2024
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 với tỷ lệ 91,30% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành
Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, ĐBQH đã được lựa chọn kỹ lưỡng, phù hợp, sát thực tế, đảm bảo tính khả thi của chương trình, đáp ứng được yêu cầu đặt ra và phản ánh đúng những vấn đề bức xúc của thực tiễn. Theo đó, các chuyên đề giám sát, được lựa chọn căn cứ vào vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật mới có hiệu lực thi hành trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm đề xuất; Không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất. Đồng thời, phải bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.
Đoàn Giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023" được thành lập theo Quyết định số 95/2023/QH15 ngày 22/6/2023, do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn là Trưởng Đoàn Giám sát; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh làm Phó Trưởng Đoàn Thường trực.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Đoàn Giám sát
Đoàn Giám sát nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan, trung thực các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Trên cơ sở đó, xác định nguyên nhân; chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Yêu cầu trong triển khai thực hiện, Đoàn Giám sát xác định: Bám sát chủ trương của Đảng; Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan do cơ quan có thẩm quyền ban hành về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Tuân thủ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế hoạt động giám sát của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và Nghị quyết số 95/2023/QH15 ngày 22/6/2023 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Đồng thời, Đoàn giám sát chủ động tổ chức hoạt động giám sát, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm và đúng tiến độ đã đề ra; phân công, phối hợp, triển khai thực hiện khoa học, chặt chẽ, tránh chồng chéo.
Về dự kiến nội dung, Đoàn giám sát tập trung vào giám sát việc ban hành chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Trong đó:
Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, tập trung giám sát các nội dung về Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai quản lý thị trường bất động sản; Công tác quy hoạch (liên quan đến việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bố trí quỹ đất cho phát triển thị trường bất động sản; tác động, ảnh hưởng của các quy hoạch đến sự phát triển của thị trường bất động sản; giám sát quy hoạch…); Tình hình hoạt động của doanh nghiệp bất động sản; Việc triển khai các dự án bất động sản; Việc sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản; Chuyển nhượng dự án bất động sản; Các loại hình bất động sản mới xuất hiện; Đặt cọc trong giao dịch kinh doanh bất động sản; Thanh toán trong giao dịch bất động sản; Hợp tác quốc tế về kinh doanh bất động sản; Kinh doanh dịch vụ bất động sản; Công khai, minh bạch thông tin về thị trường bất động sản; Điều tiết thị trường bất động sản; Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh bất động sản; …
Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội, tập trung giám sát các nội dung về Chương trình, kế hoạch, các hình thức phát triển nhà ở xã hội; Đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội; Quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội; Việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội; Loại nhà và tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà ở xã hội; Việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; Về quản lý, vận hành nhà ở xã hội; Việc thực hiện các kết luận giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội;…
Ngoài ra, nội dung giám sát cũng tập trung vào tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chủ quan, khách quan của kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, trong đó làm rõ nguyên nhân do cơ chế, chính sách hay do tổ chức thực hiện; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu đối với nội dung đó.
Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Về phạm vi giám sát: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi cả nước từ ngày 01/7/2015 đến hết ngày 31/12/2023.
Để đảm bảo tiến độ, chất lượng giám sát, Đoàn giám sát đã khẩn trương tổ chức Phiên họp thứ nhất để công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát và Nghị quyết của UBTVQH về danh sách Ủy viên và đại biểu mời tham gia Đoàn giám sát; Cho ý kiến về Kế hoạch và Đề cương của Đoàn giám sát. Đồng thời, thống nhất một số vấn đề liên quan đến phân công trách nhiệm các thành viên Đoàn giám sát và việc tổ chức thực hiện các hoạt động của Đoàn.
Ngay sau Phiên họp, Tổ giúp việc của Đoàn Giám sát sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên trong Đoàn, rà soát và hoàn thiện dự thảo Kế hoạch chi tiết, các Đề cường báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” là chuyên đề giám sát khó, có nội dung và phạm vi giám sát rộng, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều Bộ, ngành, địa phương và nhiều đối tượng chịu sự tác động. Theo dự kiến kết quả giám sát chuyên đề sẽ được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, nhân dân và cử tri. Nội dung giám sát là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội; là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô, đã và đang ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Vì vậy, Đoàn giám sát xác định cần tiếp tục tinh thần đổi mới, cải tiến trong cách làm, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức, hành động trong tư duy, đáp ứng được yêu cầu của cử tri và Nhân dân cả nước./.