CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG NGUYỄN XUÂN CƯỜNG VỀ VIỆC CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG CHƯA ĐẢM BẢO CÔNG BẰNG
Đảm bảo công bằng trong chi trả dịch vụ môi trường rừng
Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho thấy, trong hơn 10 năm qua, tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 25.000 tỷ đồng. Trong năm 2021, thu phí dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020. Từ năm 2011 đến năm 2022, diện tích rừng được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng tăng từ gần 1,4 triệu héc-ta lên hơn 7 triệu héc-ta.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp giảm thiểu các hoạt động vi phạm trong bảo vệ và phát triển rừng ở nước ta.
Phí dịch vụ môi trường rừng được các đơn vị chi trả cho cộng đồng dân cư, người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng giúp giảm thiểu các hoạt động vi phạm trong bảo vệ và phát triển rừng ở nước ta. Qua hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng đang gặp không ít bất cập.
Nêu thực tế tại tỉnh Bắc Kạn, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, thời gian qua thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục thực hiện giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình tại các xã khu vực 2, khu vực 3 trong 2 năm 2021-2022. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, kinh phí còn nợ phải thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên, phòng hộ, sản xuất của năm 2021-2022 cho các thôn, tổ, người dân đối với xã khu vực 2, khu vực 3 là trên 52 tỷ đồng.
Ngày 10/6/2022, Bộ Tài chính có quyết định về việc giao dự toán bổ sung có mục tiêu kinh phí sự nghiệp từ ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Bắc Kạn đã được phân bổ trên 72 tỷ để thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 3. Do thời gian cấp kinh phí và các văn bản hướng dẫn muộn nên việc triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 trong năm 2022 tỉnh Bắc Kạn chỉ giải ngân được trên 17 tỷ đồng, còn hơn 54 tỷ đồng. Đối chiếu với đối tượng, khối lượng kết quả thực hiện giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên từ năm 2021-2022 các xã khu vực 2, khu vực 3 trên địa bàn tỉnh là phù hợp với mục tiêu, đối tượng của Tiểu dự án 1.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn
Vì vậy, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ đồng ý cho tỉnh được sử dụng một phần kinh phí từ nguồn vốn đã được phân bổ trong năm 2022 của Tiểu dự án 1 để thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên, phòng hộ và sản xuất thuộc các xã khu vực 2, khu vực 3 của 2 năm 2021-2022.
Còn tại tỉnh Điện Biên, thống kê của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, hiện toàn tỉnh còn 725 chủ rừng đủ điều kiện chi trả nhưng chưa mở tài khoản và 900 chủ rừng chưa đủ điều kiện chi trả. Tổng số tiền đang còn “treo” tại quỹ chưa thể chi trả cho chủ rừng là trên 15,6 tỷ đồng.
Tại tỉnh Nghệ An, sự chênh lệch trong mức chi trả dịch vụ tại các địa phương trong tỉnh cũng chưa tạo sự đồng thuận của người dân. Cụ thể, theo đơn giá tạm tính mà Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đưa ra, lưu vực các thủy điện: Bản Cốc, Bản Vẽ, Hủa Na, Cửa Đạt, Nậm Mô, Nậm Cắn được chi trả hơn 200.000 đồng/ha/năm. Còn ở các lưu vực thủy điện: Bản Cánh, Nậm Nơn, Khe Bố, Sao Va, Nậm Pông lại chỉ có giá dưới 100.000 đồng/ha/năm; ở lưu vực thủy điện Nậm Nơn chỉ có 46.000 đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, định mức chi trả khoán bảo vệ rừng cũng rất khác nhau, chỗ cao, chỗ thấp nên các hộ nhận khoán có sự so sánh về quyền lợi.
Phân bổ nguồn thu từ khai thác sử dụng nước ở các địa phương hạ nguồn để bảo vệ, phát triển rừng và vùng sinh thủy.
Nêu quan điểm trước nghị trường Quốc hội khi sửa đổi Luật Tài nguyên nước, đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, cần quy định cụ thể về nguyên tắc chi trả dịch vụ môi trường rừng, nghiên cứu bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy. Đại biểu cho biết, sau 12 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nguồn thu ngân sách từ 283 tỷ vào năm 2011 nay đã tăng lên 3700 tỷ vào năm 2022 (gấp 13 lần) gấp khoảng 4 lần nguồn chi hàng năm từ ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ rừng tự nhiên (khoảng 900 tỷ).
Tiền dịch vụ môi trường rừng chủ yếu từ thủy điện, chiếm 97%; từ nước sạch, chiếm 2,97%; từ dịch vụ du lịch chiếm 0,43%; Diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng không ngừng tăng lên (năm 2011 là 1,2 triệu ha và tiếp tục tăng lên trên 7,3 triệu ha vào năm 2022). Có thể thấy, đã đến lúc cần có cái nhìn tổng thể giữa các ngành trên toàn lưu vực, trên toàn quốc để điều phối phân bổ nguồn vốn từ dịch vụ chi trả môi trường rừng sao cho phù hợp với yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước, đạt mục tiêu bảo vệ hiệu quả số lượng và chất lượng nguồn nước.
Đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang
Đại biểu cũng kiến nghị nghiên cứu bổ sung quy định các chính sách liên quan đến phân bổ nguồn thu từ khai thác sử dụng nước ở các địa phương hạ nguồn để chi trả cho các địa phương thượng nguồn trong bảo vệ, phát triển rừng, vùng sinh thủy; giao trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi mức chi trả bảo vệ phát triển rừng nhằm khuyến khích người dân ở các địa phương thượng nguồn tham gia bảo vệ rừng (Điều 67).
Đại biểu cho biết thêm, hiện nay nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng được Quỹ bảo vệ phát triển môi trường rừng (trung ương và địa phương) chi trả cho khoảng 4.600 chủ rừng đang quản lý khoảng 7,3 triệu ha rừng (chiếm 49,6% tổng diện tích rừng toàn quốc). Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện dựa trên diện tích rừng, mà chưa xem xét đến mức độ suy thoái của rừng (khu vực Bắc Trung Bộ, Đông Bắc Bộ có mức độ suy thoái rừng lớn hơn nhưng được phân bổ nguồn kinh phí từ dịch vụ chi trả môi trường rừng ít hơn khu vực Tây Bắc Bộ và Tây Nguyên, do vậy cần có chính sách để giải quyết vấn đề trên.
Bên cạnh đó, cần có các quy định khuyến khích các địa phương có cơ chế chuyển đổi quy hoạch rừng sản xuất sang quy hoạch rừng phòng hộ ở những khu vực có nguồn nước để bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước. Đại biểu cho rằng, lâu nay chúng ta chỉ luôn tư duy một chiều về việc làm thế nào để chuyển từ rừng tự nhiên sang rừng sản xuất hoặc các mục đích sử dụng khác. Tuy nhiên việc khai thác quá mức làm mất cân bằng tự nhiên có thể đem tới những hệ lụy không lường. Do vậy đã đến lúc cần xem xét việc trả lại rừng về trạng thái tự nhiên; đồng thời kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thuỷ điện, thủy lợi, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch…
“Ngoài việc duy trì tối đa hóa nguồn thu hiện có từ chi trả môi trường rừng theo tôi còn cần có chiến lược để đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn vốn phục vụ công tác bảo vệ, phát triển nguồn sinh thủy. Tôi đề xuất thay bằng việc chi trả dịch vụ môi trường rừng theo diện tích rừng thì có thể nghiên cứu sử dụng khoảng 15-20% từ quỹ chi trả môi trường rừng để điều phối lại việc phát triển, bảo vệ nguồn sinh thủy trên toàn quốc; đưa nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng thành nguồn tài chính ổn định cho việc bảo vệ và phát triển tài nguyên nước sẽ làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước”, đại biểu Lý Thị Lan đề nghị.