Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 của Việt Nam đạt kỷ lục gần 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, 7 tháng năm 2023, tổng sản lượng đạt 5.093,6 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ.
Cũng theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng ô nhiễm môi trường biển, ven biển đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng; các hoạt động kinh tế ở vùng ven biển diễn biến ngày càng phức tạp... Tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn diễn ra phổ biến, thường xuyên, như: còn hiện tượng sử dụng các nghề, ngư cụ có tính tận diệt nguồn lợi thuỷ sản như chất nổ, xung điện, lưới kéo, lưới kéo đôi (giã cào bay); đánh bắt cá con; đánh bắt trái phép ở vùng biển ven bờ, trong và xung quanh các khu bảo tồn biển, thủy vực nội đồng vẫn tiếp diễn ngày càng tinh vi; tình trạng đánh bắt, thu mua, vận chuyển, tiêu thụ các loài thuỷ sản nguy cấp, quý, hiếm vẫn còn diễn ra.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thực hiện 3 trụ cột trong kinh tế biển: Khai thác, nuôi biển và bảo tồn.
Công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản đã được quan tâm triển khai nhưng còn một số khu vực chưa có thông tin, dữ liệu về nguồn lợi thủy sản do chưa thực hiện điều tra như: vùng biển sâu, vùng gò nổi, rạn ngầm,... đẫn đến chưa có đầy đủ thông tin về trữ lượng nguồn lợi thủy sản.
Đối với công tác quản lý các khu bảo tồn biển, hiện việc thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn biển còn chậm (Hòn Mê - Thanh Hóa, Nam Yết - Khánh Hòa, Phú Quý - Bình Thuận); Tổ chức bộ máy quản lý khu bảo tồn biển ở các tỉnh chưa thống nhất, đồng bộ; Có khu bảo tồn biển đã được phê duyệt quy hoạch nhưng không thành lập được do Nghị quyết 18, 19 của Trung ương về tinh giảm biên chế và bộ máy (Cô Tô Đảo Trần - Quảng Ninh); Các địa phương chưa bố trí đủ kinh phí, biên chế thực hiện.
Hơn nữa, hiện nay đang thiếu các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân trong khi công tác tổ chức hỗ trợ cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản chưa đồng bộ, chủ yếu tập trung ở vùng biển ven bờ.
Trước nguy cơ ô nhiễm môi trường biển, ven biển, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản... trong Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả trong tổ chức điều tra, xác định, ban hành danh mục khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phạm vi cả nước.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, 3 trụ cột trong kinh tế biển đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai là: Khai thác, nuôi biển và bảo tồn. Kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2010 – 2020 cho thấy hiện đã vượt quá giới hạn cho phép khai thác, nguồn lợi thủy sản đã và đang suy giảm, đặc biệt là nhóm hải sản tầng đáy. Nguồn lợi thủy sản nội đồng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dinh dưỡng, sinh kế cho người dân cũng đang bị suy giảm, một số loài có nguy cơ cạn kiệt.
Về công tác quản lý bảo tồn biển, thực hiện Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2020 đã thành lập được 11/17 khu Bảo tồn biển. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, khu bảo tồn biển chiếm 6% diện tích mặt biển, nhưng đến thời điểm này mới chỉ đạt 0,17%. Bộ trưởng khẳng định, nếu làm tốt công tác quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như phát triển các khu bảo tồn biển không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn giảm thiểu vấn đề khai thác kiểu tận diệt bằng ngư cụ hoặc thuốc nổ như trong thời gian vừa qua.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận, cấu trúc ngành thủy sản đang rất manh mún, với 1 triệu ngư dân trên biển và gần 2 triệu người hoạt động hậu cần trên bờ liên quan tới thương mại, dịch vụ, chế biến. Vì vậy, thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu có giải pháp thực hiện tốt hơn đề án quy hoạch khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như phát triển khu bảo tồn.
Về các giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ quản lý tốt hạn ngạch khai thác hải sản, giảm dần số lượng tàu cá khai thác và đẩy mạnh công tác chuyển đổi từ nghề khai thác xâm hại nguồn lợi thủy sản và môi trường sang làm các nghề khác cho ngư dân.
Chỉ đạo các địa phương hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác trên biển theo chuỗi để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác.
Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản khai thác, nâng cao giá trị sản phẩm. Tăng cường công tác quản lý khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.
Tổ chức lại bộ máy quản lý cảng cá, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện một số nhiệm vụ về quản lý khai thác thủy sản cho ban quản lý cảng cá phù hợp, đảm bảo đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Luật Thủy sản năm 2017 và yêu cầu cấp bách hiện nay theo khuyến nghị của EC.
Xây dựng và triển khai các chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất và định hướng phát triển ngành trong thời gian tới, đảm bảo chính sách được thực thi hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản nói chung, nghề khai thác thủy sản nói riêng.
Kết luận nội dung chất vấn về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện các chương trình điều tra đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của thủy sản định kỳ 5 năm. Điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền đối với một số ngành nghề ở vùng biển phù hợp khả năng cho phép của nguồn lợi thủy sản. Tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021-2030 sau khi được phê duyệt, Chương trình Quốc gia bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản 2023-2030, rà soát, điều chỉnh thành lập mới các khu bảo tồn biển cấp quốc gia, cấp tỉnh nhằm đạt mục tiêu tối thiểu 6% diện tích vùng biển cần bảo tồn.
Xây dựng chính sách chuyển đổi nghề, chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân sang các nghề khác, hỗ trợ ngư dân trong thời gian tạm ngừng khai thác thủy sản, phát triển đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ các khu bảo tồn biển phát triển bền vững, quản lý tốt hạn ngạch khai thác hải sản, đẩy mạnh chuyển đổi từ nghề khai thác xâm hại nguồn lợi thủy sản và môi trường sang làm các nghề khác phù hợp hơn cho ngư dân.
Phục hồi, tái tạo nguồn lợi cần tập trung các loại nguy cấp, quý hiếm, các loại bản địa đặc hữu, xây dựng các dự án phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, cờ biển tạo nơi cư trú nhân tạo. Kiện toàn lực lượng kiểm ngư, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật trong khai thác bất hợp pháp, tiến đến chấm dứt tình trạng này.
Phối hợp với các nước thúc đẩy các chuỗi giá trị trong lĩnh vực kinh tế biển, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Tiến hành truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, kiểm soát nguyên liệu thủy sản, khai thác nhập khẩu, đặc biệt nhập khẩu bằng container…