NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN KẾT LUẬN TẠI PHIÊN GIẢI TRÌNH CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI

07/09/2023

Trong những năm qua, việc thực hiện các Kết luận tại các Phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội đã góp phần quan trọng giúp ngành Tài nguyên và Môi trường nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của ngành. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực thực hiện Kết luận tại các Phiên giải trình hơn nữa.

"GIẢI TRÌNH" – PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN QUYỀN LỰC CỦA NHÂN DÂN TRONG “KIỂM SOÁT” HOẠT ĐỘNG BỘ MÁY NHÀ NƯỚC 

TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH TẠI HỘI ĐỒNG DÂN TỘC VÀ CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI 

Các đại biểu tại Phiên giải trình về “ Việc thực hiện yêu cầu của Luật Cư trú về hạn chế xuất trình giầy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục đất đai về hành chính, trọng tâm trong lĩnh vực hộ tịch, đất đai” của Ủy ban Pháp luật 

Kết luận tại Phiên giải trình thúc đẩy các cơ quan thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ

Từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 được ban hành, hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội ngày càng được quan tâm triển khai thực hiện, có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc tổ chức thực thi Hiến pháp, pháp luật và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Các phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội đã góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề “nóng”, mang tính thời sự , tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các Bộ, ngành trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; giải tỏa bức xúc trong xã hội, đáp ứng kịp thời nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

Việc thực hiện các kết luận vấn đề giải trình cũng đã thúc đẩy cơ quan, cá nhân nâng cao trách nhiệm, thực hiện hiệu quả hơn các nhiệm vụ trong lĩnh vực liên quan; thay đổi chính sách, các quy định pháp luật; làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước trở nên minh bạch hơn, các chủ thể liên quan có cơ hội tham gia vào quá trình xây dựng ban hành chính sách.

Phiên giải trình về “ Việc thực hiện yêu cầu của Luật Cư trú về hạn chế xuất trình giầy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục đất đai về hành chính, trọng tâm trong lĩnh vực hộ tịch, đất đai” của Ủy ban Pháp luật 

Đối với ngành Tài nguyên và Môi trường, trong những năm qua, việc thực hiện các kết luận vấn đề giải trình tại các phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội luôn được quán triệt, tổ chức thực hiện thường xuyên, góp phần  quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực thi pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu theo hướng: bảo vệ, tái tạo và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên quốc gia; Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát, ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái, úng phó biến đổi khí hậu. Qua đó, làm rõ vấn đề/nội dung giải trình, đồng thời với chủ động đề xuất những giải pháp khả thi, sát với thực tế, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của ngành.

Kết quả thực hiện các kết luận vấn đề giải trình góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề “nóng”, nổi cộm trong những năm qua như phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý các sự cố môi trường, quản lý chất thải rắn, quản lý hiệu quả các dạng tài nguyên cơ bản của đất nước: đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên biển, hải đảo… đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân; đồng thời cũng là cơ sở để góp phần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, giúp giảm tải áp lực đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Kết luận tại các Phiên giải trình trong thời gian tới

Để tiếp tục nâng cao năng lực thực hiện Kết luận tại các Phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Tài nguyên và Môi trường đề xuất tám giải pháp. Cụ thể:

Thứ nhất, các lãnh đạo bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương, cần chủ động chỉ đạo tổ chức việc thực hiện các kết luận vấn đề được giải trình thuộc lĩnh vực phụ trách và nêu cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ cũng như chất lượng thực hiện kết luận vấn đề giải trình.

Thứ hai, tăng cường rà soát, đánh giá, tổng kết việc tổ chức thi hành pháp luật, nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hiện kết luận giải trình; kịp thời nắm bắt các vấn đề mới phát sinh cần điều chỉnh để phối hợp hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân tại Phiên giải trình về “ Việc thực hiện yêu cầu của Luật Cư trú về hạn chế xuất trình giầy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục đất đai về hành chính, trọng tâm trong lĩnh vực hộ tịch, đất đai” của Ủy ban Pháp luật 

Thứ ba, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm đúng tiến độ công tác thực hiện kết luận vấn đề giải trình đã được nêu ra, đặc biệt là các vấn đề có tính thời sự, được nhiều đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng Dân tộc, thành viên Ủy ban của Quốc hội, dư luận, cử tri và nhân dân quan tâm.

Thứ tư, thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm, tham vấn ý kiến, nhất là ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, đối tượng chịu tác động từ vấn đề được giải trình; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội và các cơ quan liên quan khác; chủ động công khai, minh bạch các kết quả thực hiện kết luận vấn đề giải trình (trừ trường hợp có thông tin thuộc bí mật nhà nước), tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội.

Thứ năm, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện kết luận giải trình; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ hằng tháng có báo cáo gửi Chính phủ tại phiên họp thường kỳ về tiến độ, chất lượng thực hiện kết luận vấn đề giải trình; thống kê việc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, hoặc chậm thực hiện và đề xuất biện pháp xử lý.

Thứ sáu, trong công tác thực hiện kết luận vấn đề giải trình, đề cao tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu các bộ và chính quyền địa phương, gắn kết hoạt động kiểm tra, rà soát, pháp điển văn bản quy phạm pháp luật với xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật. Thực hiện tốt nhiệm vụ rà soát hệ thống pháp luật, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thứ bảy, tăng cường phối hợp giữa các Bộ ngành, chính quyền địa phương để bảo đảm nguồn lực cho công tác thực hiện kết luận vấn đề giải trình. Ưu tiên, tập trung thời gian, kinh phí cho công tác khắc phục những hạn chế, bất cập của vấn đề giải trình; chú trọng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng các yêu cầu kết luận giải trình đặt ra.

Thứ tám, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phối hợp, sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy; trao đổi thông tin qua môi trường mạng giữa Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và cơ quan thực hiện kết luận vấn đề giải trình để giảm thiểu các chi phí, thủ tục không cần thiết, giảm thời gian lưu chuyển hồ sơ, giấy tờ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng, tích hợp và chia sẻ cơ sở dữ liệu pháp luật giữa các cơ quan, nhằm tạo thuận lợi trong việc tra cứu, sử dụng thông tin hiệu quả.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định sẽ tiếp tục nâng cao năng lực thực hiện Kết luận tại các Phiên giải trình hơn nữa, phối hợp cùng Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trả lời, giải trình, giải quyết thấu đáo những vấn đề nóng, phức tạp trong quản lý nhà nước, hoạch định chính sách, làm tăng lòng tin của dư luận, cử tri vào quy trình làm việc công khai, minh bạch của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội./.

Thu Phương

Các bài viết khác