ĐOÀN ĐBQH TỈNH KON TUM GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TẠI SỞ Y TẾ

28/02/2024

Sáng 28/2, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum do Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 tại Sở Y tế.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH KON TUM GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TẠI SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TL

Theo báo cáo của Sở Y tế, tỉnh đến hết năm 2023, Sở Y tế có 18 đơn vị sự nghiệp y tế trực thuộc Sở. Trong đó có 4 bệnh viện tuyến tỉnh, gồm:  Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi, Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần; có 4 trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh, gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Giám định y khoa, Trung tâm Pháp y, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm và 10 Trung tâm Y tế huyện, thành phố. Giai đoạn 2017 - 2020 đã giảm được 7 đơn vị cấp tỉnh, 29 đơn vị cấp huyện và 3 đơn vị cấp xã; giai đoạn 2021-2022 giảm 21 phòng và 12 khoa. Số biên chế sự nghiệp 1.784 người, giảm 940 người so với năm 2015.

Hiện tại, ngành Y tế đã thực hiện xong việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới quy định về chức năng, nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị. Qua rà soát cho thấy ngành Y tế tỉnh hiện không có đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi thành công ty cổ phần và loại hình doanh nghiệp khác.

Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; việc tinh giản biên chế đảm bảo đúng nguyên tắc; việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dựa trên sự lựa chọn những người có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt giữ lại làm việc lâu dài, ổn định đã tạo được sự thống nhất trong đội ngũ công chức, viên chức về thực hiện tinh giản biên chế, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị.

Phó giám đốc Sở Y tế Đỗ Ngọc Hòa báo cáo giải trình. Ảnh: TL

Tuy vậy, số đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên còn ít; nguồn nhân lực trình độ chuyên môn sâu còn ít, trong khi đó đã có một số lượng lớn cán bộ y tế có trình độ chuyên môn tốt bỏ việc, nghỉ việc cho dù nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong tỉnh ngày càng tăng.

Nguyên nhân chính là do điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nên khả năng thực hiện xã hội hóa một số dịch vụ còn hạn chế; nguồn thu từ phí, thu từ các hoạt động cung cấp dịch vụ của một số đơn vị sự nghiệp công lập không ổn định, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng mức độ tự chủ để tiến tới tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên; chính sách hỗ trợ đào tạo và thu hút nhân lực trình độ sau đại học chưa phù hợp.

Mặt khác, một số bộ, ngành có liên quan chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực Y tế và Dân số quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 36 Nghị định số 60/2021/NĐCP của Chính phủ nên Sở Y tế chưa có cơ sở triển khai thực hiện việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở thực hiện.

Qua giám sát trực tiếp và nghe ý kiến kiến nghị, giải trình của lãnh đạo, các phòng thuộc Sở Y tế, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở về chế độ, chính sách hỗ trợ đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ bác sỹ; những khó khăn về nguồn nhân lực của Trung tâm Y tế huyện Ia H’Drai và tuyển dụng bác sỹ công tác tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh; về việc đấu thầu cơ sở vật chất để phục vụ người bệnh; về xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật..., Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh thông tin về chính sách BHYT cho người dân ở các thôn đặc biệt khó khăn, về chế độ cho y tế cơ sở, y tế thôn (bản); về áp dụng cơ chế cử tuyển cho miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn... đã được Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị và cấp có thẩm quyền đã trả lời. Qua đó, đồng chí Phạm Đình Thanh ghi nhận những nỗ lực và khó khăn của ngành Y tế tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương này.

(Theo Báo điện tử Kon Tum)