Đổi mới, nâng cao hiệu quả bộ máy giúp việc cho Quốc hội

04/05/2012

Nằm trong khuôn khổ dự án Tăng cường năng lực cho các cơ quan đại diện ở Việt Nam, sáng 3/5, tại Vĩnh Phúc, Văn phòng Quốc hội và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp tổ chức hội thảo “Tổ chức và hoạt động của bộ máy giúp việc Quốc hội Việt Nam”.

Trải qua 65 năm hình thành và phát triển, Văn phòng Quốc hội đã có những đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển và đổi mới của Quốc hội. Các ý kiến tham mưu của Văn phòng Quốc hội đã hỗ trợ cho đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cơ cấu tổ chức, hoạt động của bộ máy giúp việc của Quốc hội nói chung và Văn phòng Quốc hội nói riêng bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp. Hệ thống cơ quan giúp việc Quốc hội chưa có sự thống nhất, phân công rõ ràng dẫn đến tổ chức hoạt động còn chồng chéo, chưa phát huy hiệu quả. Tính ổn định của bộ máy nhân sự còn hạn chế.

Giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang hội nhập ngày một sâu rộng vào kinh tế và chính trị thế giới. Trong nước, công cuộc đổi mới đang triển khai toàn diện, mạnh mẽ, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Bối cảnh đó đặt ra cho Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, Quốc hội đang đứng trước những yêu cầu nhiệm vụ to lớn, đòi hỏi phải không ngừng đổi mới, cải tiến phương thức hoạt động, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các mặt công tác, đáp ứng sự trông đợi của cử tri và nhân dân cả nước.

Để không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và xây dựng Đề án tổ chức và hoàn thiện bộ máy giúp việc của Quốc hội. Trong đó, tập trung đổi mới, cải tiến 6 lĩnh vực hoạt động: Hoạt động lập pháp; Hoạt động giám sát; Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; Tổ chức kỳ họp Quốc hội; Tổ chức phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hoạt động tiếp xúc cử tri và các hoạt động bảo đảm khác.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ: “Việc tổ chức hội thảo “Tổ chức và hoạt động của bộ máy giúp việc Quốc hội Việt Nam” là một việc làm rất có ý nghĩa, để cung cấp thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn phục vụ việc nghiên cứu đổi mới cơ quan giúp việc của Quốc hội, là cơ hội để các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các cán bộ làm công tác thực tiễn thảo luận, trao đổi về những triết lý, những nguyên tắc cơ bản trong việc tổ chức bộ máy giúp việc Quốc hội; đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của Văn phòng Quốc hội Việt Nam thời gian qua và kiến nghị những giải pháp đổi mới, cải tiến trong thời gian tới”.

Tại hội nghị các đại biểu đã thảo luận những vấn đề: Tổng quan về những vấn đề đang đặt ra đối với Văn phòng Quốc hội tronh bối cảnh mới; Nghiên cứu so sánh về mô hình tổ chức cơ quan giúp việc ở Nghị viện một số nước trên thế giới và một số gợi ý cho Việt Nam; Đại biểu Quốc hội mong muốn gì từ cơ quan giúp việc của mình; Những suy nghĩ về cách tổ chức giúp việc của Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội; Nhu cầu cần được hỗ trợ của đại biểu Quốc hội như thực hiện chức năng, nhiệm vụ luật định; Kiến nghị về việc nhất thể hóa Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội với bộ máy giúp việc của Quốc hội; Trao đổi về việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội ở địa phương.

Theo các đại biểu, tổ chức bộ máy giúp việc của Quốc hội cần căn cứ vào nhu cầu của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, được tổ chức theo các mảng công việc và hoạt động theo nguyên tắc trung lập, khách quan. Văn phòng Quốc hội chủ yếu thực hiện chức năng tham mưu những vấn đề về khoa học và kỹ thuật của chính sách. Cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ xu hướng phát triển các vụ chuyên môn giúp việc Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội thành Văn phòng các Uỷ ban, khắc phục tình trạng chồng chéo, đồng thời thành lập Văn phòng Chủ tịch Quốc hội, vì đây là hình ảnh của Quốc hội, biểu tượng của Quốc hội; nghiên cứu để tách việc phụ trách về chuyên môn và phụ trách về kỹ thuật./.

 

Lê Vũ/VOV online

(http://vov.vn/)