Tiếp tục nâng cao năng lực của bộ máy giúp việc của Quốc hội Việt Nam ngày càng đáp ứng được yêu cầu của một Quốc hội trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế

29/03/2015

Sáng 29/3, trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hội nghị Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện (ASGP) đã tiến hành phiên họp đầu tiên. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Hội nghị, có bài phát biểu chào mừng và giới thiệu tổng quan về Quốc hội Việt Nam. Cổng thông tin điện tử Quốc hội xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu như sau:

Ảnh: TTXVN

Kính thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa các bạn đồng nghiệp.

Hôm nay, tôi rất vinh dự được thay mặt cho Văn phòng Quốc hội Việt Nam được chào đón các quý vị tại Hà Nội trong khuôn khổ Hội nghị mùa xuân của Hiệp hội các Tổng thư ký Nghị viện 2015. Việc đăng cai tổ chức Hội nghị này đánh dấu bước tiến quan trọng của Quốc hội Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Thay mặt cho nước chủ nhà, sau đây tôi xin giới thiệu tới các quý vị về Quốc hội Việt Nam và những đổi mới của Quốc hội trong thời gian gần đây.

Về lịch sử hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam được hình thành và phát triển cùng với quá trình đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Cách đây 70 năm, trong cao trào đấu tranh giành độc lập, vào tháng 8 năm 1945, “Quốc dân Đại hội Tân Trào” đã được triệu tập. Đại hội đã thay mặt toàn dân tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa, cử ra Chính phủ lâm thời lãnh đạo toàn dân giành chính quyền và xây dựng chế độ mới. Với ý nghĩa đó, Quốc dân Đại hội Tân Trào được xem là tiền thân của Quốc hội ngày nay.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, vào ngày 6 tháng 1 năm 1946, cuộc Tổng tuyền cử lần đầu tiên trên cả nước đã được tiến hành, mở ra thời kì mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Từ đó cho đến nay, với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân, Quốc hội đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của dân tộc. Đặc biệt, trong năm 2013, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp mới, là bản Hiến pháp đánh dấu thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới của đất nước, tạo ra nền tảng pháp lý vững chắc cho sự vận hành toàn bộ đời sống xã hội và tạo ra động lực mạnh mẽ để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Về chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội được Hiến pháp quy định có chức năng thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước. Theo Hiến pháp năm 2013, các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội ngày càng được xác định cụ thể hơn, thực chất hơn, bảo đảm cơ chế quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Một trong những đặc thù trong hoạt động lập pháp của Quốc hội Việt Nam là các hoạt động lập pháp được thực hiện dựa trên Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của cả nhiệm kỳ và hàng năm. Theo đó, dựa trên đề nghị của các chủ thể có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Chỉ những dự án luật, pháp lệnh được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh mới được thảo luận tại các phiên họp của Quốc hội. Hàng năm, Quốc hội xem xét, thông qua trung bình khoảng 20 dự án luật.

Trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội có thẩm quyền quyết định các vấn đề liên quan đến ngân sách quốc gia, các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu, dự án quan trọng quốc gia và các vấn đề quan trọng khác.

Trong hoạt động giám sát, Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội và giám sát hoạt động của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập. Trong đó, một trong những công cụ giám sát được Quốc hội thực hiện trong thời gian gần đây là tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Đây là việc Quốc hội đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá nhân sự. Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

Về các thành viên của Quốc hội, Quốc hội Việt Nam được tổ chức theo mô hình một viện với tổng số đại biểu không quá 500 người được bầu ra theo nhiệm kỳ 5 năm. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII vào năm 2011, đã có 500 đại biểu được bầu ra từ khoảng 180 đơn vị bầu cử trên cả nước. Trung bình mỗi đơn vị bầu cử có gần 5 ứng cử viên và được bầu 3 đại biểu Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội bao gồm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách. Đại biểu Quốc hội chuyên trách dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu. Đại biểu Quốc hội không chuyên trách phải dành ít nhất một phần ba thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu. Hiện tại, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, số lượng đại biểu chuyên trách là 153 người, chiếm tỷ lệ 30,8%.

Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội xem đại biểu Quốc hội là trung tâm trong mọi hoạt động của Quốc hội. Bổn phận cao cả của đại biểu Quốc hội là đại diện và bảo vệ lợi ích của cử tri, liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri. Mỗi năm, các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ít nhất là bốn lần vào trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội.

Về cơ cấu tổ chức, Quốc hội thành lập Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội để thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc nhiệm vụ của cơ quan lập pháp trong thời gian Quốc hội không họp và chủ trì các kỳ họp Quốc hội. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn có thẩm quyền ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao và giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các ủy viên do Quốc hội bầu ra trong số các thành viên của mình. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 18 thành viên.

Về hệ thống Ủy ban của Quốc hội, hiện tại Quốc hội Việt Nam có Hội đồng Dân tộc và 9 Ủy ban thường trực, phụ trách các lĩnh vực chính sách khác nhau. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có chức năng, thẩm tra dự án luật, dự án khác được Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao; thực hiện quyền giám sát trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do luật định; kiến nghị những vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của Ủy ban. Khi cần thiết, Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặt điều tra về một vấn đề nhất định.

Về kỳ họp Quốc hội, theo thường lệ, Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ, kỳ họp đầu năm vào tháng Năm và kỳ họp cuối năm vào tháng Mười. Thông thường, mỗi kỳ họp kéo dài khoảng một tháng. Các phiên họp của Quốc hội được tổ chức công khai, người dân có thể được vào dự thính tại các phiên họp công khai của Quốc hội. Các phiên họp của Quốc hội thảo luận về những nội dung được nhiều cử tri quan tâm sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Về bộ máy giúp việc, theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, tham mưu tổng hợp, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm là người đứng đầu Văn phòng Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động của Văn phòng Quốc hội. Giúp việc cho Tổng thư ký có Ban thư ký Quốc hội. Hiện tại, Văn phòng Quốc hội có khoảng 1000 nhân viên với 28 vụ, đơn vị được chia thành 3 khối, gồm khối phục vụ Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, khối phục vụ chung và khối các đơn vị sự nghiệp.

Thưa Ngài Chủ tịch, thưa các bạn đồng nghiệp,

Việc thông qua Hiến pháp 2013 hứa hẹn sẽ đẩy mạnh toàn diện công cuộc Đổi mới của đất nước trong thời gian tới. Trong quá trình đó, Quốc hội Việt Nam đang nỗ lực đổi mới, cải tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với các cử tri. Để thực hiện mục tiêu này, việc nâng cao năng lực hoạt động của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và bộ máy giúp việc của Quốc hội là hết sức quan trọng. Đặc biệt, các quy định của Luật Tổ chức Quốc hội vừa mới được Quốc hội thông qua và dự kiến có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2016 đang đặt ra những yêu cầu to lớn trong việc tổ chức lại bộ máy giúp việc của Quốc hội trong đó có vai trò của Tổng thư ký, Ban thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Chính vì vậy, trong khuôn khổ Hội nghị ASGP này, chúng tôi rất mong muốn nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm từ các bạn đồng nghiệp để có thể tiếp tục nâng cao năng lực của bộ máy giúp việc của Quốc hội Việt Nam ngày càng đáp ứng được yêu cầu của một Quốc hội trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế.

Cuối cùng, một lần nữa cho phép tôi cảm ơn tất cả các quý vị và chúc các quý vị có khoảng thời gian đáng nhớ ở Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn!