Biến động giá dầu 2014 - 2015: Những khó khăn, thuận lợi và giải pháp cho Việt Nam

25/04/2015

Sáng 25/4, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện tổ chức Diễn đàn chính sách về Biến động giá dầu 2014-2015: Những khó khăn, thuận lợi và giải pháp cho Việt Nam. Tới tham dự diễn đàn có: đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia quản lý nhà nước, các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu kinh tế trong và ngoài nước.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng phát biểu khai mạc diễn đàn                                  Ảnh: Đình Nam

Diễn đàn được tổ chức nhằm cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế về việc xử lý tác động về kinh tế và xã hội do ảnh hưởng của biến động giá dầu. Diễn đàn cũng là dịp để đại diện các bộ, ngành hữu quan, cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học và các cơ quan tổ chức có liên quan khác cung cấp thông tin đa chiều cho các đại biểu Quốc hội và thành viên Ủy ban của Quốc hội nhằm phục vụ quá trình thảo luận và quyết định các vấn đề kinh tế vĩ mô tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới của Quốc hội.

Theo báo cáo tổng hợp các ý kiến chuyên gia về tác động của biến động giá dầu 2014-2015 đối với kinh tế Việt Nam do Giám đốc Thư viện Quốc hội Hoàng Minh Hiếu trình bày cho biết: sau 4 năm giữ ổn định giá trong khoảng 105USD/thùng, từ tháng 6/2014 đến tháng 12/2014, giá dầu thô thế giới chứng kiến sự suy giảm tới 43% từ 115,19USD/thùng xuống 65,64 USD/thùng. Đến đầu năm 2015, giá dầu lại tiếp tục biến động mạnh. Trong 3 phiên giao dịch đầu tháng 2/2015, giá dầu thế giới bất ngờ tăng trở lại tới gần 20%, vượt mốc 50 USD/thùng và thậm chí, tiến sát mốc 60 USD/thùng. Năm 2014, giá xăng dầu trong nước đã thay đổi tổng cộng 17 lần (trong đó tăng 5 lần và giảm 12 lần), đánh dấu mức thay đổi kỷ lục của mặt hàng này trong một năm. Giá xăng có xu hương biến động phức tạp hơn vào những tháng đầu 2015.

Lợi trước mắt, hại lâu dài

Thảo luận tại diễn đàn, các đại biểu đánh giá sự suy giảm mạnh của giá dầu trong giai đoạn 2014 -2015 sẽ có cả tác động tích cực và tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia tại diễn đàn, trong bối cảnh hiện nay, giá dầu giảm có lợi nhiều hơn hại cho nền kinh tế nước ta. Các đại biểu nhận định, Việt Nam là nước có tỷ lệ nhập khẩu dầu nhiều hơn xuất khẩu. Do vậy, việc sụt giảm giá dầu có tác động tích cực tức thời cho nền kinh tế nước ta. Kể từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành quốc gia tiêu thụ xăng dầu có tốc độ tăng nhanh nhất trong khu vực. Theo ước tính, nếu giá xăng dầu giảm 10% thì giá sản xuất giảm 0,57%, CPI giảm 0,55%, GDP tăng 0,91%; nếu giá xăng dầu giảm 20% thì giá sản xuất giảm 1,14%, CPI giảm 1,1%, GDP tăng 1,82%. Như vậy, xu hướng giảm giá dầu ngắn hạn sẽ có tác động tích cực tới tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, đầu vào của sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội…

Tuy nhiên, giá dầu giảm có thể gây khó khăn cho Chính phủ trong việc đạt chỉ tiêu thu ngân sách vì ảnh hưởng tới thuế tài nguyên và thuế thu nhập doanh nghiệp, gia tăng áp lực lên nợ công do cân đối thu chi ngân sách gặp khó khăn. Do vậy, có ý kiến cho rằng, giá dầu giảm ngắn hạn sẽ mang lại tác động tốt tức thời; còn về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm nguồn thu ngân sách, gia tăng lạm phát vì các mặt hàng liên quan đến xăng dầu bị đảo ngược, không thể lường trước; giá cả thấp sẽ không khuyến khích đầu tư, tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp tăng… Khi lạm phát thấp kéo dài cộng với thâm hụt ngân sách như thực trạng hiện nay sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế, hoặc lạm phát cao đột ngột trở lại sẽ phá vỡ sự ổn định của các cân đối vĩ mô.

Cần một giải pháp bền vững, lâu dài

Theo nhận định của các đại biểu, xu hướng giá dầu trong thời gian tới có thể tăng cao, giảm mạnh hoặc không thay đổi; biến động giá dầu là bài toán không thế đoán trước được. Do đó, để giải quyết những thách thức, tác động của biến động xăng dầu đến nền kinh tế, chúng ta không nên quá lệ thuộc vào nguồn ngân sách thu được từ xăng dầu, mà phải đa dạng nguồn thu ngân sách dựa trên tăng trưởng kinh tế.

Nhiều ý kiến đề nghị, cần phải đặt việc sụt giảm giá xăng dầu trong bối cảnh tổng thể của nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, việc dự báo xu hướng giá dầu là rất quan trọng. Chúng ta cần chủ động xây dựng mọi kịch bản dự báo giá xăng dầu (khi giá dầu tăng, tăng nhẹ, giảm, giảm nhẹ, giữ nguyên…) để sẵn sàng ứng phó kịp thời với mọi biến đổi có thể xảy ra; hạn chế xuất khẩu, tăng cường dự trữ dầu; quan tâm phát triển các nguồn năng lượng thay thế. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hiệu quả bộ máy điều hành, cải cách thể chế kinh tế để tạo điều kiện môi trường kinh doanh tốt cho kinh tế phục hồi; sớm mở cửa thị trường xăng dầu để tạo sức cạnh tranh, tăng trưởng cho nền kinh tế.

Kết thúc buổi thảo luận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng đánh giá cao các ý kiến đóng góp từ các đại biểu, chuyên gia tham dự; cho rằng những thông tin các đại biểu Quốc hội thu nhận được tại diễn đàn sẽ rất hữu ích để chuẩn bị thảo luận và đưa ra những quyết sách phù hợp cho nền kinh tế nước ta tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

Nguyễn Phương-Hồ Hương