Tọa đàm Kinh nghiệm xây dựng Tòa nhà Thư viện Quốc hội Quốc gia Nhật Bản

14/06/2016

Ngày 14/6, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật bản (JICA) tổ chức Tọa đàm “Kinh nghiệm xây dựng tòa nhà thư viện Quốc hội Quốc gia Nhật Bản”. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản chủ trì tọa đàm.

Tham dự tọa đàm còn có Trưởng Ban cố vấn dự án, Giáo sư trường đại học Waseda Tsuboi Yoshiharu; Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Kakioka Naoki; Cố vấn trưởng của Dự án JICA tăng cường năng lực cho Văn phòng Quốc hội Việt Nam Hanazato Nobuhito; Trưởng phòng hợp tác nghiên cứu, Vụ Kế hoạch nghiên cứu, Cục Điều tra và Khảo sát lập pháp Thư viện Quốc hội Quốc gia Nhật BảnKanematsu Yoshiyuki cùng các cán bộ Thư viện Quốc hội Quốc gia Nhật Bản và lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.

Tiếp nối các thành công và hiệu quả của Dự án JICA và Văn phòng Quốc hội, tọa đàm được tổ chức nhằm học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản trong việc xây dựng Tòa nhà Thư viện Quốc hội qua đó đáp ứng được những nhu cầu phát triển của Thư viện Quốc hội Việt Nam trong thời gian tới.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản phát biểu khai mạc Tọa đàm          Ảnh: Đình Nam

Phát biểu khai mạc tọa đàm, cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Nhật Bản cả về chuyên môn và kỹ thuật trong thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản cho biết trong 3 năm triển khai (từ tháng 1/2014), Dự án JICA đã hỗ trợ Văn phòng Quốc hội nhiều hoạt động, từ việc gửi chuyên gia, đào tạo, tập huấn đến hỗ trợ cơ sở vật chất cho các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội. Đặc biệt, sự đầu tư của JICA đối với Thư viện Quốc hội Việt Nam đã đem lại cho Thư viện Quốc hội Việt Nam nhiều kết quả đáng ghi nhận, thay đổi cả về diện mạo và chất lượng hoạt động. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản nhấn mạnh, việc hỗ trợ của JICA và Thư viện Quốc hội Quốc gia Nhật Bản là vô cùng giá trị, góp phần rút ngắn con đường phát triển của Thư viện Quốc hội Việt Nam.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Kakioka Naoki cho biết trong khuôn khổ Dự án hợp tác nâng cao năng lực cho Văn phòng Quốc hội, JICA đã hỗ trợ Thư viện Quốc hội xây dựng Phòng đọc tại Tòa nhà Quốc hội hiện đại, thân thiện và đáp ứng được nhu cầu của độc giả; mua sắm các trang thiết bị, máy móc cần thiết để duy trì các hoạt động chuyên môn của Thư viện; hỗ trợ xây dựng Trang thông tin điện tử; Thư viện điện tử để giúp Thư viện Quốc hội có các công cụ quản lý tài nguyên dưới dạng bản giấy và bản số một cách khoa học; bắt kịp được xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại của thư viện nhiều nước trên thế giới.

Ngoài ra, để nâng cao năng lực cho cán bộ của Thư viện Quốc hội Việt Nam, JICA đã phối hợp với Thư viện Quốc hội Quốc gia Nhật Bản tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các đoàn nghiên cứu đến Nhật Bản và ngược lại từ Nhật Bản đến Việt Nam để trao đổi các kỹ năng, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ giúp đỡ cho Thư viện Quốc hội Việt Nam trên nhiều lĩnh vực ngay từ khi mới thành lập.

Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Kakioka Naoki bày tỏ mong muốn kết quả trao đổi tại tọa đàm cũng như các chương trình hợp tác trong tương lai giữa hai bên sẽ đóng góp tích cực cho Văn phòng Quốc hội trong việc xây dựng Tòa nhà Thư viện Quốc hội phù hợp với mục đích và xu hướng phát triển, qua đó góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Quốc hội hai nước.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu được nghe các chuyên gia Nhật Bản giới thiệu về Thư viện Quốc hội Quốc gia Nhật Bản, trao đổi, chia sẻ về quá trình xây dựng các công trình Thư viện- từ chủ trương đến hiện thực, kế hoạch và quá trình xây dựng, thi công các công trình, chức năng cụ thể của từng công trình, thư viện thông minh, việc xử lý trang thiết bị và quản lý công trình…

Được thành lập vào năm 1948, là thư viện quốc gia duy nhất ở Nhật Bản, Thư viện Quốc hội Quốc gia Nhật Bản thu thập sách và các tài liệu khác của thư viện với mục đích hỗ trợ các thành viên của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình và cung cấp dịch vụ thư viện nhất định cho các cơ quan hành pháp và tư pháp của quốc gia chính phủ và cho người dân Nhật Bản.

Hệ thống Thư viện Quốc hội Nhật Bản có 3 nhánh gồm thư viện chính ở Tokyo, một nhánh ở Kyoto là Thư viện Kansai và Thư viện Thiếu nhi Quốc tế ở Tokyo. Trong đó, thư viện chính ở Tokyo được xây dựng vào năm 1981 và hoàn thiện năm 1986 với 4 tầng nổi và 8 tầng hầm, tổng diện tích sàn là 72.900m2, diện tích kho sách là 45.900m2. Thư viện Kansai được khánh thành năm 2002 sau 4 năm xây dựng, với 4 tầng nổi và 4 tầng hầm, tổng diện tích sàn là 59.300m2. Hiện nay, thư viện Kansai đang tiến hành mở rộng xây dựng thêm một tòa nhà mới với 7 tầng nổi và 1 tầng hầm, dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Thư viện Thiếu nhi Quốc gia gồm hai tòa nhà là tòa nhà gạch, diện tích sàn 6.640m2 và tòa nhà cánh cung, diện tích sàn 6.090m2. Các tòa nhà của Thư viện Quốc hội Quốc gia Nhật Bản đều được thiết kế chống thấm ở tầng hầm, chống động đất, trang bị hệ thống vận chuyển sách, kho sách tự động hiện đại, công suất lớn.

Giám đốc Thư viện Quốc hội Việt Nam Trịnh Giáng Hương cho biết, trong thời gian tới Thư viện Quốc hội Việt Nam sẽ sẽ nâng cao chất lượng công tác dịch vụ nghiên cứu, hướng tới một thư viện số hiệu quả và mở rộng đối đượng phục vụ không chỉ là các đại biểu Quốc hội và cán bộ, công chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội mà còn phục vụ các nhà nghiên cứu và công chúng muốn tìm hiểu về Quốc hội. Đồng thời, tăng cường vai trò của thư viện Quốc hội trong việc là trung tâm tri thức khoa học lập pháp để hỗ trợ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thực hiện các chức năng nhiệm vụ của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất; đáp ứng một cách đầy đủ, tin cậy, khách quan, kịp thời các yêu cầu cung cấp thông tin, nghiên cứu của các đại biểu Quốc hội để phục vụ hiêu quả việc thảo luận, thông qua các quyết định của Quốc hội. Do đó, việc có thêm không gian cho hoạt động thư viện Quốc hội là hết sức cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển chung của Quốc hội Việt Nam. Vì vậy, những thông tin tư vấn, chia sẻ từ phía Thư viện Quốc hội Quốc gia Nhật Bản sẽ là kinh nghiệm quý giá cho phía Việt Nam hoàn thiện kế hoạch phát triển Thư viện Quốc hội Việt Nam trong thời gian tới.

Liên quan đến ý tưởng xây dựng một Tòa nhà phục vụ cho hoạt động chuyên môn của Thư viện Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản cũng cho biết việc có thêm không gian cho hoạt động của Thư viện Quốc hội Việt Nam là cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển chung của Thư viện Quốc hội nhiều nước. Hơn nữa, việc xây dựng Tòa nhà Thư viện Quốc hội cũng đã được phía các cơ quan chức năng của Việt Nam đề cập đến; theo đó Tòa nhà Thư viện Quốc hội đã được đề cập đến trong quy hoạch chi tiết khu Trung tâm chính trị Ba Đình do Bộ Xây dựng lập. Tuy nhiên, đây là vấn đề còn khá mới mẻ đối với Việt Nam do thiết chế về Thư viện Quốc hội còn mới, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản bày tỏ hi vọng kết quả của buổi Tọa đàm, sẽ là tiền đề để các vụ, đơn vị trong Văn phòng Quốc hội có thêm được những thông tin nhằm hỗ trợ việc đưa ra các yêu cầu thiết kế Tòa nhà Thư viện Quốc hội trong thời gian tới một cách phù hợp.

Bảo Yến