TRUNG TÂM TIN HỌC ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG THI ĐUA KHEN THƯỞNG GẮN VỚI VIỆC ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

22/09/2020

Tại Đại hội Thi đua yêu nước Văn phòng Quốc hội lần thứ IV giai đoạn 2020-2025, lãnh đạo Trung tâm Tin học khẳng định: Trung tâm đẩy mạnh hoạt động thi đua khen thưởng gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Là 1 trong 5 đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của Văn phòng Quốc hội giai đoạn 2015-2020, Trung tâm tin học luôn không ngừng học hỏi, phấn đấu, áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào phục vụ các hoạt động của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Tại Đại hội Thi đua yêu nước Văn phòng Quốc hội lần thứ IV giai đoạn 2020-2025 được tổ chức tại Nhà Quốc hội mới đây, Phó Giám đốc Trung tâm tin học Phạm Lê Hằng khẳng định: Sự phát triển nhanh chóng của CNTT và trí tuệ nhân tạo với những thành tựu kỳ diệu của nó đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới nói chung và ở Việt Nam ta nói riêng.


Phó Giám đốc Trung tâm tin học Phạm Lê Hằng phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước Văn phòng Quốc hội lần thứ IV giai đoạn 2020-2025.

Thời gian qua, việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước nói chung và tại Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội nói riêng đã tạo bước chuyển biến rõ nét, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thực hiện các mục tiêu của cải cách hành chính nhà nước góp phần xây dựng nền hành chính ngày càng hiện đại hơn, phục vụ tốt hơn cho hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, hướng đến đáp ứng các nhu cầu, đòi hỏi chính đáng của cử tri và Nhân dân, cũng như tăng hiệu quả và tạo sự thuận tiện, đặc biệt là tính minh bạch, công khai các hoạt động của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, đáp ứng quyền giám sát của cử tri và người dân.

Việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong những năm gần đây đã được lãnh đạo Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội quan tâm sâu sát. Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cũng rất chú trọng việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động của mình. Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên quan tâm chỉ đạo việc nghiên cứu, ứng dụng CNTT nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Là đơn vị chuyên trách về CNTT có chức năng nghiên cứu, tham mưu, quản lý và tổ chức triển khai ứng dụng CNTT phục vụ các hoạt động của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, nên Trung tâm Tin học hiểu rõ sự cần thiết cũng như hiệu quả của việc ứng dụng CNTT, trí tuệ nhân tạo vào phục vụ các hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, tập thể cán bộ, công chức và người lao động Trung tâm Tin học đã luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thi đua, cố gắng trong mọi nhiệm vụ. Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Trung tâm Tin học cùng các cơ quan hữu quan đã góp phần vào thành công chung của Quốc hội. Nổi bật như từ Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019), cùng với sự hỗ trợ, phối hợp của Công ty Cổ phần tiến bộ quốc tế AIC đã đưa phần mềm ứng dụng cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội trên thiết bị di động và một số phần mềm ứng dụng khác, như: ứng dụng Tương tác nội bộ, Netview vào phục vụ các vị đại biểu Quốc hội. Các phần mềm ứng dụng này cơ bản đều được đại biểu Quốc hội đánh giá cao về tính hữu dụng và thuận tiện, giúp các đại biểu Quốc hội được tiếp cận thông tin, báo cáo phục vụ kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội được nhanh chóng, tiết kiệm rất lớn kinh phí in ấn, vận chuyển tài liệu, tăng khả năng lưu trữ, tra cứu, tìm kiếm tài liệu khi cần.

Được sự ủng hộ của lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Trung tâm cũng đưa phần mềm nhận dạng tiếng nói chuyển thành văn bản vào sử dụng thử nghiệm. Phần mềm này cũng đã hỗ trợ công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội. Việc đưa phần mềm nhận dạng tiếng nói vào sử dụng cũng đã giúp đẩy nhanh tiến độ công việc ghi âm gỡ băng do Trung tâm đảm nhiệm, đặc biệt là giảm một nửa nhân lực trưng tập tại các kỳ họp phục vụ việc gỡ băng các buổi họp Tổ của đại biểu.

Từ đầu năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên thế giới, trong đó có Việt Nam, việc tổ chức các hội nghị, cuộc họp của các cơ quan của Quốc hội với sự tham gia của đông người đã bị hạn chế. Với quyết tâm của lãnh đạo Quốc hội trong việc triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội đã giao Trung tâm Tin học phối hợp với Công ty AIC và các đơn vị hữu quan nghiên cứu thử nghiệm và đã được đưa vào sử dụng hệ thống họp trực tuyến qua mạng internet phục vụ các phiên họp của Thường trực Ủy ban và phiên họp toàn thể của một số Ủy ban của Quốc hội, như: Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Về các vấn đề xã hội...

Đặc biệt lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vừa qua (tháng 5/2020), với sự đóng góp của nhiều cơ quan Bộ ngành, đơn vị, như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Công ty AIC, Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel, Cục Bưu điện trung ương..., Quốc hội đã tổ chức thành công 18 phiên họp trực tuyến cho đợt 1 của kỳ họp, với điểm cầu chính tại Hội trường Diên Hồng và 63 điểm cầu tại các Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Giám đốc Trung tâm tin học Phạm Lê Hằng cho biết: Theo chỉ đạo của lãnh đạo Văn phòng, Trung tâm Tin học đang tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 10 và cũng có 01 đợt họp trực tuyến; nghiên cứu đưa thêm tính năng đăng ký phát biểu, tranh luận, biểu quyết qua thiết bị iPad của đại biểu Quốc hội vào sử dụng tại kỳ họp. Gần đây nhất, từ ngày 08 đến 10/9/2020, tại Hà Nội, Quốc hội Việt Nam với vai trò Chủ tịch AIPA 2020, đã tổ chức thành công Đại hội đồng lần thứ 41 Hội đồng Liên nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á (AIPA 41) dưới hình thức họp trực tuyến, với sự tham dự của  tất cả 10 Nghị viện thành viên AIPA, 9 Nghị viện Quan sát viên, khách mời của nước chủ nhà và Tổng thư ký AIPA 41 ở các điểm cầu. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử AIPA, Đại hội đồng tổ chức họp với hình thức trực tuyến. Trước đó, Trung tâm Tin học cũng đã phối hợp với các cơ quan hữu quan để đảm bảo hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho các cuộc họp trực tuyến qua mạng của Ban tổ chức AIPA, Hội nghị AIPACODD, Hội nghị hợp tác văn hóa, giáo dục...


Đại hội Thi đua yêu nước Văn phòng Quốc hội lần thứ IV giai đoạn 2020-2025.

Để góp phần vào thành công chung, các công chức của Trung tâm Tin học đã hết sức nỗ lực cùng với các cơ quan hữu quan để đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, an toàn an ninh thông tin, để đạt hiệu quả và chất lượng công việc cho các hội nghị, mặc dù vẫn có những lúc không được như mong muốn do hạ tầng kỹ thuật của các nước còn khác nhau. Trung tâm Tin học cũng đang phối hợp với Công ty AIC và các vụ, đơn vị liên quan để xây dựng các phần mềm ứng dụng cho Trung tâm điều hành Quốc hội điện tử. Với các ứng dụng này mong muốn sẽ mang lại các công cụ hữu ích cho lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội trong công tác chỉ đạo, điều hành, theo dõi, nắm bắt được các thông tin về hoạt động lập pháp, giám sát; kết nối với dữ liệu của các cơ quan Bộ, ngành thành hệ thống các bộ chỉ số hoàn chỉnh, từ đó giúp cho lãnh đạo các cấp có cái nhìn tổng quan và đưa ra được các quyết định kịp thời, chính xác đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Công việc này không thể trong một sớm một chiều mà đòi hỏi sự nghiên cứu tỉ mỉ từng khâu, sự nỗ lực của tất cả các cơ quan trong việc xây dựng đồng bộ, kết nối và chia sẻ các cơ sở dữ liệu, thông tin của mình.

Đạt được những kết quả tích cực như trên, Phó Giám đốc Trung tâm tin học Phạm Lê Hằng khẳng định: Ngay từ đầu mỗi năm, thực hiện lời phát động thi đua của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và kế hoạch thi đua của Văn phòng Quốc hội, Trung tâm Tin học đã tham gia ký kết giao ước thi đua với các đơn vị trong Khối thi đua IV, triển khai việc đăng ký thi đua đến từng công chức, người lao động. Các phong trào thi đua do Văn phòng Quốc hội, các tổ chức đoàn thể trong Văn phòng phát động đều được Ban chi ủy Trung tâm quan tâm chỉ đạo, Ban giám đốc, Ban chấp hành Công đoàn Trung tâm tạo điều kiện để triển khai thực hiện, thường xuyên tuyên truyền và vận động công chức, người lao động của Trung tâm thi đua lập thành tích tốt trong công tác phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, góp phần vào thành công chung của Văn phòng Quốc hội.

Lãnh đạo Trung tâm cũng luôn động viên, khuyến khích các công chức, người lao động phát huy tính sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn, chủ động tham mưu cho các cấp lãnh đạo trong công tác quản lý và  vận hành hệ thống CNTT. Chính vì vậy, các công chức, người lao động trong Trung tâm đã mạnh dạn đăng ký nhiều sáng kiến và đã được ứng dụng triển khai thực hiện tại đơn vị, như: Ảo hóa một số máy chủ vật lý để bổ sung các máy chủ ảo thay thế các máy chủ vật lý lỗi, hỏng không đáp ứng được yêu cầu trong hệ thống; Ứng dụng chương trình phần mềm mã nguồn mở Zabbix xây dựng module giám sát hoạt động các máy chủ và thiết bị mạng; Ứng dụng phần mềm mã nguồn mở SNORT xây dựng hệ thống phát hiện và ngăn chặn xâm nhập mạng trái phép. Ngoài ra, nhiều sáng kiến khác cũng đã được đưa vào thực hiện trong quy trình nghiệp vụ hàng ngày của đơn vị, góp phần tăng chất lượng, hiệu quả công việc.

Các công chức của Trung tâm cũng mạnh dạn đăng ký làm chủ nhiệm đề tài khoa học và đã bảo vệ thành công, như: Kiểm soát các dịch vụ của hệ thống CNTT của Văn phòng Quốc hội nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật; Xây dựng hệ thống giám sát mạng tập trung dựa trên mã nguồn mở cho hệ thống mạng máy tính Văn phòng Quốc hội. Bằng những đóng góp sáng kiến thiết thực hoặc sự chủ động tham mưu trong công tác chuyên môn của các cá nhân trong đơn vị đã giúp cho Trung tâm Tin học hoàn thành nhiệm vụ một cách chất lượng và hiệu quả hơn, góp phần vào thành công chung của cơ quan trong việc phục vụ các hoạt động của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Để ghi nhận sự nỗ lực của các cá nhân, hàng năm Trung tâm Tin học đều báo cáo lãnh đạo Văn phòng để khen thưởng cho các tập thể, cá nhân, từ đó làm cơ sở cho việc xem xét nâng lương trước thời hạn, tạo điều kiện để phát triển chuyên môn cho các cá nhân có thành tích đóng góp tích cực.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm tin học Phạm Lê Hằng, có được những thành công trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, đặc biệt là của Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan, đơn vị liên quan cũng như sự cố gắng nỗ lực của tập thể công chức, người lao động Trung tâm Tin học. Để phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thời gian tới, Trung tâm Tin học rất mong lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động, nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, nhằm hiện đại hóa các quy trình nghiệp vụ để tiến tới một Quốc hội điện tử phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập với thế giới./.

Bích Lan