Cuộc thi là điểm nhấn quan trọng trong đợt cao điểm phổ biến, giáo dục pháp luật phục vụ bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
Cuộc thi được Bộ Tư pháp và Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức. Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử ĐBQH và HĐND" là một điểm nhấn quan trọng trong đợt cao điểm phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Mục đích cuộc thi được tổ chức nhằm phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động và Nhân dân trên phạm vi cả nước và công dân Việt Nam ở nước ngoài; qua đó nâng cao hiểu biết, nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2020, góp phần tạo nên thành công của Cuộc bầu cử.
Cuộc thi có tới 801.678 lượt dự thi của 643.688 người tham gia dự thi
Sau 30 ngày phát động, triển khai cuộc thi (từ 0h00 ngày 01/4/2021 đến 24h00 ngày 30/4/2021) trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng và thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia... Tính đến 24h00 ngày 30/4/2021, Cuộc thi đã thu hút được 3.800.000 lượt truy cập vào website của Cuộc thi, phản ánh mức độ lan tỏa, hiệu ứng rộng rãi của Cuộc thi khi đã thu hút một số lượng lớn sự quan tâm của người dân truy cập tìm hiểu về Cuộc thi nói chung, về pháp luật bầu cử nói riêng, qua đó tác động mạnh mẽ đến nhận thức, ý thức, thái độ của người dân đối với hoạt động bầu cử và việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân tham gia cuộc bầu cử sắp diễn ra tới đây.
Ban Tổ chức Cuộc thi khẳng định, Cuộc thi đã được tổ chức thành công khi có tới 801.678 lượt dự thi của 643.688 người tham gia dự thi. Số lượng thí sinh trả lời đúng 19 câu hỏi trắc nghiệm của Ban Tổ chức là 25.684 người (chiếm 4% số người tham gia) với 32.034 lượt trả lời chính xác (chiếm 4% số lượt thi). Càng về cuối cuộc thi càng thu hút sự quan tâm tham gia của người dân, cao điểm như ngày 28/4 đã có 101.711 lượt truy cập và ghi nhận 45.200 lượt thi. Các kết quả này đã thể hiện sự tham gia tích cực, đông đảo của các tầng lớp Nhân dân về Cuộc thi; đồng thời thể hiện tinh thần chủ động học tập, tự giác tìm hiểu, nâng cao hiểu biết pháp luật của Nhân dân.
Cuộc thi cũng đã nhận được sự hưởng ứng của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó một số địa phương có số người tham gia thi đông đảo như: thành phố Hà Nội (97.203 người), Bắc Giang (68.229 người), Nghệ An (45.767 người), Ninh Bình (36.002 người), thành phố Hồ Chí Minh (26.626 người), Lào Cai (15.356 người), Quảng Ninh (14.951 người)…
Ban Tổ chức Cuộc thi ban hành Quyết định công nhận kết quả và trao giải thưởng cho 36 thí sinh có kết quả dự thi cao nhất
Ngày 18/5, Ban Tổ chức Cuộc thi đã ban hành Quyết định công nhận kết quả và trao giải thưởng Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” cho 36 thí sinh có kết quả dự thi cao nhất.
Cụ thể, 01 Giải Nhất trị giá 20.000.000 đồng cho thí sinh Lê Văn Hùng (Xóm Tân Thành, xã Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An); 5 Giải Nhì trị giá 5.000.000 đồng cho các thí sinh: Vũ Thị Lan (Thôn 4-Nhân Nghĩa, xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam); Phạm Thị Hà (Thôn Thượng Nam, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình); Tô Thị Huệ (Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi, xã Khánh Hông, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình); Mai Trần Đạt (Tổ 4, phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai); Nguyễn Ích Từ (Phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) và 10 Giải Ba trị giá 3.000.000 đồng/giải, 20 Giải Khuyến khích trị giá 1.000.000 đồng/giải.
Quyết định của Ban Tổ chức Cuộc thi nêu rõ, Ban Tổ chức Cuộc thi, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, các cơ quan, đơn vị có liên quan và các cá nhân đạt giải tại Điều 2 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.