TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG: SẴN SÀNG CHO KỲ HỌP VỚI CÁC NỘI DUNG ĐƯỢC CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG

23/05/2022

Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc ngày 23/5. Đây cũng là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội họp tập trung cả kỳ tại Nhà Quốc hội sau thời gian dài ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trao đổi trước thềm kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định các nội dung của kỳ họp được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm yêu cầu.

 

Phóng viênThưa Tổng Thư ký Quốc hội, kỳ họp Quốc hội lần này dự kiến xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác chuẩn bị Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội nhiều lần nhấn mạnh, chỉ trình Quốc hội những gì được chuẩn bị kỹ, đảm bảo chất lượng. Xin ông cho biết, công tác chuẩn bị về nội dung cho kỳ họp đã được tiến hành như thế nào?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Thời gian vừa qua thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng pháp luật chúng ta đã triển khai tích cực các nhiệm vụ. Cùng với đó các nội dung trong công tác giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cũng được xem xét kỹ lưỡng, chủ động từ sớm, từ xa, nhiều vòng một các cách thận trọng để đi đến thống nhất theo đúng tinh thần mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo từ đầu nhiệm kỳ.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trao đổi về công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Tại kỳ họp này, theo thông lệ của kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác lập pháp, với việc xem xét, thông qua 5 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác.

Quốc hội cũng thực thi nhiệm vụ giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó, tập trung xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án trọng điểm; giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực và quyết định chương trình giám sát năm 2023, chất vấn các thành viên Chính phủ…

Nhiều vấn đề quan trọng khác cũng sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này như: kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV; kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21.6.2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và nội dung liên quan đến dự án đường Hồ Chí Minh…

Để chuẩn bị cho kỳ họp, các cơ quan Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã làm việc ngày, đêm để chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ 3; tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về các dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này; chủ động, tích cực phối hợp có hiệu quả với các cơ quan hữu quan để hoàn thiện các nội dung.

Các nội dung đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và đã có kết luận nêu rõ những vấn đề cần tiếp tục báo cáo, giải trình, làm rõ, hoàn thiện, phải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng mới được trình Quốc hội cho ý kiến. Đến nay, các hồ sơ, tài liệu các nội dung trình Quốc hội đảm bảo tuân thủ đúng quy trình theo quy định của pháp luật và yêu cầu về chất lượng.

Đồng thời, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến của Nhân dân và cử tri, trân trọng ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội.

Diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tiếp tục thực hiện và triển khai quyết liệt, sâu rộng, hiệu quả chương trình tổng thể của phòng chống COVID - 19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đặc biệt Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa kết thúc rất tốt đẹp, các nội dung quan trọng được chuẩn bị kỹ lưỡng để trình xem xét, cho ý kiến và quyết định tại Kỳ họp thứ 3 này sẽ góp phần tích cực, thúc đẩy thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII trong bối cảnh mới của đất nước.

Phóng viênCó thể thấy khối lượng công việc tại kỳ họp này là khá lớn, đặc biệt là trong công tác xây dựng pháp luật. Xin ông cho biết công tác giải trình, tiếp thu cũng như chuẩn bị như thế nào để các dự án luật được thông qua đảm bảo chất lượng?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 05 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Cảnh sát cơ động; Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Đây là những nội dung đã được Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 2. Sau kì họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương tổng hợp, nghiên cứu để tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý hoàn thiện các dự thảo. Đặc biệt, các dự án luật này cũng đã được cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến để hoàn thiện thêm một bước nữa. Trong quá trình này, Quốc hội huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đặc biệt là vai trò của cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục bám sát với cơ quan chủ trì thẩm tra trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện.

Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến lần đầu 06 dự án luật, gồm: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Dầu khí (sửa đổi).

Tại các kỳ họp gần đây, nhiều cải tiến, đổi mới được triển khai áp dụng, trong đó có công tác tổng hợp ý kiến đại biểu, ghi biên bản thảo luận tại Tổ theo hướng tăng tính chuyên nghiệp, tổng hợp nhanh nhất, đầy đủ nhất ý kiến đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại Tổ. Trên cơ sở đó Tổng Thư ký Quốc hội có báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại Tổ. Đây là cơ sở cơ quan chủ trì soạn thảo có tiếp thu giải trình bước đầu, đồng thời tại phiên thảo luận tại hội trường các đại biểu không phát biểu lại nội dung đã phát biểu tại tổ và được tiếp thu giải trình. Từ đó các nội dung thảo luận tại phiên toàn thể được tập trung vào những vấn đề còn ý kiến khác nhau, một số vấn đề mới và sớm đi đến đồng thuận. Thực tiễn kỳ họp đã chứng minh những cải tiến đổi mới này đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng các nội dung.

Phóng viênTại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành thời gian để chất vấn và trả lời chất vấn. Xin ông cho biết những nhóm vấn đề nào sẽ được lựa chọn để chất vấn?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày làm việc cho công tác chất vấn. Chắc chắn rằng việc chất vấn sẽ phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng, hơi thở cuộc sống và những vấn đề mà xã hội quan tâm cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm và đại biểu quan tâm thì chất vấn sẽ được nêu.

Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể biết nội dung nào sẽ được chất vấn tại kỳ họp lần này. Hiện nay vẫn đang trong giai đoạn xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, cùng với các vấn đề đặt ra trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và Nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp, các vấn đề kinh tế - xã hội để tổng hợp các nhóm vấn đề để xin ý kiến Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Sau khi các cơ quan của Quốc hội cho ý kiến sẽ tổng hợp và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc các nhóm vấn đề cuối cùng để lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Phóng viên:  Xin cảm ơn ông!

Bảo Yến