NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC PHỤC VỤ KỲ HỌP QUỐC HỘI, HƯỚNG TỚI KỲ HỌP KHÔNG VĂN BẢN GIẤY

20/08/2022

Ngay sau lễ khai mạc sáng 20/8, Hội thảo trao đổi kinh nghiệm lần thứ XI giữa Ban Thư ký Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Lào đã diễn ra sôi nổi. Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến việc nâng cao chất lượng công tác thư ký tổng hợp phục vụ Kỳ họp Quốc hội, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới Kỳ họp không văn bản giấy.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó, tin cậy Việt Nam - Lào

Toàn cảnh Hội thảo

Nâng cao chất lượng công tác thư ký tổng hợp phục vụ Kỳ họp Quốc hội

Tại Hội thảo, bàn về vấn đề nâng cao chất lượng công tác thư ký tổng hợp phục vụ Kỳ họp Quốc hội, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Phan Thị Thùy Linh cho biết, thời gian qua, nhiều quy trình, cách thức tiến hành Kỳ họp Quốc hội được tham mưu sửa đổi phù hợp hơn, đi vào thực chất, giảm tính hình thức, góp phần từng bước chuyển từ “Quốc hội tham luận” sang “Quốc hội thảo luận và tranh luận”. Trong đó, việc giải trình trực tiếp tại các phiên họp, đăng ký tranh luận, “hỏi nhanh, đáp gọn”,… mang lại hiệu quả tích cực, tạo không khí sôi động, hấp dẫn cho các phiên họp, tăng tính phản biện, nâng cao chất lượng thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn, bảo đảm quyết định của Quốc hội được xem xét dân chủ, công khai, toàn diện, nhiều chiều, bám sát thực tiễn, có tính khả thi.

Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, các đề xuất đổi mới cách thức tổ chức Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV theo hình thức trực tuyến như: Chia tổ thảo luận cả ở Nhà Quốc hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thử nghiệm biểu quyết điện tử, bố trí thảo luận tổ, tổng hợp kết quả thảo luận tổ… đem lại hiệu quả cao. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, đã tham mưu tăng thêm thời lượng truyền hình trực tiếp trên sóng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam nhiều phiên thảo luận tại Hội trường để hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch hơn, gần gũi với cử tri và Nhân dân, qua đó cũng tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân và cử tri giám sát các hoạt động của Quốc hội; đồng thời, đề xuất việc mời đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố về dự phiên giám sát tối cao của Quốc hội nhằm tăng cường mối quan hệ gắn bó, phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động với cơ quan dân cử ở địa phương.

Trao đổi tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thư ký tổng hợp phục vụ kỳ họp, bảo đảm ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, cần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Ban Thư ký để ngày càng hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc, góp phần đáng kể vào kết quả hoạt động của Tổng Thư ký Quốc hội. Theo đó, cần kiện toàn tổ chức của Ban Thư ký theo hướng bổ sung các Ủy viên Ban Thư ký là người đứng đầu hoặc phụ trách các Vụ: Hành chính, Công tác đại biểu. Đồng thời tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của Tổng Thư ký Quốc hội được quy định tại các Luật khác để bổ sung người đứng đầu hoặc phụ trách đơn vị có liên quan là Ủy viên Ban Thư ký hoặc đưa ra khỏi danh sách thành viên Ban Thư ký.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức Văn phòng Quốc hội, nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn sâu trong công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội. Về thực chất, công chức của Văn phòng Quốc hội cũng tham gia vào việc phục vụ hoạt động của Tổng Thư ký Quốc hội, là những người trực tiếp triển khai các nghiệp vụ thư ký tại kỳ họp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội. Trong đó, để nâng cao chất lượng công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội tại tổ, cần hoàn thiện phần mềm nhận diện giọng nói thành văn bản, bảo đảm bản gỡ băng từ phần mềm đạt độ chính xác cao; trang bị các phòng họp Tổ đều lắp máy nhận diện giọng nói và cử một nhân sự thực hiện gỡ băng ngay tại Tổ nhằm có bản gỡ băng ngay sau khi kết thúc phiên họp.

Các đại biểu tham gia thảo luận

Về vấn đề này, đại diện Vụ Thư ký, Ban Thư ký Quốc hội Lào chia sẻ, công tác này gặp phải một số vấn đề vướng mắc khó khăn như: Việc chuẩn bị các nội dung kỳ họp Quốc hội của các đơn vị liên quan, nhất là bài báo cáo, một số dự thảo luật để gửi cho Quốc hội chưa tiến hành đúng thời hạn quy định; Việc nghiên cứu một số nội dung, câu hỏi chất vấn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xem xét và đưa các dữ liệu thông tin để xây dựng thành câu hỏi chất vấn gồm cả về quy trình và hình thức chất vấn tại kỳ họp Quốc hội; việc cung cấp thông tin chuyên môn cho các đại biểu Quốc hội để chuẩn cho bài phát biểu đối với các nội dung của kỳ họp hiệu quả chất lượng chưa cao.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã trao đổi nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu và thiết thực về việc phân công nhiệm vụ giữa Ban thư ký Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban Ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị các nội dung sẽ đưa vào xem xét tại kỳ họp Quốc hội; việc bố trí nhân sự tại bàn của Ban Thư ký Quốc hội tại Kỳ họp; việc ghi chép, tổng hợp nội dung Kỳ họp, hỗ trợ Đoàn Chủ tịch về nội dung công việc, về kỹ thuật, hậu cần, hành chính…

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới Kỳ họp không văn bản giấy

Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Hành chính Đỗ Thị Thanh cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nói chung tại các kỳ họp Quốc hội và việc gửi tài liệu điện tử phục vụ các kỳ họp Quốc hội là bước tiến trong đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, không chỉ nâng cao hiệu quả làm việc của đại biểu Quốc hội mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xử lý khối lượng công việc ngày càng lớn với chất lượng ngày càng cao hơn, theo kịp xu thế chung của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Vụ trưởng Vụ Hành chính Đỗ Thị Thanh

Vụ trưởng Vụ Hành chính cho biết, bên cạnh những thuận lợi, quá trình thực hiện việc gửi văn bản điện tử tới đại biểu Quốc hội cũng gặp những khó khăn, vướng mắc như: cách thức tiếp nhận, nghiên cứu, sử dụng tài liệu giấy đã trở thành thói quen của đại biểu Quốc hội qua nhiều khóa Quốc hội dẫn đến việc tiếp nhận phương thức sử dụng tài liệu điện tử còn bỡ ngỡ. Chính vì vậy, ngay từ đầu thực hiện phương thức gửi tài liệu điện tử, Văn phòng Quốc hội vẫn thực hiện song song cả việc gửi tài liệu giấy và điện tử để chuyển dần từ thói quen sử dụng tài liệu giấy sang sử dụng tài liệu điện tử và đánh giá hiệu quả của phương thức mới và cũ.

Để thực hiện thành công việc thực hiện “kỳ họp không giấy tờ”, Vụ trưởng Vụ Hành chính cho rằng, cần tiếp tục có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Quốc hội và đồng chí Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hoàn thiện các phần mềm cung cấp tài liệu chính thức sử dụng trong kỳ họp Quốc hội cho đại biểu Quốc hội với những tính năng, tiện ích thông minh, khoa học và hiệu quả, nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cần thiết cho đại biểu Quốc hội, đây được coi là một nội dung quan trọng trong việc xây dựng Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2021 - 2026. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống liên thông giữa Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan và tổ chức khác giúp đẩy nhanh công việc của Quốc hội nói chung và đẩy nhanh quá trình tiếp nhận tài liệu nói riêng.

Chia sẻ kinh nghiệm vận hành kỹ thuật, nguyên Vụ trưởng Vụ Tin học Trịnh Thái Anh cho biết, Vụ Tin học đã triệt để tận dụng cơ sở vật chất đã được đầu tư xây dựng là các phòng họp, như: phòng họp Diên Hồng, phòng họp Tân Trào, phòng điều hành Quốc hội điện tử và hệ thống truyền hình hội nghị, các phòng họp tại trụ sở Đoàn ĐBQH tại các địa phương, hệ thống trang âm, ánh sáng, thiết bị dịch, bàn ghế hội nghị … việc tận dụng triệt để các hệ thống này sẽ góp phần chủ động về cơ sở vật chất và tiết kiệm nguồn kinh phí. Theo Vụ trưởng Vụ Tin học, để công tác triển khai được nhanh chóng, thuận lợi rất cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt của các cấp lãnh đạo. Cùng với đó, phải xây dựng Đề án, kế hoạch rất chi tiết từ khâu chuẩn bị, kiểm tra hệ thống, tổng duyệt cho đến vận hành đảm bảo phiên họp chính thức. Kịch bản kỹ thuật cần rất chi tiết và có tính toán đến các tình huống dự phòng trong trường hợp sự cố thiết bị và đường truyền, cũng như các tình huống không mong muốn khác xảy ra. Cần có sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ từ các đơn vị có liên quan…

Tham gia thảo luận, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục khắc phục tình trạng tài liệu gửi chậm tới đại biểu Quốc hội thông qua việc thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện việc phát hành tài liệu điện tử tới đại biểu Quốc hội đã tiết kiệm tối đa các khâu trung gian trong việc phát hành và tiếp nhận tài liệu. Ngoài ra, các đại biểu kiến nghị phát huy những hiệu quả đạt được trong việc thực hiện “kỳ họp không giấy” tại các kỳ họp của Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các đại biểu nhấn mạnh, việc triển khai các kỳ họp không giấy tờ để tiến tới một nền hành chính không giấy tờ trong tương lai không xa cần được triển khai và áp dụng đồng bộ trong hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quá trình thực hiện đồng bộ nền hành chính không giấy tờ trong tất cả các cơ quan của Quốc hội sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội./.

Bùi Hùng - Minh Thành