Nâng cao chất lượng công tác phục vụ Kỳ họp Quốc hội, hướng tới kỳ họp không văn bản giấy
Toàn cảnh hội thảo
Nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền của Văn phòng Quốc hội
Tham gia ý kiến tại Hội thảo trao đổi kinh nghiệm lần thứ XI giữa Ban Thư ký Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Lào, Vụ trưởng Vụ Thông tin Hoàng Thị Lan Nhung cho biết, trong những năm qua, nhất là một số nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, cử tri và nhân dân cả nước ghi nhận và đánh giá cao công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, sự quan tâm, ủng hộ của người dân nhiều hơn đối với Quốc hội. Công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận ở nhiều phương diện, lĩnh vực như: tuyên truyền về kỳ họp Quốc hội, Kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; tuyên truyền về hoạt động của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội; hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các công tác liên quan đến bảo tàng, lịch sử, triển lãm nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân, nhất là các thế hệ trẻ về Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
Vụ trưởng Vụ Thông tin Hoàng Thị Lan Nhung nhấn mạnh, để đạt được kết quả đáng ghi nhận trong công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã luôn nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội. Trên cơ sở đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội đã chỉ đạo sát sao Vụ Thông tin bảo đảm triển khai hiệu quả hoạt động thông tin công chúng của Quốc hội.
Vụ trưởng Vụ Thông tin Hoàng Thị Lan Nhung
Bên cạnh các kết quả khả quan đạt được, Vụ trưởng Vụ Thông tin nêu rõ, công tác tuyên truyền vẫn còn một số hạn chế như: tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền còn thiếu tính định hướng chiến lược, bài bản và hiệu quả còn thấp; các hình thức, phương thức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao vị thế và hình ảnh, hoạt động của Quốc hội trong công chúng chưa được triển khai đồng bộ.
Để khắc những hạn chế, tồn tại nêu trên, đồng thời để bảo đảm hoạt động thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội ngày càng đạt chất lượng cao hơn, Vụ trưởng Vụ Thông tin cho rằng cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của công tác thông tin công chúng về hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội; tạo lập cơ sở pháp lý cho việc triển khai hoạt động thông tin công chúng của Quốc hội có hệ thống, bài bản, toàn diện, có kế hoạch triển khai thực hiện. Cụ thể, Vụ trưởng Vụ Thông tin kiến nghị Văn phòng Quốc hội cần tham mưu sớm ban hành Đề án nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động truyền thông của Quốc hội Khóa XV; Quy chế tổ chức công tác thông tin, báo chí về hoạt động của Quốc hội; Kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Câu lạc bộ phóng viên đưa tin Quốc hội; Triển khai Đề án và Thể lệ Giải báo chí Quốc hội và HĐND các cấp (Giải Diên Hồng) nhằm nâng cao chất lượng tác phẩm viết về cơ quan dân cử; xây dựng Đề án nâng cao chất lượng công tác tham quan Nhà Quốc hội,…
Tham gia thảo luận tại Hội thảo, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh cho biết, Quốc hội ngày càng đổi mới và thông tin về hoạt động của Quốc hội ngày càng được cử tri và dư luận xã hội rất quan tâm. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, kỳ họp là cần phải “xào nấu” các thông tin để chế biến thành những “món ăn” ngon, hấp dẫn cho khán giả, độc giả.
Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh
Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác truyền thông, báo chí về hoạt động của Quốc hội, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, Báo Đại biểu Nhân dân hiện nay có hai ấn phẩm chính là báo in và báo điện tử Đại biểu Nhân dân. Bên cạnh đó, Báo cũng mở nhiều chuyên mục, chuyên trang thông tin các sự kiện quan trọng gắn với chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tổ chức tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội đối với những nội dung Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng, cần đổi mới và đa dạng hóa phương thức thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, phát triển hệ thống các ấn phẩm về Quốc hội cho các nhóm đối tượng công chúng khác nhau. Bên cạnh đó, cần tăng cường cung cấp thông tin về Quốc hội thông qua ấn phẩm, sách, báo, tạp chí, tờ rơi, trang Web; tập trung xây dựng trang thông tin thành phần của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội để chủ động cung cấp thông tin cho người dân. Một số ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sử dụng các phương tiện truyền thông nền tảng số, mạng xã hội như facebook, zalo, truyền hình tương tác; đẩy mạnh truyền thông bằng tiếng nước ngoài.
Một số ý kiến phát biểu kiến nghị đổi mới nội dung công tác thông tin, tuyên truyền, đẩy mạnh nghiên cứu, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về nhu cầu, xu hướng quan tâm, nhận thức, hiểu biết, thái độ… của công chúng để làm căn cứ xây dựng các kế hoạch, chương trình, nội dung thông tin theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của các nhóm đối tượng.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo về vấn đề tăng cường phối hợp giữa cơ quan giúp việc của Quốc hội với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố.
Thảo luận tại Hội thảo về nội dung này, đại diện Vụ Truyền thông, Ban Thư ký Quốc hội Lào đề nghị tiếp tục trao đổi kinh nghiệm với Văn phòng Quốc hội Việt Nam về các vấn đề liên quan đến quản lý và cung cấp thông tin qua hệ thống mạng nội bộ; nghiên cứu, phân tích thông tin cho các đại biểu Quốc hội; hiện đại hóa thư viện và hệ thống lưu trữ thông tin.
Ngoài ra, đại diện Vụ Truyền thông, Ban Thư ký Quốc hội Lào đề nghị các cơ quan báo chí của Quốc hội hai nước tích cực trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng chuyên môn, đặc biệt trong truyền thông mạng xã hội, sử dụng công nghệ số, truyền thông số.
Tăng cường phối hợp giữa cơ quan giúp việc của Quốc hội với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố
Phát biểu tại Hội thảo, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Thị Mai nêu rõ, để Đoàn đại biểu Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ tại mỗi Kỳ họp, việc tham mưu, phục vụ của Văn phòng Đoàn cần chú trọng việc tăng cường phối hợp giữa Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Đoàn ĐBQH. Cụ thể, Văn phòng Đoàn ĐBQH cần thường xuyên cập nhật, nắm vững thông tin chỉ đạo từ Văn phòng Quốc hội để tham mưu đầy đủ, kịp thời cho Đoàn ĐBQH tỉnh. Trước kỳ họp, để chuẩn bị cho các hoạt động của kỳ họp, Văn phòng Quốc hội ban hành văn bản triệu tập đại biểu kèm theo dự kiến chương trình và nội dung kỹ họp; đồng thời, các dự thảo luật, các tài liệu liên quan đến kỳ họp cũng được gửi đến đại biểu để chủ động nghiên cứu chuẩn bị ý kiến tham gia. Bám sát quy trinh này, trước các kỳ họp, Văn phòng Đoàn đã chủ động phối hợp với Văn phòng Quốc hội để tiếp nhận các văn bản, chuyển đến các đại biểu để đảm bảo các đại biểu nắm được chương trình, nội dung kỳ họp sớm nhất. Để có những ý kiến đóng góp chất lượng, hiệu quả, Văn phòng Đoàn đã tham mưu tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học bằng nhiều hình thức phong phú. Qua đó, tham mưu tổng hợp ý kiến đóng góp đối với các dự thảo dự án luật, xây dựng báo cáo gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội đúng thời gian quy định, đồng thời cung cấp cho đại biểu để nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến phát biểu có chất lượng.
Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Thị Mai
Bên cạnh đó, Văn phòng Đoàn cần thường xuyên giữ kết nối để có sự hướng dẫn kịp thời từ Văn phòng Quốc hội nhằm đảm bảo triển khai kịp thời các nội dung kỳ họp. Cụ thể, tại các kỳ họp trực tuyến, Văn phòng Đoàn phải đảm bảo hệ thống đường truyền thông suốt; luôn phối hợp với Văn phòng Quốc hội để kết nối, thử nghiệm âm thanh, hình ảnh tại phòng họp của Đoàn ở địa phương để bảo đảm trong quá trình diễn ra kỳ họp không bị gián đoạn. Nhờ giữ mối liên hệ chặt chẽ, đến nay, trải qua 03 kỳ họp trực tuyến, Văn phòng Đoàn đã thông thạo việc hỗ trợ kết nối, chuyển tải tài liệu liên quan qua hệ thống thông tin chuyên dụng, góp phần vào thành công của Kỳ họp.
Tham gia ý kiến về chủ đề này, đồng chí Phong Sá Mút Phông Ví Chít, Tổng Thư ký Hội đồng nhân dân tỉnh Bo Lí Khăm Say cho biết, sau khi nhận được Nghị quyết hoặc văn bản hướng dẫn về việc tổ chức kỳ họp thường lệ của Quốc hội, trước khi tham dự, Ban Thư ký Hội đồng nhân dân tỉnh, với tư cách là tham mưu cho đoàn đại biểu Quốc hội tại địa bàn tỉnh đã chủ động chuẩn bị sự sẵn sàng toàn diện, nhất là về việc cung cấp dữ liệu - thông tin liên quan đến vấn đề nổi bật của tỉnh như: kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và kế hoạch ngân sách, tổng hợp các ý kiến đề xuất của nhân dân gửi tới các đại biểu Quốc hội trong thời gian tiếp xúc cử tri; chủ động xây dựng kế hoạch, giám sát thanh tra việc tổ chức thực hiện Hiến pháp và pháp luật, nhất là các dự án đầu tư công là vấn đề nổi bật hết sức quan trọng và gây tác động đối với cuộc sống sinh hoạt của bà con nhân dân.
Tổng Thư ký Hội đồng nhân dân tỉnh Bo Lí Khăm Say
Tổng Thư ký Hội đồng nhân dân tỉnh Bo Lí Khăm Say cũng cho biết, sau khi được biết cụ thể về kế hoạch tổ chức kỳ họp và chương trình kỳ họp, Ban thư ký Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ chủ động báo cáo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để tổ chức cuộc họp với Chính quyền địa phương, cuộc họp nội bộ của đoàn đại biểu Quốc hội để bàn và thống nhất về việc phân công nhiệm vụ cho từng đại biểu trong việc chuẩn bị phát biểu ý kiến về các nội dung liên quan. Cụ thể, Trưởng đoàn đại biểu hoặc Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến chung về lĩnh vực liên quan của địa phương, xem xét và biểu quyết thông qua việc tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các đại biểu khác cũng có thể có ý kiến tùy theo chuyên môn và kinh nghiệm của từng đại biểu; Đối với nội dung chương trình xem xét và biểu quyết thông qua các luật và dự án luật, trong thành phần đoàn đại biểu phân công rõ cho từng đại biểu để nghiên cứu và chuẩn bị góp ý kiến , đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn…
+ Hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa Ban Thư ký Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Lào diễn ra trong không khí phấn khởi của nhân dân hai nước Việt Nam - Lào tổ chức các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào và Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022. Hội thảo có đóng góp quan trọng vào mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung, giữa Văn phòng Quốc hội và Ban Thư ký Quốc hội Lào nói riêng.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:
Toàn cảnh hội thảo
Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại hội thảo
Vụ trưởng Vụ Thông tin Hoàng Thị Lan Nhung cho biết, cử tri và nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá cao công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội
Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh cho rằng, yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, kỳ họp là cần phải “xào nấu” các thông tin để chế biến thành những “món ăn” ngon, hấp dẫn cho khán giả, độc giả.
Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, Báo Đại biểu Nhân dân đã mở nhiều chuyên mục, chuyên trang thông tin các sự kiện quan trọng gắn với chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo về vấn đề tăng cường phối hợp giữa cơ quan giúp việc của Quốc hội với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố./.