TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI CHỦ TRÌ TỌA ĐÀM LẤY Ý KIẾN DỰ THẢO ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI KHÓA XV
Quang cảnh Tọa đàm
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án cho biết, với tinh thần tích cực, khẩn trương, Tọa đàm đã diễn ra sôi nổi, thu nhận được rất nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu tham dự. Thay mặt Đảng đoàn Quốc hội và Ban Chỉ đạo Đề án, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cảm ơn và hoan nghênh tất cả ý kiến đóng góp quý báu cho dự thảo Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV.
Các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đều đánh giá cao sự chuẩn bị có trách nhiệm, chu đáo của Ban Chỉ đạo, Tổ Soạn thảo về hồ sơ tài liệu dự thảo Đề án, giúp các đại biểu nhìn nhận rõ và ủng hộ chủ trương đúng đắn của Đảng đoàn Quốc hội trong đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, qua thảo luận cho thấy, công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội có ý nghĩa quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung, Quốc hội khóa XV nói riêng.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu kết luận Tọa đàm.
Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, hiện nay chúng ta chưa có một Đề án riêng nghiên cứu về hoạt động truyền thông của Quốc hội. Trên cơ sở thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước, để đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu thông tin của người dân, góp phần đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch; đồng thời, để hoạt động truyền thông của Quốc hội Việt Nam tiếp tục phát triển đúng với mục đích và tầm quan trọng thì việc xây dựng và triển khai Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, đây cũng chính là một bước tiến cao hơn nữa trong những nỗ lực thời gian qua của Quốc hội trong việc đổi mới công tác truyền thông để xây dựng hình ảnh Quốc hội gần gũi hơn với cử tri và Nhân dân cả nước. Các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Đề án không chỉ nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV mà có thể áp dụng, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông cho nhiệm kỳ Quốc hội sau, vì thế, tên gọi của Đề án là “Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV, tầm nhìn đến năm 2030”.
Tọa đàm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo cơ sở để các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các bộ, ban, ngành hữu quan, các cơ quan thông tấn, báo chí phát huy tinh thần chủ động để triển khai hiệu quả hoạt động truyền thông của Quốc hội.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề xuất một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, cần phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò, tầm quan trọng của truyền thông nói chung, truyền thông về hoạt động của Quốc hội nói riêng. Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, trách nhiệm trực tiếp không chỉ thuộc về Văn phòng Quốc hội, các cơ quan, đơn vị báo chí truyền thông của Quốc hội mà cần có sự tham gia của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; các đoàn đại biểu và chính mỗi đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó không thể không huy động vai trò, trách nhiệm, sự tham gia của các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước; các cơ quan, bộ ngành, đoàn thể có liên quan.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm.
Thứ hai, công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội phải được thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp, phù hợp với xu thế phát triển truyền thông trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, công tác truyền thông cần tạo ra tương tác hai chiều giữa Quốc hội, đại biểu Quốc hội với cử tri, Nhân dân cả nước nhằm mục đích chung là: phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.
Thứ ba, cần bổ sung khảo sát, đánh giá về mức độ quan tâm của cử tri, Nhân dân, dư luận xã hội đối với công tác truyền thông của Quốc hội để làm cơ sở đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp mang tính khả thi cao. Về việc này, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Tổ soạn thảo đặt hàng Viện nghiên cứu dư luận của Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai thực hiện, dự kiến sẽ có kết quả vào cuối tháng 02/2023.
Thứ tư, về tiến độ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại Tọa đàm, Ban Chỉ đạo, Tổ Soạn thảo hết sức khẩn trương nghiên cứu kỹ, tiếp thu tối đa, hoàn thiện Đề án, Tờ trình và các tài liệu kèm theo, tổ chức xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số cơ quan hữu quan bằng văn bản; báo cáo đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội trước khi trình xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội tại phiên họp tháng 3 sắp tới.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường hy vọng, với sự chuẩn bị tốt, chu đáo, Đề án sẽ là bước tiến quan trọng cho việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội nói chung, đặc biệt là Quốc hội khóa XV nói riêng; làm sao để Quốc hội gần gũi hơn nữa, gắn bó hơn nữa với cử tri, Nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế./.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án phát biểu kết luận Tọa đàm.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cần bổ sung khảo sát, đánh giá về mức độ quan tâm của cử tri, Nhân dân, dư luận xã hội đối với công tác truyền thông của Quốc hội để làm cơ sở đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp mang tính khả thi cao.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm.
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh cho rằng, cần nhấn mạnh tác động của thông tin truyền thông và vai trò của Quốc hội trong hệ thống thông tin truyền thông quốc gia gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Thông tin truyền thông Quốc hội chính là thông tin truyền thông của quốc gia.
Từ góc độ cơ sở giáo dục, TS.Nguyễn Thị Minh Hiền - Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, sẽ đưa nội dung về truyền thông Quốc hội vào trong chương trình học của sinh viên Học viện, đồng thời đề xuất các mô hình trong truyền thông có thể sử dụng như mô hình 4 giai đoạn truyền thông để thu hút công chúng.
Đứng ở góc gộ người làm truyền thông, Giám Đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm cho rằng, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội và Báo Đại biểu nhân dân là những cơ quan truyền thông rất chuyên nghiệp. Phương thức truyền thông ngày càng đổi mới, tính tương tác rất nhiều, sử dụng đa nền tảng. Đồng thời nhấn mạnh cần sử dụng tất cả công cụ để chuyển tải nhanh nhất, chính xác nhất thông tin đến với người dân.
Bày tỏ tâm đắc với Đề án này, đại diện Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam kỳ vọng điều kiện tác nghiệp của phóng viên trong thời gian tới được cải thiện, từ đó có nhiều đóng góp hơn nữa trong công tác truyền thông hoạt động của Quốc hội.
Đại diện Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đồng tình các ý kiến đã nêu, và cho rằng nên đặt hàng các cơ quan báo chí để tuyên truyền thông tin đối ngoại về hoạt động của Quốc hội bằng nhiều thứ tiếng, ngôn ngữ khác nhau.
Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc cho rằng, cần xây dựng chiến lược truyền thông cho Quốc hội, đảm bảo quyền làm chủ của người dân về thông tin nói chung, đặc biệt là chính sách và thể chế. Cần trả lời các câu hỏi: Truyền thông về cái gì, nội dung gì, cái gì là trọng tâm, mũi nhọn ở từng thời điểm truyền thông là gi? Truyền thông cho ai? Cách thức tổ chức, nguồn lực, bộ máy như thế nào… Các vấn đề này phải rõ ràng, mạch lạc để đảm bảo tính logic.
TS. Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Truyền thông Lê kiến nghị thay đổi phương pháp truyền thông, chia nhỏ đối tượng truyền thông để lựa chọn các phương tiện truyền thông khác nhau. Có nhiều kênh truyền thông mới, nhưng nó phục vụ cho ai? Phải lựa chọn điểm chạm truyền thông phù hợp cho đối tượng truyền thông nhỏ, tập trung vào một nhóm đó. Kênh nào phù hợp thì sử dụng cho nhóm đối tượng đó.