TỘI PHẠM MUA BÁN NGƯỜI TRONG NƯỚC GIA TĂNG VÀ NGÀY CÀNG CÓ NHIỀU NẠN NHÂN LÀ NAM GIỚI

08/05/2023

Tại phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức vào sáng 8/5, thực trạng tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người ở nước ta thời gian qua đã được chỉ rõ với diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước và nạn nhân là nam giới. Cũng tại phiên giải trình nguyên nhân của tình trạng trên và đề xuất kiến nghị giải pháp cũng đã được phân tích, làm rõ.

ỦY BAN TƯ PHÁP CỦA QUỐC HỘI TỔ CHỨC PHIÊN GIẢI TRÌNH VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên giải trình

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, thực hiện Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Tư pháp tổ chức Phiên giải trình về “Việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người”.

Để phục vụ cho phiên giải trình, Ủy ban Tư pháp đã yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm giải trình chính là Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các bộ ngành, cơ quan hữu quan có báo cáo. Ủy ban Tư pháp cũng đã tổ chức 03 Đoàn khảo sát về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người tại 09 địa phương, chủ yếu tập trung vào các tỉnh biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và miền Trung.

Qua các báo cáo và kết quả khảo sát thực tế tại các địa phương cho thấy, trong thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, mang tính vô nhân đạo, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước với nước ngoài, được thực hiện bởi các đối tượng chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội phạm mua bán người.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc báo cáo giải trình 

Đặc biệt, xuất hiện nhiều đường dây phạm tội mua bán người với các thủ đoạn như “việc nhẹ, lương cao”, tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp trên nước bạn, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn. Hay như lợi dụng thủ tục đơn giản trong việc kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, du lịch, thăm thân... tháng để tổ chức cho nạn nhân ra nước ngoài, sau đó thu giữ giấy tờ tùy thân, bán sang tay nhiều chủ để cưỡng bước lao động, cưỡng bức mại dâm, ép thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.... Lợi dụng quy định về hiến, ghép tạng, các đối tượng tìm gặp những nạn nhân khó khăn về kinh tế có nhu cầu bán nội tạng, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu, sau đó bán cho người bệnh với giá cao.

Theo Báo cáo của Bộ Công an, trong 05 năm (từ ngày 01/01/2018 đến 31/12/2022), trên cả nước đã phát hiện 394 vụ với 837 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người, trong đó xử lý hình sự 386 vụ với 808 đối tượng. Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng đã khởi tố và chuyển sang cơ quan điều tra có thẩm quyền 54 vụ với 68 đối tượng. Đây là loại tội phạm có độ ẩn cao, xảy ra ở hầu hết các địa phương, trong đó tập trung ở một số tỉnh có đường biên giới với các nước láng giềng, nhất là ở vùng núi phía Bắc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa trình bày báo cáo tóm tắt ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Tư pháp liên quan đến nội dung phiên giải trình

Nếu như trong giai đoạn trước đây, từ 2012-2020, mua bán người chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài (chiếm trên 85% số vụ); trong thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước (riêng năm 2022, số vụ mua bán trong nước chiếm trên 45% tổng số vụ). Đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá. Ở một số nơi, nổi lên tình trạng mua bán trẻ sơ sinh núp bóng tinh vi các tổ chức mang danh thiện nguyện tự phát. Ngoài ra, nước ta không những là nơi xuất phát tội phạm nguồn mà còn là địa bàn trung chuyên mua bán người từ một số nước trong khu vực đi nước thứ ba.

Về nạn nhân của tội phạm mua bán người 73% là phụ nữ, gần đây mua bán nam giới có xu hướng gia tăng; nạn tội là người dưới 16 tuổi chiếm 17,5%. Về đối tượng phạm tội là người trên 18 tuổi chiếm 92,3%; đặc biệt 11,4% đỗi tượng phạm tội chính là nạn nhân của các vụ mua bán trước đó; 6,3% đối tượng phạm tội là người thân thích với bị hại. Về mục đích phạm tội được xác định như để bóc lột tình dục, để cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hay vì mục đích vô nhân đạo khác. Các thủ đoạn phổ biến hiện nay như lợi dụng môi giới hôn nhân, lợi dụng việc mỗi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài và thủ đoạn khác.

Có các nguyên nhân khách quan tác động, ảnh hưởng đến tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm mua bán người được chỉ ra như: nước ta có đường biên giới dài, có nhiều đường mòn, đường tiểu ngạch thuận lợi cho người dân qua lại hai bên biên giới. Nước ta tăng cường mở cửa hội nhập quốc tế nên việc đi lại, thông thương, giao lưu quốc tế của người dân ngày càng thuận lợi, cũng là điều kiện để đối tượng tội phạm lợi dụng lừa bán người qua biên giới.

Tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, phân hóa giàu nghèo, chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa; tình trạng thiếu việc làm và do tác động của phong tục, tập quản nên một bộ phận người dân bị đối tượng mua bán người dụ dỗ, lừa gạt. Hậu quả của đại dịch COVID-19 đã khiến cho nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nhiều người không có việc làm, dẫn đến tình trạng mua bán người trong nội địa gia tăng được trá hình dưới hình thức hợp đồng lao động, thiết thực chất là bị bán vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, cơ sở lao động (xưởng sản xuất, hầm mỏ, tàu cá...) với đồng lương ít ỏi và bị bóc lột sức lao động.

Tội phạm mua bán người trên thế giới diễn ra phức tạp. Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ công nghệ, các đối tượng mua bán người triệt để lợi dụng Internet, mạng xã hội để tiếp cận, lôi kéo nạn nhân, dẫn đến công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.  

Bên cạnh đó là các nguyên nhân chủ quan trong công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội ở một số lĩnh vực như quản lý người nước ngoài, xuất nhập cảnh, hôn nhân có yếu tố nước ngoài, cho nhận con nuôi,... còn sơ hở, để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động. Một số Bộ, ngành và địa phương còn xem nhẹ công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; chưa thấy được nguy cơ và hậu quả do tội phạm mua bán người gây ra. Việc giáo dục đạo đức và chấp hành pháp luật ở phạm vi gia đình và xã hội có mặt còn hạn chế làm cho một bộ phận người dân sa vào lối sống vật chất, xem thường đạo lý, bất chấp pháp luật để phạm tội.

Công tác thu thập thông tin, dự báo tình hình tại một số địa phương chưa sát, chưa cụ thể, nên hiệu quả phòng ngừa chưa cao. Lực lượng có chức năng trực tiếp trong phòng, chống mua bán người (Công an, Biên phòng) còn mỏng, chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, trong khi địa bản rộng, phải quản lý nhiều lĩnh vực có nguy cơ xảy ra mua bán người. Nguồn lực dành cho công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hiện nay còn thấp, chưa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Dương Khắc Mai phát biểu tại phiên giải trình

Trước tình hình trên, tại phiên giải trình nhiều ý kiến đã phân tích và chỉ rõ những hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người. Mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người được Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành hữu quan tích cực triển khai với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú; các cơ quan báo chí, truyền thông phối hợp chặt chẽ để đăng tải, phát sóng hàng nghìn tin, bài, phóng sự tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người trên các bản tin thời sự và các chuyên mục có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh rất lớn.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người hiệu quả chưa cao; chủ yếu được tiến hành lồng ghép vào hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về đấu tranh, phòng ngừa tội phạm nói chung; chủ yếu bằng những phương pháp truyền thống, chưa tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội; chưa tập trung vào những đối tượng có nguy cơ cao bị mua bán và ở nhiều thời điểm còn chưa phù hợp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đặt câu hỏi tại phiên giải trình

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy chỉ rõ, qua khảo sát cho thấy nạn nhân của mua bán người là nam giới chiếm tỉ lệ ngày càng cao, cá biệt có những địa phương có hơn 80% nạn nhân là nam giới. Trong khi tại các địa phương công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật chủ yếu tập trung vào đối tượng là phụ nữ, trẻ em gái, ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. Điều này cho thấy công tác này chưa thực sự đáp ứng nhu cầu và phù hợp với các đối tượng, tình hình thực tế. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đề nghị các cơ quan có các giải pháp trong thời gian tới để bảo đảm tuyên truyền hiệu quả, sát đúng đối tượng.  

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên phản ánh thực tế số lượng các vụ phạm tội mua bán người  được phát hiện, điều tra, xử lý chưa tương xứng với tình hình thực tế. Thậm chí, số lượng các vụ án án bị khởi tố về các tội mua bán người ít hơn so với giai đoạn trước. Giai đoạn từ 2012 - 2020, trung bình khởi tố 162 vụ/1 năm; giai đoạn từ năm 2018 - 2022, trung bình khởi tố 77,2 vụ/1 năm. Các vụ án mua bán người được phát hiện chủ yếu qua đơn thư tố giác của người bị hại hoặc gia đình nạn nhân. Trong khi đó, số lượng các vụ án được phát hiện xử lý thông qua chủ động nắm tình hình còn rất ít. Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên đặt vấn đề hiệu quả công tác quản lý trên địa bàn, quản lý dân cư, chủ động phát hiện, ngăn chặn hoạt động của tội phạm mua bán người.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên

Trước tình trạng tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Dương Khắc Mai cho rằng hệ thống pháp luật hiện nay chưa theo kịp với diễn biến tình hình thực tế, dẫn đến phát sinh nhiều bất cập hạn chế, chưa bảo đảm cơ chế bảo vệ người dân từ sớm, từ xa trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay. Trong khi đó, hình phạt xử lý chưa đủ sức răn đe, tội phạm lại ngày càng tinh vi và tái phạm nhiều. Nhấn mạnh vấn đề đặt ra là sửa luật như thế nào, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị các cơ quan làm rõ thời gian tiến độ tham mưu trình Quốc hội sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người trong thời gian tới. 

Một số hình ảnh tại phiên giải trình:

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Vũ Trọng Kim

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Danh Tú

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh Hoàng Thị Thanh Thúy

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thành Trung phát biểu

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác