Phiên họp thứ Bảy của UBTVQH: Sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí, tránh “tiền hậu bất nhất”. Thông qua Quy chế hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của QH (sửa đổi)

31/03/2008

Chiều 29.3, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí. Phó chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan dự Phiên họp.

       Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí do Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày, đề nghị chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều để kịp thời khắc phục những vướng mắc trong thực tế phát triển ngành dầu khí. Theo đó, dự thảo Luật bổ sung quy định về khí than và dự án khí than thuộc danh mục dự án khuyến khích đầu tư do có nhiều khó khăn về phòng, chống cháy nổ, tổng mức đầu tư lớn và phải sử dụng các biện pháp kỹ thuật mới, phức tạp; Sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí do tiềm năng dầu khí còn lại chủ yếu ở các khu vực nước sâu, xa bờ, có điều kiện địa lý và địa chất phức tạp hoặc các lô nằm trong vùng nhạy cảm trên biển Đông. Dự án Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu thầu lô dầu khí, đấu thầu dịch vụ dầu khí; Các quy định về quản lý nhà nước về dầu khí theo hướng phù hợp với các quy định pháp luật về chức năng quản lý của các cơ quan nhà nước và cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho ngành Dầu khí phát triển; Quy định về chuyển nhượng hợp đồng dầu khí, nghĩa vụ bán dầu khí tại thị trường Việt Nam của các nhà thầu; Bãi bỏ một số quy định về thuế…

 

      Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ của UB Kinh tế, Phó chủ nhiệm UB Nguyễn Văn Phúc cho rằng Tờ trình của Chính phủ có nhiều điểm chưa thuyết phục và không thống nhất: Hai trong ba quan điểm chỉ đạo là xây dựng dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) chứ không phải là sửa đổi, bổ sung một số điều; Ban soạn thảo chưa phân tích rõ những hạn chế của Luật Dầu khí hiện hành dẫn đến xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài chuyển hướng đầu tư vào các ngành khác; Chưa làm rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí khi hiện nay bộ máy đã có nhiều thay đổi… UB Kinh tế đề nghị cần nghiên cứu một cách tổng thể, sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí theo định hướng mà Bộ Chính trị đã phê duyệt là phát triển ngành dầu khí nước ta trên các lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh sản phẩm từ dầu khí. Đồng thời, việc nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí cũng phù hợp với Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của QH Khóa XII, khắc phục tình trạng sửa đổi luật quá nhiều trong một khoảng thời gian quá ngắn. UB Kinh tế cũng kiến nghị nên mở rộng thêm phạm vi sửa đổi các quy định về bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực cho ngành dầu khí và quy định về tính minh bạch tài chính đối với nguồn thu bán tài nguyên dầu thô.

 

      Trước băn khoăn của Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận về việc sửa đổi một số điều như Tờ trình sẽ đáp ứng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 đến đâu? Việc sửa đổi ấy có thực sự khắc phục được những vướng mắc hiện nay của ngành Dầu khí hay không? - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận là chưa đáp ứng được và giải trình thêm: Đến năm 2010 Bộ Công thương sẽ xây dựng xong một Luật Dầu khí đầy đủ với cả 3 khâu thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng: Hầu hết các nước có ngành dầu khí phát triển cũng không có một luật đầy đủ cả 3 khâu như vậy mà chỉ tập trung vào điều chỉnh khâu thăm dò, khai thác dầu khí thôi. Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam Đinh La Thăng giải trình thêm: Các quy định về đấu thầu dầu khí, đặc biệt là đấu thầu các dịch vụ dầu khí hiện nay đang là vấn đề vướng nhất của ngành dầu khí ảnh hưởng lớn tới hiệu quả kinh tế của ngành nhưng nếu sửa như tờ trình của Chính phủ thì cũng chưa khắc phục được.

 

      Vấn đề khiến các Ủy viên UBTVQH băn khoăn nhiều nhất là sửa đổi toàn diện hay chỉ sửa đổi một số điều của Luật Dầu khí hiện hành. Theo Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, ngành Dầu khí có vai trò đặc biệt trong nền kinh tế, chiếm đến 25% GDP và là ngành kinh tế đặc thù nên QH đã thảo luận rất kỹ về việc sửa đổi toàn diện hay chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều; Khi đề nghị QH đưa dự án Luật này vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh Khóa XII, Chính phủ cũng đề nghị sửa đổi toàn diện, nay trình UBTVQH lại chỉ sửa đổi một số điều là trái với Nghị quyết của QH – Cách làm tiền hậu bất nhất như vậy sẽ khó thuyết phục được các ĐBQH - Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh và yêu cầu: Nếu Chính phủ cảm thấy trong điều kiện hiện nay chỉ cần sửa đổi một số điều thôi thì phải báo cáo QH trước rồi hãy tính đến việc sửa đổi như thế nào. Tuy nhiên, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng và Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình ủng hộ quan điểm sửa đổi, bổ sung một số điều theo tờ trình của Chính phủ vì thực tế Chính phủ cũng chưa tính được hết những vấn đề cần phải sửa đổi nên nếu sửa đổi toàn diện ngay thời điểm này thì vừa không điều chỉnh kịp các vấn đề vướng mắc hiện nay mà sau này cũng sẽ vẫn phải tiếp tục sửa đổi.

 

      Kết luận, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên yêu cầu Chính phủ nghiên cứu và bổ sung thêm một số quy định mang tính nguyên tắc về các hoạt động vận chuyển, chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ dầu khí. Theo đó, dự án Luật vẫn được giữ nguyên tên gọi là Luật Dầu khí (sửa đổi) trên cơ sở các quy định của Luật Dầu khí hiện hành, các quy định theo tờ trình của Chính phủ, kiến nghị của UB Kinh tế và các quy định về vận chuyển, chế biến và kinh doanh sản phẩm dầu khí. Do nội dung sửa đổi không lớn, dự án Luật Dầu khí sửa đổi sẽ được thông qua tại một Kỳ họp.

 

      Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, UBTVQH đã thông qua Quy chế hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của QH (sửa đổi) và thông qua Nghị quyết về triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan QH từ năm 2000 đến nay và định hướng phát triển trong thời gian tới.

 

P.Thuỷ

(http://nguoidaibieu.com.vn)