Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo

15/07/2008

Tiếp tục chương trình giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) sử dụng vốn nhà nước từ 2005- 2007, ngày 14.7, Đoàn giám sát của UBTVQH đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo dưới sự chủ trì của Ủy viên UBTVQH, Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát của UBTVQH, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyêén Văn Thuận.

Tâm điểm của Đoàn giám sát là việc thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học và đề án quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006- 2020. Đoàn giám sát đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ nguyên nhân dẫn đến tiến độ chậm trễ của chương trình kiên cố hóa trường lớp học; Số lượng phòng học mới chỉ đáp ứng yêu cầu “bán kiên cố” là bao nhiêu, chủ yếu nằm ở địa phương nào? Ủy viên UB Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ Lê Như Tiến nêu tình trạng một số địa phương chi sai mục đích nguồn ngân sách hỗ trợ kiên cố hóa trường lớp học (ví dụ như cho doanh nghiệp vay, hoặc chuyển vốn cho các công trình khác không thuộc chương trình); Không ưu tiên phân bổ vốn cho nơi thực sự khó khăn. Câu hỏi được đặt ra: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thanh tra, giám sát những trường hợp trên hay chưa, kết quả xử lý như thế nào?   

Báo cáo với Đoàn giám sát của UBTVQH, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, tiến độ chậm trễ của chương trình là do cán bộ quản lý dự án không đủ năng lực và cơ chế quản lý không phù hợp với điều kiện cán bộ. Bộ đã thanh tra, nhắc nhở và xử lý những trường hợp sử dụng ngân sách cho chương trình không hợp lý. Về Đề án quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, Thứ trưởng Phạm Vũ Luận chưa giải đáp được hầu hết các câu hỏi của nhiều thành viên trong Đoàn giám sát...

Khẳng định giám sát là để làm rõ thực trạng và tìm giải pháp, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo  đánh giá hệ thống pháp luật hiện hành về đầu tư XDCB trong phạm vi quản lý của mình có trói buộc, gây khó khăn gì? Mối quan hệ giữa các Bộ trong vấn đề XDCB như thế nào? Từ đó, đưa ra những kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu cuộc sống.

 

H.Loan

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)