Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam

07/04/2017

Chiều 7/4, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội do Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên dẫn đầu đã làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng- kinh doanh- chuyển giao (BOT).

VDB hiện đang quản lý, cho vay 3 dự án BOT: Dự án đường cao tốc ô tô Hà Nội - Hải Phòng do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (Vidifi) làm chủ đầu tư; Dự án xây tuyến tránh TP Nam Định từ thị trấn Mỹ Lộc đến Quốc lộ 10 và Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu Tân Đệ đến cầu La Uyên đều do Công ty CP Tasco làm chủ đầu tư. Số vốn VDB chấp thuận cho vay tối đa với 3 dự án là hơn 39.186 tỷ đồng; tính đến ngày 31.3.2017 VDB đã giải ngân gần 34.400 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt hơn 30.000 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT VDB Phạm Quang Tùng cho biết, 2 dự án do Công ty Tasco làm chủ đầu tư không phát sinh nợ quá hạn và lãi treo. Khó khăn hiện nằm ở dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mà VDB vừa là nhà tài trợ vốn, vừa trực tiếp góp vốn đầu tư. Dự án này vay vốn theo cơ chế thí điểm, theo đó VDB thu xếp vốn cho Vidifi để thực hiện đầu tư, kinh doanh dự án, số vốn cho vay được quản lý theo cơ chế vốn vay thương mại. Tính đến 31.3.2017, VDB đã giải ngân cho dự án này hơn 33.651 tỷ đồng; dư nợ đạt 29.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay các khoản đầu tư trực tiếp của Nhà nước (thông qua tái cơ cấu khoản vay 300 triệu USD) và hỗ trợ giải phóng mặt bằng (hơn 4.000 tỷ đồng) chưa được ghi vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 đã dẫn đến mất cân đối nghiêm trọng về tài chính của cả VDB và Vidifi. VDB đang phải cơ cấu nợ cho dự án với mức thu nợ gốc và lãi phù hợp với nguồn thu phí hiện tại.

VDB kiến nghị Quốc hội sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư theo hình thức công - tư (PPP), trong đó có BOT; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành ghi vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 các khoản hỗ trợ của Nhà nước cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đề nghị các bộ, ngành không nên quản lý vốn đầu tư PPP như vốn nhà nước, vì sẽ làm cho thủ tục rườm rà, chậm tiến độ.   

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi về những khó khăn của VDB trong dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cũng như hiệu quả của dự án; yêu cầu VDB làm rõ kết quả thực hiện Quyết định 1621/QĐ-Ttg năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách thí điểm đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Tham gia giải trình, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho  biết: Bộ Giao thông - Vận tải đã thống nhất đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn khoản 4.000 tỷ đồng hỗ trợ giải phóng mặt bằng của dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đề xuất dùng nguồn vốn dự phòng để trang trải. Đối với khoản tái cơ cấu 300 triệu USD vốn vay, Bộ Tài chính đã có phương án cụ thể.  

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng, tuy số lượng dự án giao thông BOT được VDB cho vay không nhiều nhưng tổng vốn cho vay lớn và chủ yếu dồn vào dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ghi nhận đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có chất lượng tốt nhất trong hệ thống cao tốc của Việt Nam song Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám cũng cho rằng, dự án này có nhiều đặc thù như: Áp dụng nhiều cơ chế, chính sách thí điểm; việc phân giao và kiểm tra thực hiện Quyết định 1621 của Thủ tướng với các bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm; có sự chồng chéo nhiệm vụ giữa nhà đầu tư và Ban quản lý dự án của Bộ Giao thông - Vận tải trong quá trình triển khai, thực hiện dự án. Bên cạnh việc Nhà nước không thực hiện cam kết hỗ trợ giải phóng mặt bằng và làm phát sinh hơn 4.000 tỷ đồng, thì nhà đầu tư cũng chưa tạo ra được lợi nhuận từ diện tích đất đã được phân giao trong Quyết định 1621. Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát ghi nhận các kiến nghị của VDB và cho rằng những cam kết của Chính phủ phải được thực hiện hoặc có biện pháp hỗ trợ khác.

(Theo ĐBND)

Các bài viết khác