Tham dự buổi làm việc có Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên; đại diện Sở Nội vụ, lãnh đạo UBND huyện Đức Trọng và các phòng, ban chuyên môn.
Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc Ảnh: P.Thủy
Theo báo cáo của UBND huyện Đức Trọng, trong giai đoạn giám sát, công tác tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã được quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời và đồng bộ trên địa bàn. Quá trình thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính đã có tác dụng, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Qua rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, UBND huyện đã kiện toàn 13 phòng chuyên môn, giảm 1 phòng chuyên môn so với năm 2011. Từ năm 2015 đến nay, UBND huyện đã thực hiện tinh giản biên chế với 8 công chức, viên chức; trong năm 2017 này đang đề nghị tinh giản với 8 công chức, viên chức. Về việc bổ nhiệm cán bộ, trong thời gian qua huyện có bổ nhiệm một số cán bộ, viên chức lãnh đạo chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, song các trường hợp này đều xin ý kiến của Sở Nội vụ trước khi tiến hành bổ nhiệm.
Báo cáo của UBND huyện Đức Trọng cũng nêu rõ, vẫn có một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động triển khai thực hiện tinh giản biên chế, thiếu giải pháp cụ thể, còn nặng tính hình thức, nên không xử lý dứt điểm những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng Võ Văn Phương, quá trình thực hiện tinh giản biên chế cũng có khó khăn, do đối tượng được thực hiện chính sách theo Nghị định của Chính phủ còn hẹp, chưa bao quát, đáp ứng với tình hình thực tế.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá cao việc UBND huyện Đức Trọng đã thực hiện đồng thời 3 nhiệm vụ: rà soát chức năng nhiệm vụ, sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế; ghi nhận kiến nghị của huyện về việc phân bổ biên chế phù hợp với sự phát triển kinh tế- xã hội, điều kiện và đòi hỏi của công tác quản lý nhà nước ở từng địa bàn, khiến các cơ quan chuyên môn trong UBND huyện chịu áp lực công việc quá lớn, không cào bằng như hiện nay. Một số ý kiến cũng lưu ý, số lượng cán bộ không chuyên trách cấp xã trên địa bàn Lâm Đồng cũng như trên địa bàn huyện hiện khá lớn. Do đó, địa phương cần chủ động sắp xếp, tổ chức lực lượng này theo hướng vừa bảo đảm hiệu quả quản lý, vừa giúp tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách và mang lại sự hài lòng cho người dân. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị, Đức Trọng cần nghiên cứu kinh nghiệm của một số địa phương trong việc chủ động sáp nhập một số đơn vị để làm tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, bảo đảm hiệu quả công việc.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao sự phát triển vượt bậc về kinh tế- xã hội của Đức Trọng trong bối cảnh tổ chức bộ máy hành chính, số phòng, ban phải giữ ổn định, biên chế giảm. Theo Phó Trưởng Đoàn giám sát, bộ máy và biên chế giữ nguyên, trong khi khối lượng công việc tăng lên nhiều, cho nên các kết quả đạt được chắc chắn phải do tăng hiệu suất làm việc, sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các bộ phận, và có ứng dụng công nghệ thông tin… Ghi nhận phản ánh của Đức Trọng về việc có vướng mắc giữa một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát đề nghị, Lâm Đồng cần rà soát, chú ý phân cấp cho các phòng, ban chuyên môn, chính quyền cấp xã, để có thể tập trung thực hiện những công việc quan trọng của địa phương.