Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sĩ Lợi phát biểu tại hội thảo
Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và truyền thông, Bảo hiểm xã hội, đại diện một số bệnh viện, cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu quan tâm đến lĩnh vực trên.
Báo cáo tại hội thảo, đại diện Bộ Y tế cho biết trong thời gian vừa qua, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, sự chỉ đạo của thủ tướng chính phủ về việc triển khai tin học hóa trong lĩnh vực Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Bộ mã Danh mục dùng chung, ban hành Chuẩn dữ liệu đầu ra, kết nối, liên thông dữ liệu giữa cơ sở khám chữa bệnh với cơ quan quản lý và cơ quan Bảo hiểm xã hội. Theo số liệu thống kê tại Cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế đến hết tháng 3/2017, đã có: hơn 57% cơ sở khám chữa bệnh chuyển dữ liệu lên Cổng dữ liệu y tế (Bộ Y tế). Trong đó có khoảng 51% cơ sở khám chữa bệnh triển khai phần mềm VNPT-HIS, hơn 800 cơ sở khám chữa bệnh (chiếm 6,29%) triển khai phần mềm khám chữa bệnh khác, còn lại trên 5.000 cơ sở khám chữa bệnh (chiếm 42,82%) chưa thực hiện chuyển dữ liệu khám chữa bệnh lên Cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế còn tồn đọng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế, cụ thể hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định trong lĩnh vực công nghệ thông tin ngành y tế còn thiếu, chưa hoàn thiện, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện; Một số văn bản hướng dẫn do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành chưa thống nhất với Bộ Y tế, chưa được hướng dẫn cụ thể, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, dẫn đến khi triển khai áp dụng gây lúng túng, khó khăn cho các cơ sở y tế; đặc biệt là việc nhiều cơ sở khám chữa bệnh nhầm lẫn giữa thời điểm ra viện và thời điểm thanh toán dẫn đến sự chậm trễ trong việc chuyển dữ liệu về cổng tiếp nhận để phục vụ quản lý thông tuyến.
Trong thời gian vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều hoạt động đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính nhằm mục đích hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý. Cụ thể về về hạ tầng, ngành đã đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu, xây dựng và trang bị các thiết bị công nghệ thông tin tại Trung tâm dữ liệu để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành và các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của Ngành; rà soát thiết bị công nghệ thông tin của Bảo hiểm xã hội tỉnh/thành phố để có kế hoạch trang bị kịp thời, luôn đảm bảo máy trạm cho cán bộ nghiệp vụ sử dụng, khai thác phần mềm và thiết bị mạng, bảo mật để đảm bảo kết nối từ Bảo hiểm xã hội tỉnh/thành phố với Trung tâm dữ liệu liên tục, ổn định; trang bị kênh truyền riêng (WAN ngành) kết nối Bảo hiểm xã hội tỉnh/thành phố đến Trung tâm dữ liệu ngành gồm 66 kênh truyền, trong đó: 63 Bảo hiểm xã hội tỉnh/thành phố, 02 trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam và 01 kênh tổng tại Trung tâm dữ liệu ngành…
Năm 2015, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chính thức vận hành Hệ thống giao dịch điện tử tập trung để quản lý, theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo việc thực hiện thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố được công khai minh bạch, chuyên nghiệp đáp ứng mục tiêu cải cách thủ tục hành chính mà ngành đề ra.
Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đánh giá việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã góp phần tự động hóa, đơn giản hóa các quy trình nghiệp vụ, thủ tục hành chính, công khai và minh bạch quyền lợi và nghĩa vụ của các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; bảo đảm công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng lao động và người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội, đồng thời giúp nâng cao nhận thức và tạo lập mối quan hệ gắn bó, tin cậy của người tham gia với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Các đại biểu cũng nhận định, với thực tế số lượng tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội ngày càng đông như hiện nay dẫn đến khối lượng công việc ngày càng nhiều, địa bàn quản lý rộng nhưng chỉ tiêu biên chế còn hạn chế nên việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin ở tất cả các khâu nghiệp vụ đã mang lại lợi ích và hiệu quả rõ rệt, giảm bớt áp lực của công việc ngày càng gia tăng của cán bộ, viên chức.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, trên thực tế việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Cụ thể, một số lãnh đạo và viên chức Bảo hiểm xã hội các quận, huyện chưa nhận thức được đầy đủ vai trò và tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tỷ lệ viên chức chuyên trách công tác công nghệ thông tin trên tổng số cán bộ của bảo hiểm xã hội thành phố vẫn còn thấp, trong khi đó công tác đào tạo chuyên sâu và đào tạo nâng cao chưa được chú trọng nên chưa đem lại hiệu quả cao trong công tác ứng dụng công nghệ.
Xuất phát từ những tồn đọng trên, một số đại biểu cũng đưa ra đề xuất, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống các phần mềm nghiệp vụ cũng như trung tâm dữ liệu tập trung của ngành để đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh trao đổi thông tin với hệ thống bên ngoài như cơ quan Thuế, các Trung tâm dịch vụ việc làm, các đơn vị sử dụng lao động…; xây dựng hệ thống thanh kiểm tra nghi ngờ vi phạm về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đối với Bộ Y tế, cần đẩy nhanh tin học hóa bệnh viện, thực hiện xây dựng một phần mềm quản lý bệnh viện chung cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, thực hiện quản lý bệnh nhân bằng sổ y bạ, bệnh án điện tử để đảm bảo việc áp dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh cũng như quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt được hiệu quả cao nhất.
Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi đánh giá cao những nỗ lực của Bảo hiểm xã hội, Bộ Y tế, cũng như các đơn vị hữu quan trong công tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động khám chữa bệnh và quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Phó Chủ nhiệm đề nghị, những cơ quan này cần tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm để ngồi lại với nhau, tháo gỡ những khó khăn, chồng chéo, hay những vướng mắc còn tồn đọng để đi đến đích cuối cùng là làm sao đảm bảo được quyền lợi cho người dân một cách một cách tốt nhất, nhanh nhất, thuận tiện nhất.