Theo Báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Quảng Bình có 8 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 1 thành phố, 1 thị xã, 6 huyện, trong đó, có 1 huyện vùng cao, 1 huyện miền núi và 4 huyện có miền núi, toàn tỉnh có 159 đơn vị hành chính cấp xã. Đến cuối năm 2016, số đơn vị hành chính được phân loại theo tiêu chí 3 khu vực: có 44 xã khu vực III, 10 xã khu vực II, 10 xã khu vực I. Trên cơ sở văn bản của Ủy ban Dân tộc, Quyết định 50/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Ban Dân tộc phối hợp với các ngành chức năng và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã có xã thuộc vùng dân tộc và miền núi trên địa bàn tổ chức hướng dẫn quy trình và tổ chức xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020. Kết quả xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã vùng dân tộc khó khăn và miền núi theo Quyết định 50 của Thủ tướng có 342 thôn đặc biệt khó khăn.
Theo Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, việc phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển và phân định xã, huyện là vùng cao là chủ trương đúng đắn, hợp lý của Đảng và Nhà nước, làm cơ sở để xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tập trung nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiêu chí phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi vùng cao được ban hành từ lâu, đến nay nhiều đơn vị hành chính câp huyện, xã được chia tách, thành lập mới nhưng chưa được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế. Việc ban hành tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã vùng thuộc dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 50 chưa quy định cụ thể với các xã đạt nông thôn mới. Do đó, có trường hợp xã đạt nông thôn mới nhưng vẫn có thôn đặc biệt khó khăn hoặc vẫn là xã khu vực II.
Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình kiến nghị, Ủy ban Dân tộc xem xét điều chỉnh, bổ sung tiêu chí và tổ chức rà soát, xác định xã, huyện, tỉnh là miền núi vùng cao cho phù hợp với điều kiện hiện nay. Cùng với đó, sớm phê duyệt kết quả phân định thôn đặc biệt khó khăn, xã thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 50 để có cơ sở thực hiện các chương trình, chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong năm 2017 và các năm tiếp theo…
Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình
Đoàn giám sát đề nghị, Quảng Bình cần làm rõ những vướng mắc trong thực hiện Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ; nhấn mạnh mục tiêu của phân định lại vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển nhằm hoạch định chính sách, chú trọng ưu tiên đầu tư phát triển các vùng này, do đó có cần thiết phải bổ sung cơ chế đặc thù gì cho các vùng đặc thù cho trên địa bàn tỉnh hay không?
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đánh giá cao những kết quả mà Quảng Bình đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung và phát triển vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi nói riêng. Kết quả phân định các xã, huyện là miền núi cao cơ bản bảo được bảm đảm thực hiện công khai, qua đó, thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào vùng núi, đời sống của người dân được ổn định. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho các chương trình, chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu, còn một số tiêu chí hiện không còn phù hợp.
Để nâng cao nâng cao hiệu quả các chính sách dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, Quảng Bình tiếp tục tập trung nguồn lực cho khu vực miền núi, vùng khó khăn. Kết quả thực hiện phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao sẽ là cơ sở để Hội đồng Dân tộc xem xét, đánh giá lại các chính sách đầu tư cho phù hợp, qua đó xây dựng dự án Luật về hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.