ĐẢM BẢO GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI VÀ TRONG TIÊU HỦY GIA SÚC, GIA CẦM

06/11/2019

Chiều ngày 06/11, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tham gia trả lời về các vấn đề liên quan đến đất đai và môi trường trong quá trình thực hiện nông thôn mới, xử lý gia súc, gia cầm chết do bệnh dịch.

Xem xét cặn kẽ từng vấn đề liên quan đến xử lý chất thải khu vực nông thôn

Đại biểu Phạm Văn Tuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đặt câu hỏi chất vấn liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại biểu Phạm Văn Tuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, cho rằng thời gian qua quá trình xây dựng nông thôn mới mới tập trung vào xây dựng các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội chưa thực sự làm chuyển biến, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, còn hạn chế về vấn đề bảo vệ môi trường và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đại biểu đề nghị các Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp giải quyết tốt vấn đề môi trường ở khu vực nông thôn trong giai đoạn tới?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định vấn đề đại biểu đề cập liên quan đến chỉ tiêu môi trường trong nông thôn mới và tính bền vững là vấn đề hết sức chính xác.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, bên cạnh việc vui mừng trước những thành công đi trước 2 năm để thực hiện chỉ tiêu nông thôn, cũng cần phải thấy trong đó có nhiều chỉ tiêu mới chỉ là bước đầu và tính bền vững sau khi công nhận nông thôn mới đối với các xã này sẽ như thế nào.

Bộ trưởng cho biết, trong số các chỉ tiêu nông thôn mới, chỉ tiêu 17 về môi trường và an toàn thực phẩm với 8 bộ chỉ số thì còn nhiều chỉ số phụ thuộc vào sự quan tâm đầu tư hạ tầng của từng tỉnh, thành phố, liên huyện, như vấn đề thu gom, xử lý chất thải, vấn đề đầu tư hạ tầng liên quan đến thu gom và xử lý nước thải tập trung tách với nước mưa, vấn đề thu gom các bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Cùng với đó, vấn đề thực hiện công tác quy hoạch để làm sao phát triển hạ tầng nông thôn đảm bảo không xung đột trong vấn đề các làng nghề các cụm công nghiệp hiện nay chưa quan tâm và về cơ bản nước thải, chất thải, kể cả chất thải nguy hại chưa được thu gom, xử lý, tỷ lệ rất thấp.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Liên quan đến môi trường nông thôn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sắp tới Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nô g thôn sẽ có báo cáo để xem xét, tiếp cận từng vấn đề, đặc biệt là vấn đề quy hoạch, vấn đề xử lý chất thải rắn, xử lý các chất thải nguy hại, đặc biệt là chất thải trong quá trình hoạt động sản xuất nông nghiệp có gắn với công nghiệp làng nghề nguy hại, những vấn đề liên quan đến việc quản lý các cụm công nghiệp hiện nay, các ngành công nghiệp lạc hậu.

Bảo vệ quyền lợi của người dân với ruộng đất

Liên quan đến vấn đề đất nông nghiệp, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, cho rằng năm 2019, kinh tế hộ nhỏ lẻ tích tụ tập trung đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn nhất, cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gây khó khăn cho ứng dụng khoa học, công nghệ và cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết thêm về nguyên nhân chậm khắc phục tình trạng như đã nêu trên và giải pháp của Chính phủ trong thời gian tới?

Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy – Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng, cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để hạn chế việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để tiết kiệm tài nguyên đất và đảm bảo an ninh lương thực?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy – Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận không bảo vệ được đất nông nghiệp là một vấn đề rất đáng lo ngại. Do đó, cần phải bảo vệ quỹ đất, không gian đất cho phát triển lâu dài của đất nước.

Ban Chấp hành Trung ương đã có Nghị quyết số 19, trong đó đã nói rõ là sẽ giữ trên 3,8 triệu hecta đất nông nghiệp, đất trồng lúa và cũng đã có những quy định rất chặt chẽ trong vấn đề quy trình, thủ tục, thẩm quyền để chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Để chuyển đổi 10 hecta đất lúa thì phải trình đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trong chỉ tiêu phân bổ hiện nay thì Quốc hội đã phân bổ rất chặt chẽ chỉ tiêu, đặc biệt là đất nông nghiệp, đất trồng lúa. Nói như vậy thì các quy định của chúng khá chặt chẽ nhưng rõ ràng là chúng ta chưa có những quy định đi vào những chỉ tiêu cụ thể.

Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa có quy định đi vào những chỉ tiêu cụ thể, đất nông nghiệp nằm ở đâu, chỉ tiêu nào khẳng định là đất nông nghiệp được xác định là "bờ xôi ruộng mật" cần phải bảo vệ.

Liên quan đến vấn đề tích tụ ruộng đất, Bộ trưởng cũng bày tỏ đồng tình với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn và xác định quan điểm công nghệ càng cao thì quy mô đất càng phải ít đi; đồng thời nhấn mạnh quan điểm có tích tụ hay là tập trung nhưng phải bảo vệ quyền lợi của người dân với ruộng đất để người dân có sinh kế lâu dài. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng tập trung đất đai là cần thiết để phát triển nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều mô hình để phát triển như dồn điền đổi thửa, mô hình liên doanh, liên kết hình thành hợp tác xã, các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị từ giống, chế biến, bảo quản thị trường. Hiện nay, Bộ Tài nguyên – Môi trường đang trình với Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về một số mô hình trung tâm phát triển đất để huy động nguồn lực đất đai từ người dân và cho các doanh nghiệp thuê, đồng thời người dân cũng được hưởng lợi hoặc có thể tham gia liên kết trên cơ sở sự thỏa thuận của doanh nghiệp. Cùng với đó là tính đến nhiều cơ chế về thị trường như các quỹ bảo hiểm đối với vấn đề liên quan đến đất nông nghiệp.

Nghiên cứu để có phương pháp xử lý gia súc gia cầm nhiễm dịch bệnh tốt hơn

Trước thực trạng, năm 2019 hàng chục triệu con lợn bị dịch tả lợn châu Phi đã và đang được chôn lấp, cử tri phản ánh việc chôn lấp làm vội vàng và sơ sài, đại biểu Mai Sỹ Diến – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết số lượng lợn chôn lấp nêu trên trong thời gian ngắn có ô nhiễm môi trường không? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong chỉ đạo hướng dẫn các giải pháp đảm bảo môi trường đối với khu vực có số lượng chôn lấp?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có quy định rất rõ về việc xử lý, chôn lấp các gia cầm gia súc khi bị bệnh để đảm bảo đạt các yêu cầu môi trường. Vấn đề đặt ra là việc tổ chức kiểm tra thực hiện ở các cơ sở có đáp ứng yêu cầu hay không.

Bộ trưởng cho biết thêm, hiện nay, Bộ cũng đang trao đổi với Viện Hàn lâm Nông nghiệp trong việc xem xét, đánh giá đối với việc dịch bệnh trong thời gian vừa qua thì liệu có phương án nào xử lý tốt hơn không. Trước khi có kết quả thì hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chỉ khuyến nghị hai phương án, đó là tiêu hủy  thiêu đốt và chôn lấp hợp vệ sinh theo những quy phạm Bộ đã quy định rất rõ.

Bảo Yến