QUỐC HỘI CHẤT VẤN ĐỐI VỚI BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG TRẦN TUẤN ANH

06/11/2019

Chiều ngày 06/11, tiếp tục chương trình phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chịu trách nhiệm trả lời chính.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các vấn đề: Một là công tác quản lý điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực; quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Hai là hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước; thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại, quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng. Ba là phát triển ứng dụng cơ khí chế tạo trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo nhanh trước Quốc hội

Báo cáo nhanh trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đây là lần thứ ba Bộ trưởng Bộ Công thương được đưa vào danh sách để tham gia chương trình chất vấn của đại biểu Quốc hội. Điều đó cho thấy những yêu cầu, nhiệm vụ và trọng trách rất lớn của ngành công thương trong việc cùng với các bộ, ngành của Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng thể chế pháp luật, chấp hành pháp luật trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công tác điều hành của Chính phủ để đảm bảo những yêu cầu phát triển cho đất nước mang tính bền vững trong giai đoạn phát triển mới, cũng như hội nhập sâu rộng với thế giới.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đây là những yêu cầu thường xuyên, đồng thời cũng thể hiện rõ sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước cũng như của cộng đồng doanh nghiệp đối với những yêu cầu trách nhiệm của mình trong công tác thực thi các nhiệm vụ để xây dựng môi trường kiến tạo, phục vụ cho việc phát triển bền vững về kinh tế và xã hội cũng như về hội nhập.

Bộ trưởng Bộ Công thương chia sẻ, sau mỗi kỳ họp của Quốc hội, sau những phiên chất vấn với những kết luận của Chủ tịch Quốc hội và của Quốc hội, Bộ Công thương luôn luôn xác định trách nhiệm của mình trong việc quán triệt, tiếp thu và phối hợp cùng với các bộ, ngành để thực hiện nghiêm những chỉ đạo, kết luận của Quốc hội qua các phiên chất vấn, chấp hành nghiêm những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Chính phủ trong việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ cơ bản trong quản lý nhà nước của mình, đồng thời, tạo điều kiện để thực thi, xây dựng, hoàn thiện về thể chế pháp luật cũng như môi trường đầu tư kinh doanh để phục vụ cho phát triển.

Tuy nhiên, trong thời gian với tính chất là một bộ quản lý ngành ở nhiều lĩnh vực đa dạng, dù có những nỗ lực, cố gắng nhưng Bộ Công thương cũng còn có nhiều hạn chế trong quá trình thực thi, trong đó có những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Vì vậy, Bộ luôn coi mỗi phiên chất vấn là cơ hội để tiếp tục được lắng nghe những ý kiến của đại biểu Quốc hội, của cử tri để giúp cho Bộ Công thương tiếp tục hoàn thiện và hoàn thành ở mức cao trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị và chuyên môn của mình.

Bộ trưởng cũng cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước sẽ có cách tiếp cận, quan điểm cầu thị, xây dựng và trung thực, thẳng thắn để lắng nghe và tiếp thu các ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Tại phiên chất vấn các đại biểu Phương Thị Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn; đại biểu Lê Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai; đại biểu Đôn Tuấn Phong – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang; đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh; đại biểu Phan Viết Luận – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước; đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp; đại biểu Nguyễn Thành Công – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình; đại biểu Ngàn Phương Loan– Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn; đại biểu Dương Tấn Quân– Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu... đã đặt ra nhiều câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về các nội dung: Tiến độ thực hiện dự án đưa điện về nông thôn; vấn đề phát triển điện mặt trời; chính sách mới để phát triển năng lượng sạch; hiệu quả của việc sắp xếp lại bộ máy quản lý thị trường; giải pháp phát triển công nghiệp phụ trợ trong thời gian tới; giải pháp ngăn chặn tình trạng hàng hóa nhập khẩu có in bản đồ hình lưỡi bò; kiểm soát hàng giả, hàng nhái; biện pháp bảo vệ doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước; quản lý các sản phẩm kinh doanh qua mạng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải pháp ngăn chặn tình trạng bán hàng đa cấp biến tướng;...

Đại biểu Nguyễn Thành Công – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình 

Đại biểu Nguyễn Thành Công – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết, gần đây có hiện tượng các tập đoàn, một số công ty của nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ô tô; sản xuất, phân phối sản phẩm cơ khí chế tạo khi tới thời điểm thị trường Việt Nam tăng trưởng tốt và đủ lớn thì có kế hoạch gây sức ép cho các doanh nghiệp liên doanh hợp tác của Việt Nam chuyển nhượng cổ phần, nhượng lại các lĩnh vực mà các doanh nghiệp trong nước đang làm tốt. Chính phủ, Bộ trưởng có những biện pháp gì để bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất cơ khí chế tạo trong nước và bảo vệ các doanh nghiệp Việt Nam? 

Có cùng quan tâm, đại biểu Phan Viêt Lượng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước nhấn mạnh đây là ngành có vai trò rất quan trọng, Quốc hội đã có nghị quyết riêng về vấn đề này, song công nghiệp hỗ trợ phát triển còn chậm chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của nền kinh tế. Đại biểu yêu cầu Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm về hạn chế này và giải pháp trong thời gian tới.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đề nghị Bộ trưởng cần giải trình rõ hơn về vấn đề hàng hóa nước ngoài đội lốt, hàng nhái, hàng giả, cơ chế phòng vệ thương mại của nước ta. Đại biểu cho rằng, Bộ trưởng trả lời rất đúng về nhận định, đánh giá của Chính phủ, của Bộ về nguy cơ hàng nước ngoài lợi dụng các hiệp định thương mại của Việt Nam để mượn đường đi nước thứ 3. Bộ trưởng cũng đã nêu được những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng xử lý vấn đề rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất Bộ trưởng chưa trả lời được đó là lỗ hổng rất lớn về pháp luật. Hàng rào kỹ thuật chưa đủ mạnh để kiểm soát tình hình, đặc biệt là sự công khai, minh bạch về quy định hàng Việt Nam là thế nào. Chính sự thiếu minh bạch này đã làm cho nhiều doanh nghiệp như kiểu Asanzo, Khải Silk có đơn thuần là gian lận thương mại hay không. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cần nói rõ hơn về vấn đề này. 

Liên quan đến phát triển điện mặt trời, đại biểu Lê Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai đặt vấn đề, quy hoạch Điện VII có ý nghĩa gì khi công suất quy hoạch 850MW cho năm 2020 và 1.200MW cho năm 2030 đã bị phá vỡ, với công suất hiện tại lên tới 7.230MW vượt 9 lần so với quy hoạch ban đầu và sẽ còn tăng thêm 2.186MW giai đoạn 2020-2030 và hiện nay là 121 dự án đã được cấp phép và còn 210 dự án đang chờ phê duyệt.

Đại biểu Lê Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Đại biểu Lê Thu Hà cũng chỉ rõ, việc thiếu đồng bộ giữa phát triển quá nóng, mất cân đối với hạ tầng, buộc các dự án phải cắt giảm công suất đã gây thiệt hại vô cùng lớn cho các nhà đầu tư, lãng phí và làm méo mó thị trường năng lượng tái tạo.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết hiệu quả kinh tế khi khai thác năng lượng điện mặt trời khi mà mức giá của điện mặt trời là 9,35 cen/1KW trong vòng 20 năm là khá cao so với các nước trong khu vực cũng như so với giá các nguồn năng lượng khác.

Theo chương trình, phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh sẽ tiếp tục kéo dài đến sáng ngày 07/11./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức