Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, thực tiễn công tác phòng, chống ma túy thời gian qua cho thấy, đây là một công tác lớn, luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, công tác phòng, chống ma túy đã có nhiều chuyển biến. Cụ thể:
Công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy đã có sự đổi mới về nội dung đa dạng về hình thức, huy động được sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, đông đảo quần chúng và các đối tượng cần tập trung tuyên truyền, giáo dục, đặc biệt là cấp cơ sở; nhiều mô hình tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy có hiệu quả được triển khai, nhân rộng.
Toàn cảnh hội thảo
Công tác cai nghiện ma túy đã từng bước đổi mới, tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai cho một lượng lớn người nghiện nhằm hạn chế sự lan rộng của tệ nạn ma túy; tiếp tục củng cố cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dịch vụ cai nghiện; khuyến khích và mở rộng cai nghiện tự nguyện; mở rộng chương trình điều trị bằng thuốc Methadone; tiến hành nghiên cứu, thẩm định và cấp phép thuốc điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy cho nhiều loại thuốc, phương pháp điều trị; xây dựng được chính sách hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho người sau cai.
Hơn nữa, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy cũng đạt được nhiều kết quả tốt; các lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy tăng cường nắm tình hình, tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác đấu tranh trên các tuyến, địa bàn trọng điểm nhất là tuyến biên giới đường bộ, tuyến đường hàng không, đường biển; đẩy mạnh công tác phối hợp, triển khai các hoạt động khảo sát, phối hợp, kiểm tra, ngăn chặn từ xa.. qua đó, nhiều tổ chức, đường dây tội phạm vận chuyển, mua bán ma túy lớn trong nước và xuyên quốc gia được phát hiện bắt giữ; thu giữ lượng ma túy rất lớn.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Hoàng Mai và các đại biểu đánh giá, với nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, hoạt động phòng, chống ma túy đã góp phần tích cực bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của hoạt động phòng, chống ma túy, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, hoạt động này còn nhiều khó khăn, vướng mắc, thiếu sót, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thực tiễn, đặc biệt là trong tình hình hiện nay.
Các nữ ứng cử viên tham dự Hội thảo
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được như nêu trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Hoàng Mai và một số đại biểu cũng cho rằng công tác phòng, chống ma túy cũng còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy. Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và thông qua tại kỳ họp thứ 11 với tỷ lệ 94,58%. Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được thông qua đã thiết lập chính sách cơ bản về các biện pháp và hình thức cai nghiện, các biện pháp can thiệp giảm hại, biện pháp quản lý sau cai với từng nhóm đối tượng khác nhau.
Luật ra đời nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy; nâng cao nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy, củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; hướng tới mục tiêu quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội và mở rộng tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy, qua đó ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước, kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.
Tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Hoàng Mai đã nêu rõ một số điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Đây cũng là những nội dung mà các cử tri rất quan tâm, đòi hỏi các ứng cử viên phải nắm rõ.
Theo đó, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) có 8 Chương và 55 điều, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật có một số điểm mới bổ sung như sau:
Bổ sung 1 Chương mới (Chương IV) về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Bổ sung quy định xác định rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, nguyên tắc phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cần phải được kiểm soát. Quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống ma túy.
Đồng thời, bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy, cụ thể như sau: Người sử dụng trái phép chất ma túy được quản lý bởi Ủy ban nhân dân cấp xã. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính; Người lần đầu được xác định là nghiện ma túy có quyền lựa chọn biện pháp cai nghiện ma túy phù hợp; Người nghiện ma túy trong thời hạn cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy thì bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc; Trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện thì bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.
Bên cạnh đó, Luật quy định rõ các trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy. Nhà nước bảo đảm kinh phí xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và kinh phí xác định tình trạng nghiện. Bổ sung các quy định nhằm nâng cao tính khả thi, hiệu quả của các biện pháp cai nghiện ma túy: Xác định rõ các giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy; Quyền và trách nhiệm của cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng; Chính sách của Nhà nước hỗ trợ kinh phí cai nghiện ma túy tự nguyện.
Trên cơ sở xác định được những vấn đề cử tri quan tâm và những kỹ năng được trang bị, khi viết về chương trình hành động, các ứng cử viên sẽ nêu được vài nét nổi bật không chỉ về một chính sách nhất định mà còn về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, của địa phương, lĩnh vực chuyên môn của ứng cử viên. Đồng thời, ứng cử viên cũng thể hiện được sự hiểu biết về những vấn đề quan trọng mà cử tri quan tâm, mong muốn và đề xuất; qua đó, đưa ra một số giải pháp để tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc của cử tri./.