ĐỔI MỚI CÁC THỨC LẤY Ý KIẾN NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP THỰC CHẤT HƠN

03/11/2021

Trình bày tham luận của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hội nghị triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cho biết, tiếng nói từ doanh nghiệp - động lực của nền kinh tế, đối tượng chịu sự tác động, chủ thể thực thi pháp luật ngày càng được coi trọng và là nhân tố quan trọng để định hình chính sách.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, khung khổ pháp lý về kinh doanh của Việt Nam đã và đang dần được hoàn thiện, đóng góp trực tiếp và quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước, được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và trong nước ghi nhận. Nhờ có môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp thế giới, nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới giai đoạn 2016-2020.

Quy trình xây dựng pháp luật thời gian qua được đổi mới theo hướng ngày càng công khai, minh bạch, dân chủ và cởi mở; người dân và doanh nghiệp được tham gia ngày càng nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách. Tiếng nói từ doanh nghiệp - động lực của nền kinh tế, đối tượng chịu sự tác động, chủ thể thực thi pháp luật - ngày càng được coi trọng và là nhân tố quan trọng để định hình chính sách.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công trình bày tham luận

Theo Chủ tịch VCCI, nếu như trước đây VCCI chưa có vai trò quan trọng và ít được tham gia sâu vào quá trình xây dựng pháp luật. Nhưng hiện nay Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nghị định hướng dẫn đã chính thức ghi nhận vị trí, vai trò và trách nhiệm của VCCI trong đại diện và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật kinh doanh.  Từ đó, VCCI đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao, nỗ lực chuyển tải đầy đủ mong muốn, tiếng nói của doanh nghiệp vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là các dự án luật trình lên Quốc hội.

Nhiều chính sách cải cách, nhiều thay đổi quan trọng tại các đạo luật về kinh doanh luôn có sự tham gia và đóng góp quan trọng của VCCI, như: Đơn giản hoá thủ tục đăng ký kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp; xây dựng quy trình, thủ tục đầu tư thuận lợi trong Luật Đầu tư; Chuyển đổi tư duy quản lý các ngành nghề kinh doanh từ “chọn cho” sang “chọn bỏ”, bãi bỏ các ngành nghề kinh doanh cụ thể trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Luật Doanh nghiệp; Cắt giảm, đơn giản hóa các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư... Từ thực tiễn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, VCCI cũng đã chủ động tập hợp, xây dựng báo cáo và phản ánh lên Quốc hội những chồng chéo, xung đột giữa các văn bản pháp luật, hầu hết các chồng chéo, xung đột này đã được giải quyết tại Luật Đầu tư và Luật Xây dựng năm 2020 vừa qua.

Bên cạnh đó, VCCI nhận thấy vẫn còn một số hạn chế cần quan tâm khắc phục để nâng cao hơn nữa chất lượng hệ thống luật pháp.

Thứ nhất, hoạt động xây dựng pháp luật một số cơ quan chủ trì cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng. Dù đã cải thiện rất nhiều, nhưng hoạt động của một số Ban soạn thảo còn có những mặt hạn chế như: đề xuất chính sách còn chung chung, nhiều báo cáo đánh giá tác động chưa đạt chất lượng yêu cầu, chưa chú trọng đánh giá hiệu quả chính sách có được như được dự kiến ban đầu hay không, công tác phối hợp với các cơ quan, trong đó có các tổ chức như VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp có lúc chưa tốt.

Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức nghiên cứu chuyên ngành trong hoạt động xây dựng pháp luật chưa được chú trọng đúng tầm, chưa có cơ chế tốt để thu hút các hiệp hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các chuyên gia giỏi tham gia vào việc nghiên cứu, đánh giá nhu cầu, hoạch định chính sách pháp luật, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra các dự thảo văn bản pháp luật.

Thứ hai, tính minh bạch trong quá trình soạn thảo văn bản cần tiếp tục được cải thiện. Mặc dù, quy trình soạn thảo văn bản pháp luật nói chung và các dự án luật trình Quốc hội nói riêng đang ngày càng trở nên minh bạch. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm cần xem xét. Ví dụ: i) việc lấy ý kiến các dự thảo chưa đủ thân thiện, có khi đăng tải toàn văn dự thảo, tờ trình, chưa có các phân tích, diễn giải về sự thay đổi, về từng nhóm vấn đề; ii) giải trình tiếp thu và công khai giải trình tiếp thu vẫn chưa thực hiện một cách triệt để; iii) hoạt động đánh giá tác động của chính sách, doanh nghiệp chưa được tham vấn một cách hiệu quả, đúng nghĩa…  

Thứ ba, còn có khoảng cách giữa luật và các văn bản hướng dẫn, khoảng cách giữa nội dung luật và triển khai thực hiện trên thực tế. Có những đạo luật nội dung rất tích cực nhưng nghị định và thông tư hướng dẫn lại có các nội dung hạn chế các tác động tích cực này. Nhiều văn bản hướng dẫn chậm được ban hành khiến luật chậm đi vào cuộc sống.

Thứ tư, về phía cộng đồng doanh nghiệp, nhận thức của nhiều doanh nghiệp đối với sự tham gia xây dựng, góp ý chính sách còn nhiều hạn chế. Tính chủ động và mức độ tham gia của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật còn hạn chế, năng lực trong phản biện và góp ý chính sách còn cần tiếp tục cải thiện, nâng cao.

 

Chủ tịch VCCI cho rằng, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật phải đáp ứng các yêu cầu và thách thức rất mới như: xử lý được những vấn đề đặt ra trong phòng, chống và khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19; thích ứng được với biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng ngày càng lớn đến Việt Nam và thế giới; bắt kịp được với quá trình thay đổi công nghệ và xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh chóng trên thế giới. Ngoài ra hệ thống pháp luật cũng phải tiếp tục giải quyết được các vấn đề lớn khác như kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn đất đai, tài nguyên... Pháp luật phải sát hơn với cuộc sống, phản ánh được hơi thở của cuộc sống, đúng với mong muốn của người dân và doanh nghiệp.

Để tăng cường và nâng cao vai trò, hiệu quả sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và VCCI trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật trên tinh thần lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, VCCI đề xuất:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới cách thức triển khai lấy ý kiến doanh nghiệp và người dân để ngày càng thực chất, thân thiện hơn. Tăng cường hơn nữa tính minh bạch của hoạt động xây dựng văn bản pháp luật, cần đăng tải công khai đầy đủ các tài liệu có liên quan gồm đánh giá tác động chính sách, các góp ý doanh nghiệp, việc tiếp thu của cơ quan soạn thảo, các thảo luận và những vấn đề lớn.

Thứ hai, về quy trình lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và VCCI vào các dự án luật trình Quốc hội, đề nghị mở rộng thêm lấy ý kiến góp ý dự án cả trước khi trình Quốc họp ở kỳ họp thứ hai chứ không chỉ trước kỳ họp thứ nhất như trước đây.

Thứ ba, đề xuất Quốc hội giao VCCI hoặc một cơ quan của Quốc hội phối hợp cùng VCCI xây dựng và triển khai chương trình nâng cao nhận thức, năng lực tham gia xây dựng pháp luật và chính sách cho các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp.

Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật. Hiện nay ngoài cổng thông tin riêng của từng bộ, ngành cần nghiên cứu để xây dựng cổng thông tin quốc gia chuyên đăng tải các dự thảo văn bản pháp luật và thu thập ý kiến của doanh nghiệp người dân.

Thứ năm, kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ này một số đạo luật quan trọng với cộng đồng kinh doanh như luật về hộ kinh doanh, luật về an ninh quốc phòng trong lĩnh vực kinh tế.

Thứ sáu, trong nhiệm kỳ này đề nghị Quốc hội khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức quốc gia, các hiệp hội như VCCI chủ động có các sáng kiến pháp luật. Nếu được Quốc hội chấp thuận, VCCI có thể có sáng kiến pháp luật đối với Luật Trọng tài thương mại sửa đổi hay Luật về hộ kinh doanh như đã nêu.

Bảo Yến

Các bài viết khác