THAM VẤN CHUYÊN GIA VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT TRONG TUYỂN DỤNG, SỬ DỤNG, QUẢN LÝ ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG, MẦM NON

04/11/2021

Sáng ngày 04/11, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì tọa đàm.

 

Toàn cảnh tọa đàm

Tham dự tọa đàm có: các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; các nhà quản lý giáo dục và chuyên gia trong lĩnh giáo dục, đào tạo.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa mong muốn tọa đàm hôm nay sẽ chỉ ra được những vấn đề trong thực trạng chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non; tình trạng thừa, thiếu giáo viên mầm non, phổ thông; định mức lao động; việc thực hiện chủ chương tinh giản biên chế đối với đội ngũ giáo viên; chính sách Nhà nước, chính sách đặc thù của địa phương (nếu có) đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn. Từ đó xác định được nguyên nhân và có những giải pháp phù hợp trong giai đoạn tới.

Cục Trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo Vũ Minh Đức tại tọa đàm

Báo cáo một số vấn đề thực trạng tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non tại tọa đàm, Cục Trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo Vũ Minh Đức cho biết, thời gian qua, việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non cơ bản đáp ứng được yêu cầu của ngành; hệ thống chính sách pháp luật đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhằm thực hiện Luật Giáo dục, Luật Viên chức và các Bộ luật khác có liên quan đã được quy định tương đối đầy đủ và thống nhất. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện công tác bố trí, sử dụng đội ngũ kịp thời để làm căn cứ giúp các địa phương thực hiện triển khai công tác tuyển dụng, bố trí, sử dụng đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên việc thừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn xảy ra tại một số địa phương, ở một cấp học và ở các cấp học khác nhau. Tuy nhiên, giáo viên dạy môn này không thể điều chuyển sang dạy môn khác; giáo viên cấp này không chuyển sang dạy cấp khác khi không đảm bảo trình độ chuẩn đào tạo. Việc điều chuyển giáo viên giữa các địa phương cũng khó khăn…

Cục Trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục Vũ Minh Đức cho biết, việc thiếu giáo viên chủ yếu xảy ra ở các môn học như tiếng anh, mỹ thuật, âm nhạc, tin học… bởi chế độ đại ngộ và mức lương chưa hấp dẫn so với các công việc khác cùng chuyên ngành. Đặc biệt là có tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở những địa phương có các khu công nghiệp, bởi mức lương của công nhân tại các khu công nghiệp cao hơn hẳn mức lương của giáo viên, không thu hút được nguồn nhân lực tham gia giảng dạy, nên có tình trạng nhiều lao động chấp nhận công việc ở các khu công nghiệp thay vì công việc dạy học.

Đại biểu phát biểu tại tọa đàm

Bên cạnh đó, tình trạng dân số cơ học tăng nhanh tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp dẫn tới tăng trường lớp, tăng số lượng giáo viên. Đối với các vùng miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, do đặc điểm đặc thù có nhiều điểm trường lẻ, sĩ số học sinh trong một lớp ít trong khi các lớp học này vẫn cần đảm bảo đủ giáo viên theo quy định…

Phát biểu tại tọa đàm, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho biết, tại tỉnh Yên Bái, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ cũng diễn ra giữa một số huyện. Trước tình trạng này, tỉnh Yên Bái cũng là thực hiện giải pháp khuyến khích giáo viên học lên văn bằng 2 để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên ở một số bộ môn. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ đáp ứng được với một số môn học dễ như tin học, tuy nhiên các môn học như tiếng anh, ngoại ngữ… thì gặp nhiều khó khăn.

Đại diện Trường tiểu học Ba Vì, Hà Nội cũng cho biết, tình trạng thừa thiếu giáo viên tại Trường tiểu học Ba Vì cũng tương tự như ở các địa phương khác. Giáo viên ở các môn văn hóa thì thừa, giáo viên ở các môn năng khiếu, ngoại ngữ thì thiếu…

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên không phải diễn ra trong thời gian gần đây mà diễn ra trong một thời gian dài do việc quy hoạch, sáp nhập mạng lưới trường lớp, thay đổi môn học, số tiết học mỗi môn cũng khiến cho các cơ sở giáo dục không theo kịp nên vấn đề thừa, thiếu là điều có thật. Nếu không có chính sách nhất quán, lâu dài,… thì vấn đề này sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Các đại biểu cho rằng, hệ thống chính sách pháp luật đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đầy đủ nhưng chưa đồng bộ, phù hợp, cần rà soát, hoàn thiện hơn.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng thừa giáo viên là do việc tuyển dụng không sát với nhu cầu và quy mô phát triển trường, lớp, học sinh; việc bố trí, điều động, phân công giáo viên chưa phù hợp, nhiều địa phương chưa có sự chỉ đạo thống nhất của chính quyền cấp tỉnh trong việc điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; do cơ cấu giáo viên phải bố trí theo từng môn học; tình trạng di dân cơ học tại một số khu công nghiệp, đô thị lớn...

Theo các đại biểu, sự biến động về quy mô trường lớp do sắp xếp, cơ cấu lại các trường hoặc do tăng dân số cơ học tại các thành phố lớn, khu công nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc thừa, thiếu cục bộ giáo viên tại một số địa phương, khu vực. Ngoài ra, những tồn tại này còn do chưa có sự thống nhất trong đánh giá vai trò giáo viên đối với sự nghiệp giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, các bộ ngành khác và địa phương. Cơ cấu giáo viên còn bất cập, đào tạo sư phạm chưa bám sát nhu cầu ngành giáo dục…

Để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục công tác rà soát, dự báo nhu cầu giáo viên, quy hoạch mạng lưới đào tạo sư phạm, công bố chuẩn nghề nghiệp giáo viên, ban hành kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, dồn điểm trường lẻ về trung tâm; Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ các chính sách phù hợp trong tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển giáo viên để đảm bảo chất lượng và sự ổn định của đội ngũ; chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương chủ động rà roát, sắp xếp lại các điểm trường, biên chế giáo viên phù hợp…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa tại tọa đàm

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề nghị thời gian tới, việc cắt giảm biên chế theo chỉ tiêu 10% trong lĩnh vực giáo dục cũng cần có cân nhắc, tính toán và đưa ra lộ trình phù hợp, không thể cắt giảm cơ học theo chỉ tiêu, để đảm bảo ở đâu có học sinh ở đó có giáo viên. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chính sách, lộ trình bài bản để thu hút, tuyển dụng được những giáo viên có năng lực thực sự, yêu nghề, bám nghề, và được đào tạo chuẩn.

Phát biểu kết thúc tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng việc thiếu giáo viên vẫn sẽ là một thách thức đối với ngành giáo dục trong thời gian tới, Chính phủ cần có những giải pháp nhanh và kịp thời hơn để giải quyết những vướng mắc, bất cập về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non, rà soát sửa đổi những chính sách không còn phù hợp nữa…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu tại tọa đàm; cho rằng các ý kiến thảo luận sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục nghiên cứu và có những đề xuất về nội dung này với Quốc hội trong thời gian tới./.

Thu Phương

Các bài viết khác