TỌA ĐÀM CHUYÊN ĐỀ PHỐI HỢP CÁC CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA, TIỀN TỆ TẠO NGUỒN LỰC ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, PHỤC HỒI KINH TẾ

05/12/2021

Chiều 05/12, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, tham gia tọa đàm chuyên đề về "Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế", các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết gói hỗ trợ để phòng chống dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế với quy mô đủ lớn; đồng thời lưu ý đến những nguy cơ trong quá trình thực hiện để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hướng đến đúng đối tượng phát huy hiệu quả.

 

Tọa đàm chuyên đề "Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế"

Dưới sự điều phối của chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực và sự tham gia của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia TS.Trương Văn Phước, nguyên Phó Viện trưởng CIEM TS.Võ Trí Thành và Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Jacques Morisset, các đại biểu tiếp tục thảo luận, đưa ra những kiến nghị, đề xuất chính sách và bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống hướng đến phát triển bền vững.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đồng hành với nền kinh tế

Tại tọa đàm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà khẳng định, để hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cùng hệ thống ngân hàng sẽ đồng hành cùng nền kinh tế, tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất, không chủ quan với lạm phát.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ năm ngoái đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng trung ương trên thế giới đều trong trạng thái hỗ trợ nền kinh tế và chính sách tiền tệ của Việt Nam ở mức trung bình của thế giới. Thực tế, chính sách tiền tệ tác động ở hai khía cạnh là lượng và giá, tương hỗ nhau. Về lượng, mục tiêu của hệ thống ngân hàng là bảo đảm duy trì thanh khoản của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã điều hành bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, các tổ chức tín dụng và cho các doanh nghiệp.

Ở góc độ thanh khoản cho nền kinh tế, cung ứng tiền của Ngân hàng Nhà nước  trong 2 năm qua đã hỗ trợ nền kinh tế rất lớn. Về thanh khoản cho các doanh nghiệp, do COVID-19 nên các doanh nghiệp gặp khó khăn về trả nợ, cho vay mới. Ngân hàng Nhà nước  đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các thông tư 01, 03 và 04, duy trì thanh khoản cho doanh nghiệp với điều kiện ngân hàng phải đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp trong tương lai, miễn giảm lãi suất cho khoản vay cũ và mới. Tính đến cuối tháng 11, dư nợ tín dụng tăng trên 10%, phù hợp mục tiêu đề ra là 12% trong năm nay. Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng có thể nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho tháng cuối cùng của năm 2021 nhằm bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm.

Bên cạnh việc duy trì khối lượng thanh khoản tốt trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước  đã điều hành hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, ngay từ đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành. Hiện, lãi suất điều hành giảm 1,5 - 2%; lãi suất huy động giảm 1,5%; lãi suất cho vay giảm 1,77% so với đầu năm 2020. Có 16 ngân hàng thương mại cam kết tiếp tục hạ lãi suất từ tháng 7 đến hết năm nay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà trao đổi tại tọa đàm

Về thách thức trong thời gian tới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, lạm phát đang là vấn đề toàn cầu. Các ngân hàng trung ương các nước đang thu lại biện pháp nới lỏng tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát về nguy cơ lạm phát hiện hữu để kiểm soát tiền tệ. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ hết sức lưu tâm vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp trong cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Trong thời gian tới, với lượng thanh khoản tốt, thị trường vốn và chứng khoán rất lớn có cơ hội tăng vốn cho ngân hàng, trong đó có ngân hàng thương mại lớn, cùng với cơ hội mang lại từ chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng và thực tế ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai chuyển đổi số, cùng hệ thống ngân hàng đồng hành với nền kinh tế, tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất, không chủ quan với lạm phát.

Các chính sách cần linh hoạt, bám sát tình hình thực tế

Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế cần quán triệt nguyên tắc bám sát tình hình, tường minh, rõ ràng, nếu cần điều chỉnh chính sách phải thông báo nhanh chóng với thị trường. Nếu tình hình thực tế có thay đổi cần cho phép chuyển hóa nguồn lực thực hiện.

So sánh giữa dư địa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, TS Võ Trí Thành nhận thấy, dư địa chính sách tài khóa hiện nay tốt hơn rất nhiều khi xét trên các chỉ số nợ công, thâm hụt ngân sách, cũng như sự thuận lợi trong huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Song, dư địa của chính sách tiền tệ có nhiều giới hạn khi bị giới hạn bởi tỷ lệ nợ tín dụng/GDP, lạm phát, nguy cơ tăng nợ xấu. Do vậy, trong thời gian tới nên tập trung thực hiện các chính sách tài khóa.

TS Võ Trí Thành cho rằng trong thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ, độ trễ trong của chính sách tài khóa đã được cải thiện phần nào. TS Võ Trí Thành cho rằng sự đồng hành của Quốc hội thể hiện kỳ họp bất thường cần được thể hiện nhiều hơn nhất là trong bối cảnh 5 năm tới khi tình hình thế giới còn bất định, nhiều bất ổn và rủi ro hiện nay.

Cho rằng đặc điểm độ trễ trong và độ trễ ngoài khi triển khai thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ ở nước ta đều dài, TS Võ Trí Thành đề nghị, cần có khung pháp lý để hệ thống ngân hàng thương mại có thể và dám làm việc hỗ trợ lãi suất trên cơ sở sự tường minh trách nhiệm giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Ngân hàng Nhà nước.

TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) phát biểu tại tọa đàm

Theo TS Võ Trí Thành, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và theo dõi tình hình để nhanh chóng điều chỉnh chính sách. Các nguồn lực để hỗ trợ phục hồi kinh tế nếu có thay đổi trong quá trình thực hiện cần cho phép được chuyển hóa. Quốc hội xây dựng khung để Chính phủ chuyển hóa nhanh trong quá trình thực hiện; bám sát tình hình, tường minh, rõ ràng, nếu cần điều chỉnh chính sách cũng thông báo nhanh chóng với thị trường. TS Võ Trí Thành chỉ rõ, các chính sách tài khóa, tiền tệ thường tác động đến tiêu dùng, đầu tư, lạm phát, sản lượng (GDP), tỷ giá, lãi suất, với mức độ khác nhau. Vì thế, bên cạnh sự giám sát thường xuyên và phối hợp trong triển khai chính sách, cần lưu ý đến phản ứng của thị trường tài chính, thể hiện qua biến động tỷ giá, lãi suất, lạm phát.

Ngoài ra, để thu hút nguồn lực thực hiện hỗ trợ phục hồi kinh tế (như cho các định chế tài chính mua trái phiếu), TS Võ Trí Thành tán thành với việc có thể suy nghĩ nới các chỉ tiêu bội chi, nợ công.

Ưu tiên đầu tư cho y tế và những ngành có lĩnh vực có khả năng phục hồi, tăng trưởng

Trao đổi từ điểm cầu Tp.Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hồ Chí Minh khẳng định Diễn đàn lần này có ý nghĩa khoa học và thực tế rất quan trọng đối với đại biểu Quốc hội, qua đó giúp đại biểu Quốc hội có tư liệu tham gia quyết định vấn đề quan trọng quốc gia trong thời gian tới.

Tán thành với các nhận định của các nhà khoa học, các chuyên gia đã nêu tại Diễn đàn về tác động của đại dịch COVID-19 và sự cần thiết có gói hỗ trợ để phòng chống dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế với quy mô đủ lớn để thực hiện phục hồi một cách nhanh nhất, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, khủng hoảng lần này xuất phát từ nguyên nhân y tế nên cần dành nguồn lực cho ngành y tế. Theo đó, cần đầu tư cho trang thiết bị, vaccine, thuốc điều trị và thu nhập cho y bác sỹ.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng cần có hỗ trợ diện rộng để tất cả người dân, nhiều ngành, lĩnh vực được thụ hưởng. Do đó, cần tiếp tục có gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ cho người yếu thế và lao động mất việc làm do dịch bệnh.

Đồng thời, có gói đầu tư công, ưu tiên đầu tư công cho đường cao tốc, hạ tầng số, hạ tầng công nghệ viễn thông, hạ tầng điện nước, xã hội; quan tâm đến các đầu tàu, động lực tăng trưởng để tạo ra nguồn thu ngân sách như đầu tư cho khu vực Đông Nam Bộ, trong đó có đường vành đai 3 kết nối các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai và Tp.Hồ Chí Minh.

Nhấn mạnh quan điểm hỗ trợ phải có chiều sâu, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, hỗ trợ chuyển đổi số, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, những khu vực và ngành nghề chịu bị tổn thương nặng nề nhất như vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng đối với doanh nghiệp hỗ trợ phi tiền tệ là rất quan trọng gồm các giải pháp tháo gỡ thể chế, cố gắng có 1 luật sửa 8 luật để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh góp phần đầu tư Nhân dân nhất là đầu tư cho xây dựng, nhà ở xã hội. Cùng với đó là các hỗ trợ trực tiếp như kéo dài các gói hỗ trợ như miễn, giảm, giãn thuế, phí, tiền thuê đất…

Tập trung ưu tiên hỗ trợ gián tiếp về lãi suất cho những ngành có khả năng hấp thụ vốn và khả năng tăng trưởng như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo, hợp tác công tư trong xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng số, logistic, xây dựng nhà ở, chỉnh trang đô thị, nhà ở cho người có thu nhập thấp, đặc biệt khuyến khích đầu tư bệnh viện tư nhân; đồng thời có hỗ trợ bảo lãnh tín dụng, quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được củng cố về vốn và nhân sự./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác